Lý do bất ngờ khi trẻ thở ra tiếng kèn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận bé trai (Phú Yên) đến khám vì lý do ho kéo dài đã chữa trị nhiều nơi không khỏi.

Dị vật đường thở mà trẻ nuốt phải. Ảnh: BVCC.
Dị vật đường thở mà trẻ nuốt phải. Ảnh: BVCC.

Cách nhập viện 7 - 8 năm, bé ngồi ngậm kèn đồ chơi. Sau đó, bé bị bạn đến vỗ vào lưng, gây sặc kèn nhưng không khó thở, tím tái. Bé có báo người nhà bị nuốt kèn.

Người nhà có nghe bé thở ra tiếng kèn vào thời điểm đó. Bé được đưa đến khám tại Bệnh viện Quy Nhơn kiểm tra. Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng, dị vật sẽ theo đường ăn ra ngoài nên không can thiệp gì.

Suốt 7 - 8 năm nay, bé vẫn thở bình thường, không khó thở hoặc viêm phổi, lâu lâu bị ho và mua thuốc về uống tự hết. Cách đây hơn 1 tháng, bé bỗng nhiên ho nhiều hơn. Sau đó, người nhà đưa bé khám tại Bệnh viện Đại học Y - Dược TPHCM nghi lao phổi nên chuyển Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

Tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, trẻ được điều trị phác đồ lao phổi, tái khám mỗi 10 ngày /1 lần, đợt tái khám thứ 3 tình trạng vẫn không cải thiện, bé ho nhiều, XQ phổi không giảm, CT scan phổi nghi là dị vật nên cho thuốc về uống, tái khám sau 10 ngày.

Người nhà đã chuyển trẻ lên Bệnh viện Nhi đồng 1 nội soi đường thở.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ cho biết, đây là một trường hợp dị vật nằm trong phổi quá lâu và rất sâu ở phế quản hạ phân thùy phổi bên phải. Khi nội soi vào đường thở để xác định vị trí của dị vật, phẫu thuật viên gặp khó khăn trong việc tiếp cận dị vật.

Ê-kíp phẫu thuật trải qua hơn 90 phút vừa phải cầm máu, vừa ổn định gây mê, đảm bảo đường thở cho bệnh nhi rất nhiều lần để tiếp tục tìm cách tiếp cận dị vật qua nội soi.

TS.BS Phú Quốc Việt - Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng, một trong các bác sĩ trực tiếp tham gia cuộc mổ, cho biết: “Sau nhiều nỗ lực soi, ê-kíp đã thấy được dị vật, nhưng một lần nữa vị trí dị vật là 1 thử thách cho phẫu thuật viên. Chúng tôi sử dụng kỹ thuật 4 hands, tức 2 bác sĩ sẽ phụ nhau cùng soi và gắp cùng lúc”.

Sau lần đầu thất bại, các bác sĩ đã thành công trong lần thứ 2 lấy được dị vật ra khỏi đường thở. Khi nội soi lại, đường thở khá ổn định, không còn chảy máu.

Sau phẫu thuật, hiện, trẻ có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường trở lại. Theo các bác sĩ, dị vật đường thở thường khiến trẻ ho kéo dài không rõ nguyên nhân, dễ nhầm lẫn với triệu chứng viêm phổi, viêm đường hô hấp. Nếu dị vật rơi vào gây bít tắc đường thở có thể khiến trẻ tử vong ngay lập tức.

Do đó, phụ huynh cần chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi trẻ, tránh ép con ăn, uống. Khi phát hiện trẻ đột ngột ho sặc sụa, tím tái, khó thở, tức có hội chứng xâm nhập, cần nghĩ ngay đến dị vật trong đường thở. Cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa khi có biểu hiện ho khò khè lâu ngày, khó thở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.