Lùm xùm nợ nần của chồng Thu Minh: Hẹn 2 tuần nữa

Ông Otto de Jager bất ngờ thân thiện với doanh nghiệp khi gặp trực tiếp Hội Mỹ nghệ - Chế biến gỗ TPHCM và hẹn 2 tuần sau giải quyết nợ nần.

Lùm xùm nợ nần của chồng Thu Minh: Hẹn 2 tuần nữa

Chiều 24/8, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) tổ chức cuộc họp báo và chia sẻ kinh nghiệm quản trị rủi ro trong mua bán quốc tế.

Theo đó, ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch HAWA cho biết ông Otto De Jager (chồng ca sĩ Thu Minh) đã gửi thư xin gặp đại diện HAWA và cuộc gặp đã diễn ra vào 13 giờ chiều cùng ngày.

Phó chủ tịch HAWA cho biết cuộc họp không nhằm phán quyết ai đúng ai sai mà chỉ nhằm chia sẻ kinh nghiệm sau vụ việc giữa công ty Global Home do ông Otto De Jager làm đại diện và Công ty Gia Hân cùng một số công ty sản xuất các sản phẩm gỗ.

Lum xum no nan cua chong Thu Minh: Hen 2 tuan nua - Anh 1

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch HAWA tại cuộc họp báo. Ảnh: VNN

Theo ông Hạnh ghi nhận, vào ngày 23/8, ông Otto de Jager, TGĐ Global Home S.R.O có gửi thư xin gặp đích thân ông. “Tôi cho đó là một tín hiệu tốt, và tôi vui vẻ nhận lời”, ông Hạnh cho biết.

“Trong buổi làm việc bắt đầu từ 13h, tôi đánh giá ông ấy là 1 doanh nhân làm việc bài bản, nói điều gì thì mang giấy tờ ra chứng minh mối quan hệ với công ty Gia Hân, với các đối tác đang làm việc từ Bắc chí Nam...

Tuy nhiên, tôi chỉ tiếp nhận thông tin và chưa có ý kiến. Sau đó tôi có phản ánh trường hợp của công ty Gia Hân và một số công ty khác. Ông Otto cho rằng những phát biểu của Gia Hân trên các báo mạng, là những hành động gây áp lực đối với ông, và đặc biệt là đối với ca sỹ Thu Minh. Ông ấy cho rằng đó là những hành động không đúng đắn”, ông Hạnh cho biết.

Sau khi trao đổi về những đơn thư của các hội viên, ông Otto hẹn ông Hạnh 2 tuần sau sẽ gặp để tiếp tục giải quyết.

Ông Hạnh nói: "Chúng ta nên tách bạch, oan có đầu nợ có chủ. Nếu ông Otto làm sai thì ông Otto phải chịu, đừng lôi ca sĩ Thu Minh vào"".

Theo vị Phó Chủ tịch HAWA, cho đến hiện giờ Hội này chỉ ghi nhận 2 doanh nghiệp thành viên của Hội có vướng mắc với Global Home. Vinafor Đà Nẵng có vướng mắc về khoản tiền 240.000 USD. Sau khi đàm phán, Vinafor Đà Nẵng đã hạ giá từ 50% xuống 15% để 2 bên có thể tiếp tục giải quyết. Chủ tịch HĐQT của Vinafor nói ông ấy hài lòng với vấn đề này, và phía Global Home đã thanh toán một nửa.

"Chúng tôi có nêu lên 1 trường hợp cụ thể nữa là công ty Cửu Long. Trong đơn của Cửu Long có ghi nhận số tiền là 110.000 USD, trừ khoản 20.000 USD đã tạm ứng thì còn khoảng 99.000 USD. Tôi hỏi ông Otto có công nhận không? Ông ấy công nhận và nói hiện giờ trong tay không có tài liệu làm việc với Cửu Long. Ông ấy nói tôi xin hứa là sẽ cung cấp tài liệu đầy đủ về công ty Cửu Long, cái đúng cái sai của họ như thế nào… trong vòng 2 tuần nữa ”, ông Hạnh tường thuật.

Tại buổi chia sẻ kinh nghiệm trên, thông kê đến nay có hơn 20 doanh nghiệp, trong đó 15 doanh nghiệp bị bỏ hàng với 80.000 sản phẩm được Global Home đặt nhưng không lấy hàng.

Phần lớn các doanh nghiệp bị nợ tiền hàng vì hàng giao rồi nhưng Global Home viện cớ không đạt chất lượng hay giao hàng không đúng thời hạn nên bị phạt hợp đồng.

Đại diện HAWA cũng thừa nhận các doanh nghiệp ngành gỗ từ trước đến nay ít nhiều cảm tính khi ký kết hợp đồng.

Thủ thuật "lừa bài" doanh nghiệp

Ông Nguyễn Thế Truyền, Luật sư bên phía Gia Hân cho biết những điều khoản giữa Gia Hân và Global là bất lợi cho doanh nghiệp Việt. Theo ông Truyền, tất cả các ràng buộc pháp lý, chất lượng đều phải theo các quy định của nước ngoài và của phía Global.

Lum xum no nan cua chong Thu Minh: Hen 2 tuan nua - Anh 2

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: TNO

"Ngay từ khi ký hợp đồng đã có đơn hàng ngay và giao dịch bằng email nhưng 23-27 ngày sau mới thanh toán. Ngay từ những đơn hàng đầu tiên thì một số doanh nghiệp Việt đã bị Global nợ", ông Truyền cho biết.

Theo ông Truyền, Global có một thủ thuật. 5 giờ sáng Global gửi email đề nghị làm việc nhưng vài tiếng sau họ hủy buổi làm việc vì phía đối tác VN trả lời chậm quá. Trong khi thông lệ quốc tế không quy định về thời gian trả lời email.

Cũng theo LS. Truyền, hiện tại ông Otto chỉ còn nắm có 1% cổ phần của Global. Từ năm 2014 ông Otto đã chuyển cổ phần cho một người khác. Ông Truyền cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có hợp đồng là quên hết tất cả, chẳng quan tâm đến vấn đề gì khác, đặc biệt là những vấn đề về pháp lý. Điều này không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây mất lòng tin với các đối tác nước ngoài.

Một đại diện ngành gỗ tham gia buổi chia sẻ kinh nghiệm trên cho biết từ vụ việc có thể thấy vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là thiếu những nhân sự về ngoại thương và luật sư.

Theo Đất Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ