Lý do chưa thể đưa tàu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội về chạy thử

Lý do chưa thể đưa tàu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội về chạy thử

Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, tổng thể dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đến nay đã đạt 63%. Riêng 8,5km đoạn trên cao đạt gần 80%.

Chưa thể vận hành chạy thử trong năm nay

Ông Hiếu thừa nhận, đến nay dự án vẫn gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể, dự án sử dụng công nghệ và chuyên gia nước ngoài, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên chuyên gia của nhà thầu (Huyndai, Posco…) và tư vấn Pháp vẫn chưa thể sang Việt Nam.

Nếu sang được thì phải cách ly 28 ngày theo quy định của Việt Nam nên tiến độ triển khai dự án bị ảnh hưởng không nhỏ.

“Ban đang đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép 33 chuyên gia nhập cảnh và thực hiện cách ly theo đúng quy định. Khi chưa nhập cảnh được có thể họp trực tuyến qua mạng để tận dụng nguồn lao động này”, ông Hiếu nói.

8,5km trên cao đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội nhiều khả năng không thể đưa vào vận hành chạy thử trong tháng 9 tới
8,5km trên cao đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội nhiều khả năng không thể đưa vào vận hành chạy thử trong tháng 9 tới

Theo kế hoạch tháng 7 này, đoàn tàu đầu tiên sẽ được đưa về Hà Nội, nhưng vì ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhà sản xuất ở Pháp phải đóng cửa thực hiện cách ly.

“Do ảnh hưởng từ dịch bệnh toàn cầu nên các bên phải điều chỉnh kế hoạch đến quý 4/2020 đoàn tàu đầu tiên mới có thể đưa về Hà Nội. Chúng tôi đang đàm phán với nhà thầu để các đoàn tàu tiếp theo phải được đưa sang Việt Nam đúng tiến độ”, ông Hiếu nói.

Phó trưởng Ban quản lý đường sắt độ thị Hà Nội cũng cho biết, việc đưa 8,5km đường trên cao Nhổn - ga Hà Nội vào vận hành thử trong tháng 9 đang được Ban quản lý dự án, nhà thầu và tư vấn... cố gắng.

Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân ông Hiếu đánh giá, tiến độ sẽ bị chậm so với kế hoạch.
 
Bồi thường nhà thầu 6,7 triệu USD

Phó Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, công ty TNHH Dealim Hàn Quốc - đơn vị thi công xây lắp đoạn tuyến trên cao (gói thầu CP1) đã yêu cầu bổ sung hơn 19 triệu USD do mặt bằng thi công bị chậm 1,5 năm so với cam kết trong hợp đồng, điều này dẫn đến phải kéo dài hơn 2 năm thi công.

 Theo ông Hiếu, khi lỗi không phải do nhà thầu gây ra thì họ có quyền yêu cầu bổ sung các chi phí phù hợp. Nhà thầu đề nghị cần bổ sung 19 triệu USD.

Tuy nhiên, qua quá trình đàm phán 2 bên thống nhất mức 6,7 triệu USD, trong đó chủ đầu tư dự án đang đề nghị cả 2 bên tuân thủ con số kết luận cuối cùng của kiểm toán nhà nước khi dự án quyết toán đưa công trình vào sử dụng.  

Nguồn vốn bổ sung 6,7 triệu USD sẽ được bố trí từ 2 nguồn. Một là vốn còn dư sau khi đấu thầu, tức là giá gói thầu VN phê duyệt cao hơn với giá nhà thầu trúng thầu. Hai là nguồn dự phòng nằm trong tổng mức đầu tư của dự án. Đây là hai nguồn chi trả hợp pháp.

“Không ai có thể tiên lượng về GPMB nên mới có chi phí dự phòng cho các việc chưa lượng trước được”, ông Hiếu nói.

Theo đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội lần đầu tiên thực hiện trên địa bàn Hà Nội nên gặp nhiều khó khăn trong công tác GPMB. Trước đây gặp vướng mắc về nhà ga trên cao từ S1-S8.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, gồm 8,5km trên cao và 4km ngầm, đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm.

Dự án được khởi công từ tháng 9/2010, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, đầu năm 2017 TP Hà Nội xin lùi tiến độ đến sau năm 2021.

Đến nay tổng mức đầu tư của dự án đã lên đến gần 36.000 tỷ đồng sau hai lần điều chỉnh giá.

Theo vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.