Sau khi "lên sàn" năm 2004, Google cần tìm ra con đường để giữ vững mức tăng trưởng ấn tượng mà không đánh mất nhân tài vào tay các startup nóng bỏng như Facebook, Twitter.
Laszlo Bock - Người giữ cương vị Phụ trách Nhân lực tại Google từ 2006 - tiết lộ trong cuốn sách mới Work Rules! rằng ông và lãnh đạo Google phải dành hàng năm trời để xác định cách giữ chân nhân tài tốt nhất có thể. Cuối cùng, họ dựa trên chiến lược “trả lương không bằng nhau”.
Ông viết: “Tại Google, có trường hợp hai người làm cùng một công việc có thể tạo ra khác biệt hàng trăm lần về hiệu quả và theo đó là cả thu nhập.
Chẳng hạn, một người nhận được thưởng cổ phiếu trị giá 10.000 USD nhưng có người làm cùng lĩnh vực nhận tới 1 triệu USD. Đây không phải điều thường gặp nhưng mức thưởng ở bất kỳ cấp nào đều dao động từ 300 đến 500%...
Thực tế, có nhiều lúc nhân viên cấp dưới lại kiếm được nhiều hơn nhân viên cấp cao. Đây là kết quả tự nhiên của việc sở hữu hệ thống trả trưởng dựa trên tác động”.
Bock thừa nhận chính sách “trả lương không bằng nhau” khá khiêu khích. Tuy nhiên, trong quan điểm của mình, ông cho rằng trả cho người có hiệu suất cao hơn nhiều là điều công bằng.
Ngay cả khi Google luôn tự hào vì chỉ tuyển những cá nhân ưu tú, nhân viên của họ vẫn rơi vào trạng thái phân phối theo quyền lực (ngược với chính sách kể trên), trong đó phần lớn nhân viên đều “dưới mức trung bình” và chỉ có một số người “cân” phần còn lại.
Dẫn báo cáo năm 2012 của hai tác giả Ernest O’Boyle và Herman Aguinis, ông nhận định “1% nhân viên hàng đầu tạo ra năng suất gấp 10% và 5% tạo ra năng suất gấp 4 lần trung bình”.
Các công ty tại thung lũng Silicon thường ganh đua với nhau để có cái gật đầu từ những người xuất sắc. Đầu năm nay, Google, Apple, Intel và Adobe đã phải trả 415 triệu USD để dàn xếp vụ kiện tố cáo họ tham gia thỏa thuận tiền lương bất hợp pháp.
Google nổi lên như người đi đầu trong cuộc chiến “săn người”. Với hàng tỷ USD doanh thu, hãng đủ sức trả các khoản lớn để giữ lại những người có giá trị nhất.
Như cựu Giám đốc Quản trị sản phẩm Google Hunter Walk từng nói, “cách tệ nhất để lôi kéo người Google là dùng tiền. Với những nhân viên thực sự tốt, Google đủ sức đánh bại bạn. Vì vậy, bạn chỉ có thể có được những người không còn lưu luyến với Google”.
Bock khẳng định Google có nhiều tiền để áp dụng chính sách này hơn các công ty khác song thưởng cao hơn cho nhân tài là chiến lược thông minh trong bất kỳ ngành nghề cạnh tranh nào.
“Rất khó để đưa ra mức thu nhập nơi một người có thể kiếm được gấp đôi hay thậm chí 10 lần hơn người khác. Tuy nhiên, nhìn những người tốt nhất và tiềm năng nhất bước khỏi công ty thậm chí còn khó khăn hơn.
Nó làm bạn phải băn khoăn rằng thế nào mới là trả không công bằng: các công ty trả cho người giỏi nhất nhiều hơn hay các công ty trả lương mọi người ngang nhau” - Ông kết luận.