Lý giải nguyên nhân khiến chính trị Úc bất ổn

GD&TĐ - Chỉ trong một thập kỷ, nước Úc trải qua tới 6 đời Thủ tướng. Sắp tới, chắc chắn sẽ còn nhiều diễn biến khác thường trong nền chính trị nước này. Ít nhất đó cũng là điều mà Malcolm Turnbull đã nói khi ông rút khỏi chiếc ghế quyền lực sau khi bị lật đổ năm 2015, khi ông Tony Abbott đang giữ vị trí Thủ tướng. Chỉ 3 năm sau, lại đến lượt Turnbull rơi vào tình huống tương tự.

Tân Thủ tướng Úc Scott Morrison tại lễ nhậm chức ở Canberra
Tân Thủ tướng Úc Scott Morrison tại lễ nhậm chức ở Canberra

10 năm 6 Thủ tướng

Nền chính trị Úc đã có một lãnh đạo khác vào cuối tuần qua: Cựu Tổng trưởng Ngân khố Scott Morrison trở thành Thủ tướng thứ sáu của nước này chỉ trong hơn một thập kỷ.

Có một giai thoại nói rằng sau khi ông Turnbull nắm quyền năm 2015, các nhân viên y tế quyết định không sử dụng câu hỏi “Thủ tướng là ai?” để kiểm tra khả năng tâm thần của bệnh nhân, vì quả thật, câu hỏi đã trở thành khó cho nhiều người dân nước Úc. Vậy tại sao Úc không thể giữ Thủ tướng trong thời gian dài hơn ba năm?

Thực tế, Úc không ở trong tình trạng hỗn loạn kinh tế như Ý, phải vật lộn để hình thành một chính phủ trong những tháng trước; cũng không phải do cấu trúc của chính phủ không ổn định, như nhiều nền dân chủ thất bại trên toàn thế giới.

Và chắc chắn việc “thay ngôi đổi chủ” liên tục trong chính quyền Úc cũng không phải là ý nguyện của người dân, vì một cuộc thăm dò quan trọng được tiến hành đầu tháng cho thấy 64% người được hỏi cho biết các đảng chính trị không nên thay đổi lãnh đạo của họ ngoài cuộc bầu cử.

Phát biểu tại Thượng viện Úc hôm thứ Sáu, lãnh đạo đảng Greens Richard Di Natale bày tỏ suy nghĩ của nhiều người Úc khi mô tả chính phủ là “một sự ô nhục” trong một bài phát biểu. “Người dân trên khắp đất nước đang đau khổ và nhìn vào những gì các ngài đang làm. Ngài đã rất tập trung vào bản thân mà quên đi những gì đất nước đã bầu ngài để thực hiện”, ông nói.

Hỗn loạn chính trị

27 năm qua, nền kinh tế Úc khá bình ổn, không hề có sự suy thoái kinh tế - một kỷ lục về sự tăng trưởng liên tục, khiến hàng chục quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, phải ghen tị. Mặc dù vậy, văn hóa chính trị của nước này chẳng mấy khác biệt so với kiểu nền “cộng hòa chuối”, rất dễ bị đảo lộn.

“Tầng lớp chính trị gia hiện tại của chúng tôi không phải lúc nào cũng sẵn sàng đối phó với sự tàn phá trong đảng của họ” - Jill Sheppard, giảng viên tại Trường Chính trị và Quan hệ Quốc tế của Đại học Quốc gia Úc, lý giải. “Sự ra đời của các kênh tin tức 24 giờ tại Úc đã tạo ra nhu cầu về nội dung và sự tập trung chưa từng thấy về cuộc sống cá nhân và mối thâm thù của các chính trị gia Úc”.

Văn hóa đảo chính bắt đầu khi Thủ tướng Kevin Rudd bị lật đổ bởi người phó của ông, Julia Gillard, trong một cuộc lật đổ đột ngột vào một đêm tháng 6 năm 2010, khiến hôm sau, nhiều người Úc thức dậy và vô cùng bất ngờ với một Thủ tướng mới.

Vào thời điểm đó, sự thay đổi lãnh đạo trong chính phủ không do bầu cử là rất bất thường ở Úc. Từ năm 2010 trở về trước, trong suốt 50 năm, chỉ có hai sự kiện như vậy thành công, vào năm 1971 và sau đó là năm 1991.

“Việc loại bỏ Kevin Rudd khỏi chiếc ghế Thủ tướng năm 2010 đã mở cửa cho hàng loạt sự kiện tương tự. Một khi các chính trị gia Úc nhận ra điều này có thể thành hiện thực, thì tiến hành một vài lần nữa chẳng có gì khó khăn cả”, ông Sheppard nói.

Từ năm 2010, đã có thêm ba thay đổi về lãnh đạo giữa các cuộc bầu cử, từ Gillard đến Rudd, từ Abbott đến Turnbull và bây giờ Turnbull đến Scott Morrison, vị cựu Tổng trưởng Ngân khố của ông.

Cuộc chiến phe phái

Giống như ở Anh và Mỹ, nền chính trị Úc ngày càng trở nên chia rẽ. Sheppard cho biết: “Cả hai đảng chính đều phải đối mặt với những sự phân chia sâu sắc bên trong hàng ngũ của họ, vì các căn cứ lịch sử của các bên đã nhường chỗ cho các xu hướng xã hội mới và năng động. Ví dụ, Đảng Tự do theo truyền thống là một đảng chống lao động, bao gồm các nhà tư bản cổ trắng. Bây giờ, đảng này bao gồm một tập hợp những người theo xu hướng bảo thủ xã hội, tiến bộ xã hội, bảo thủ kinh tế và cả những người ủng hộ tự do một cách uyển chuyển”.

Thoạt đầu, vụ lật đổ ông Turnbull là do bất đồng ý kiến về chính sách biến đổi khí hậu, nhưng thực tế, phe bảo thủ Đảng Tự do đã từ lâu không thích và không tin tưởng nhà lãnh đạo này trong quan điểm chính trị tiến bộ lịch sử của ông.

“Đã có một cuộc nổi loạn được xác định từ một số người ngay trong nội bộ đảng và được ủng hộ mạnh mẽ trên phương tiện truyền thông” - Turnbull phát biểu một cách cay đắng, sau khi ông đã mất vị trí lãnh đạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?