Đừng học tủ, kẻo lệch ngăn
Với nhiều phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học hiện nay (xét điểm học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển…), nhiều học sinh lớp 12 đã đủ điều kiện trúng tuyển vào trường đại học. Do đó, với nhiều em, mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là đạt kết quả tốt, tốt nghiệp THPT để được nhập học vào đại học chính thức.
Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM) cho rằng, với thời gian ít ỏi còn lại, học sinh lớp 12 tuyệt đối không tự tạo áp lực bằng việc nhồi nhét thêm kiến thức.
“Thay vì cứ miệt mài học, đọc và giải đề hoặc cố gắng học tủ một bài nào đó, hãy dành thời gian nghe nhạc, chơi thể thao nhẹ nhàng, đi ăn uống cùng gia đình để đầu óc thư giãn. Hãy nhớ không căng thẳng thì kiến thức tích luỹ được sẽ “khứ hồi” về não bộ nhiều hơn”, thầy Phú đưa ra lời khuyên.
Trước kỳ thi cần bình tĩnh, đừng học tủ, “học tủ” đúng bài nhưng “lệch ngăn” cũng phí hoài là lời khuyên mà thầy Võ Minh Nghĩa - Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) lưu ý.
Thầy Nghĩa cho rằng, học sinh nên tham khảo các đề thi tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 để rút kinh nghiệm; tập đọc kỹ đề bài. “Không tạo cho mình vùng cấm để rồi lo lắng bất an; sau thi nên nhẹ nhàng, đừng bận tâm, đừng vội xem đáp án tràn lan bằng những nguồn không chính thống, dẫn đến tự tạo cảm giác lo lắng, ảnh hưởng tâm lý các môn sau”, thầy Nghĩa cho hay.
Đối với môn Ngữ văn, trình bày cẩn thận là tiêu chí quan trọng. Về mặt tâm lý, giáo viên đọc nhiều, chấm nhiều nên trình bày sạch, đẹp, rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu là cách ghi điểm tốt nhất. Theo thầy Nghĩa, phần đọc hiểu, nếu đề không yêu cầu viết thành đoạn văn, thí sinh nên gạch đầu dòng thành các ý để trả lời. Thí sinh nên viết đoạn văn ngắn, chú ý hình thức đoạn văn, không xuống dòng để tránh sai quy cách, sai yêu cầu đề.
Phần viết bài văn nghị luận văn học, cần trình bày rõ mở bài, thân bài, kết bài. Thân bài cần tách đoạn theo luận điểm, trình bày lùi đầu dòng khác với mở bài và kết bài. Nếu chữ viết không đẹp thì ít nhất phải dễ nhìn, dễ đọc. Khi thí sinh gạch bỏ thì tránh bôi đen, làm hàng rào sẽ xấu bài, chỉ cần gạch xéo 1 đường. Thí sinh không nên sử dụng bút nước khi làm bài.
Về nội dung, cần xác định đúng trọng tâm vấn đề nghị luận, không viết lan man hoặc đưa một dẫn chứng rồi phân tích đến hết là sai yêu cầu. “Thí sinh muốn đạt điểm cao cần tham khảo thêm các yêu cầu phụ theo từng bài. Giáo viên dạy trên lớp đã hướng dẫn cho thí sinh những câu hỏi phụ này. Đề sẽ luôn có câu hỏi phụ kèm theo sau khi phân tích. Vì đó thí sinh không nên bỏ qua mà cần đầu tư làm tốt câu hỏi phụ để đạt điểm khả quan”, thầy Nghĩa lưu ý.
Học sinh lớp 12 dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức. Ảnh: Lê Nam |
Sức khỏe tinh thần ổn định
ThS Lý Đức Thanh, giáo viên tham vấn học đường Trường THPT Võ Văn Kiệt (TPHCM) cho rằng, để đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi, sĩ tử cần có chế độ ăn uống, học tập và nghỉ ngơi điều độ.
Theo ThS Thanh, sĩ tử cần giữ sức khỏe ổn định cùng tinh thần tốt nhất; ăn đủ chất, uống đủ nước, có thể bổ sung thêm vitamin B từ chuối, các loại hạt. Thí sinh không nên thức quá khuya, không dậy quá sớm và cần đảm bảo ngủ đủ giấc.
“Không nên vận động quá sức, ăn uống quá nhiều. Đặc biệt, đừng thức quá khuya sẽ không tốt cho sức khỏe và tinh thần, dễ bị ngủ quên và trễ giờ thi”, ThS Thanh nói.
Ngoài ra, thầy Thanh khuyên thí sinh tuyệt đối không được nhịn ăn, phải ăn những thực phẩm nấu chín và có thể ăn nhẹ trước giờ thi 30 phút để bổ sung thêm năng lượng. Buổi trưa cần chợp mắt 15 - 20 phút để lấy năng lượng, giúp tinh thần tỉnh táo và làm bài tốt hơn vào buổi chiều. Thí sinh nên tránh ăn những thực phẩm lạ, khó tiêu hóa, hoặc dễ gây tiêu chảy, ngộ độc.
“Tâm lý lo lắng, học ép chắc chắn sẽ không đạt kết quả tốt. Thí sinh cần giữ tâm lý thoải mái, đọc kỹ, phân tích đề trong thời gian trước khi bắt đầu tính giờ làm bài sẽ giúp não bộ của thí sinh hệ thống lại kiến thức tốt nhất. Tự tin vào bản thân là chìa khóa giúp thí sinh chiến thắng được 50%. Phần còn lại là do nỗ lực của mỗi thí sinh”, ThS Thanh cho hay.
Liên quan đến sức khỏe tinh thần cho sĩ tử trước kỳ thi THPT năm 2024, BS Võ Thành Đông, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (tỉnh Đồng Nai) cho rằng, hiện nhiều phụ huynh gây áp lực quá lớn cho con về vấn đề học tập, thi cử dẫn đến sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng. Từ đó, tâm lý học sinh thường rơi vào trạng thái lo lắng, bồn chồn, căng thẳng.
BS Đông cho rằng, trong thời gian này, phụ huynh nên tâm sự, chia sẻ với con nhiều hơn để tạo tâm lý thoải mái. Nên nhắc con ngủ sớm, đánh thức con dậy trước giờ đi thi, tránh gây áp lực, ép con phải ôn tập đến sát giờ.
“Nếu con có biểu hiện tâm lý bất ổn, không ăn uống, ngủ nghỉ, chỉ tập trung học và không quan tâm đến xung quanh thì phụ huynh cần phải bình tĩnh, tìm hướng giải quyết. Phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan cho rằng ôn tập quên ăn, quên ngủ là chuyện bình thường. Điều này dễ dẫn đến tình huống không có lợi cho các cháu”, BS Đông nhấn mạnh.
“Đa số sĩ tử có nguyện vọng bước tiếp vào giảng đường đại học hoặc giáo dục nghề nghiệp. Điểm cao hay thấp không phải điều quan trọng nhất vì thị trường lao động hiện nay rất rộng và nhiều cơ hội.
Điều quan trọng, cần thiết và nên làm trong khoảng thời gian trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là phụ huynh, thí sinh nên rà soát thông tin tuyển sinh để có quyết định đúng đắn, chọn ngành học, hệ đào tạo và trường phù hợp”, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM khuyên.