Lý do cần tiêm vắcxin ngừa Covid-19 mũi 3

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, nhóm cần được ưu tiên tiêm mũi 3 đầu tiên là nhân viên y tế bởi họ có nguy cơ cao mắc Covid-19 và cũng có thể là nguồn lây cho các bệnh nhân nội, ngoại trú.

Nhân viên y tế là nhóm nên được ưu tiên tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC).
Nhân viên y tế là nhóm nên được ưu tiên tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC).

Nhóm ưu tiên

Trong phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV ngày 11/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đang lên kế hoạch triển khai tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19 vào cuối năm nay và đầu năm sau. Tuy nhiên, hiện, Bộ Y tế chưa công bố kế hoạch cụ thể tiêm mũi 3.

Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 2 tháng cuối năm sẽ tiếp tục tiêm vét vắc-xin Covid-19 mũi 1, mũi 2 cho người trên 18 tuổi. Đồng thời, tiêm mũi 1, 2 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi.

Thành phố cũng sẽ triển khai tiêm nhắc mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch trong tháng 11 và 12 tới. Dự kiến năm 2022, Thành phố triển khai tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Đồng thời, tổ chức tiêm mũi 3 và 4 cho người đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh dẫn chứng, các nghiên cứu có sẵn về bệnh cảm lạnh do Coronavirus gây ra cho thấy, nồng độ kháng thể tăng cao dần đến 6 tháng. Nồng độ ở tháng thứ 9 sẽ đi ngang và sau đó giảm dần. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, dù kháng thể thấp, cơ thể sẽ sản xuất lượng kháng thể khi gặp lại virus.

Trong khi đó, chia sẻ về việc tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định, trong điều kiện hiện tại, nên ưu tiên tiêm mũi tăng cường cho nhóm nguy cơ cao.

Đầu tiên là lực lượng tuyến đầu chống dịch thường xuyên tiếp xúc với F0. Bởi, nhóm này đã tiêm từ tháng 3, tháng 4 và vẫn đang thực hiện nhiệm vụ điều trị bệnh nhân. Do đó, họ cần tiêm tăng cường để có đủ kháng thể, giảm nguy cơ trở nặng khi nhiễm bệnh. Nhóm ưu tiên thứ hai là người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch. Nhờ đó, giúp họ có thể đáp ứng miễn dịch phòng bệnh.

Đồng quan điểm này, TS.BS Trần Nam Trung - chuyên gia dịch tễ tại Mỹ dẫn chứng: “Nhiều thông tin gần đây cho thấy, hiệu lực của vắc-xin Moderna, Pfizer giảm sau 6 tháng. Do vậy, nhiều nước đã tiêm mũi 3 ở người già, bệnh nền…”.

Theo chuyên gia này, tại Việt Nam, nhóm cần được tiêm mũi 3 đầu tiên là nhân viên y tế. Bởi, họ không chỉ là nhóm nguy cơ cao mà còn có thể là nguồn lây cho các bệnh nhân nội, ngoại trú - những người dễ tổn thương do Covid-19. Vì vậy, TS.BS Trần Nam Trung nhấn mạnh, cần ưu tiên tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19 cho nhân viên y tế, người cao tuổi, nhóm có bệnh nền.

Chú trọng người suy giảm miễn dịch

Nhóm chuyên gia Cố vấn Chiến lược (SAGE) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra khuyến cáo tiêm mũi 3 cho người suy giảm miễn dịch. Theo SAGE, nhóm này ít có khả năng đáp ứng đầy đủ với vắc xin nếu chỉ tiêm theo liều tiêu chuẩn và có nguy cơ trở thành ca bệnh nặng khá cao.

Đối với các loại vắc xin mRNA như Moderna và Pfizer, nhóm ưu tiên là người từ 65 tuổi trở lên, từ 50 - 64 tuổi mắc bệnh nền, người từ 18 tuổi trở lên có bệnh nền, đang sống tập trung tại các cơ sở chăm sóc dài hạn hoặc làm việc ở môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao. Liều thứ 3 tiêm sau liều hai ít nhất 6 tháng.

Đối với vắc xin Johnson & Johnson (liệu trình một liều), tất cả người từ 18 tuổi trở lên đều đủ điều kiện tiêm liều tăng cường thứ 2 ít nhất hai tháng sau liều đầu tiên. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) cho phép tiêm trộn hoặc tiêm cùng loại với các liều đầu tiên. Người dùng có thể tự lựa chọn loại vắc-xin mình muốn trong liều tăng cường.

Trong ngày 13/11, có 1.093.823 liều vắc-xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 98.930.571 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 64.322.087 liều, tiêm mũi 2 là 34.608.484 liều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ