Lựa lời mà nói

Lựa lời mà nói

(GD&TĐ) - Hầu như ai cũng thích được khen. Vợ chồng chung sống với nhau càng lâu, lời khen càng có giá trị hơn. Cũng nhờ biết khai thác đúng nhu cầu này, nên không ít người vợ đã gặt hái nhiều thành công trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình trong ấm ngoài êm, cải tạo những người chồng vốn bấy lâu nay sống thiếu trách nhiệm với gia đình thành người chồng tốt. 

Giá như vợ biết nghĩ lại: Anh Trung thường xuyên về nhà muộn, đôi khi do cơ quan của anh có việc đột xuất nhưng cũng thỉnh thoảng do anh hay la cà sau giờ tan sở vì cả nể bạn bè. Những lần như vậy, vừa thấy chồng về, vợ anh đã xỏ xiên: “Chắc cơ quan trả lương cao lắm nên anh đi làm giờ này mới về!”, rồi chị ta thán: “Đúng là rỗi việc mới về nhà giờ này, còn bao nhiêu thứ còn vất bừa ra kia kìa!”. Có khi anh về nhà sớm hơn thường lệ, tưởng vợ vui nhưng không ngờ chị lại nói móc: “Chắc bữa nay không ai rủ nhậu?”. Với anh Trung, những lời vợ nói chẳng khác gì bôi tro trát trấu lên mặt chồng làm anh muốn đi luôn cho xong.

Thay vì xoáy vào khuyết điểm của chồng để chê trách, tỏ thái độ bực tức, người vợ nên cố gắng tìm trong mớ khuyết điểm ấy một chút ưu điểm và đề cập đến nó. Có thể đó là việc chồng về nhà sớm 15, 20 phút hay ít la cà với đồng nghiệp hơn thường lệ. Nếu được vợ khen, người chồng nhận ra một chút thay đổi của mình được vợ đón nhận, sẽ cảm thấy mát dạ, đồng thời cũng áy náy nhận ra mình có lỗi với gia đình, sẽ cố gắng điều chỉnh bản thân.

Tại cơ quan, anh Huỳnh luôn được đồng nghiệp nữ ngưỡng mộ vì sự lịch lãm, diện mạo điển trai của mình, nhưng ở nhà, vợ anh lại nghĩ khác. Chị Thu Thủy, nhìn đâu cũng thấy khuyết điểm của chồng. Theo chị, anh luôn thiếu ngăn nắp, chỉ giỏi giao tiếp bên ngoài còn với vợ thì nói năng cộc cằn… Vì thế, cứ mỗi cuối tuần dọn dẹp nhà cửa, chị vẫn không dứt điệp khúc: “Chồng gì mà suốt ngày bừa bãi. Có ai khổ giống như tôi không?”. Trong khi đó, chị nào hay tại chỗ làm, chồng chị là người đàn ông có nhiều ưu điểm…trong mắt người khác. Anh luôn hào phóng giúp đỡ mấy cô đồng nghiệp, khi thấy họ ôm chồng hồ sơ nặng lên kho, sửa cái máy vi tính dùm cô phòng bên, khi nó giở chứng hay dắt dùm chiếc xe kẹt trong bãi…Và anh cảm thấy vui hơn khi nhận được nụ cười cám ơn của họ. Ngược lại, anh Huỳnh có quên tờ báo đâu đó thì các cô vui vẻ tìm giúp, lỡ thất lạc giấy tờ thì cả phòng tìm phụ. Nếu người vợ khôn ngoan nhận thấy những khuyết điểm của chồng mình không phải là… hết thuốc chữa, chỉ cần bắt trúng mạch và chọn đúng thuốc hẳn “bệnh” của chồng sẽ ngày càng thuyên giảm. Điều quan trọng là người vợ có hiểu được chồng mình để vấn đề không căng thẳng như mình vẫn nghĩ. 

Ảnh MH
Ảnh MH

Không gì vui bằng vợ khen: Biết khen cũng là một nghệ thuật, nhưng cái gì lạm dụng đều gây “phản ứng phụ” hoặc phản tác dụng, thậm chí khiến nó trở nên nhàm chán. Tốt nhất, người vợ nên chọn hoàn cảnh, ngữ cảnh thích hợp, đồng thời khéo léo lồng sự góp ý vào lời khen để người bạn đời thấy được cả ưu lẫn khuyết điểm của mình. Bên cạnh đó, lời khen phải thật lòng thì mới có tác dụng triệt để, giúp tạo điều kiện để bạn đời có thể thay đổi và phát huy ưu điểm.

Biết chồng quí bạn hơn vợ, chị Mai Linh đã tìm nhiều cách để cầm chân chồng ở nhà nhưng hoài công. Bất cứ lúc nào rảnh rỗi, chỉ cần mấy người bạn nhắn tin là chồng chị tìm cách chuồn êm khỏi nhà đến tận tối mới về. Dịp may bất ngờ đến khi vợ chồng chị được nhà chồng cho miếng đất ở quận 7 để xây nhà ra riêng. Cũng từ đó, khi bạn bè của chồng đến nhà chơi, khen nhà đẹp, chị Linh đều chỉ sang chồng: “Một tay anh Quân trang trí cả đó. Tôi không có khiếu chuyện này. Không có ảnh chắc nhà không đẹp như vậy đâu”. Được bà xã khen trước mặt bạn, chồng chị rất vui và tự hào. Rồi chị kiếm cớ nhà ở khu vắng vẻ, chị không yên tâm, nếu có chồng ở nhà sẽ ổn hơn. Chồng chị thoạt đầu còn lưỡng lự, nhưng dần dần anh có vẻ “siêng” ở nhà hơn. Với giải pháp xem chồng là điểm tựa của mình, chẳng bao lâu chồng chị không còn la cà quán xá với bạn bè nữa. Thay vào đó, anh chỉ gặp họ khi có việc cần thiết hay có đi cũng nhanh chóng viện cớ bỏ nhà không ai trông để về sớm.

Cũng khéo léo không kém gì chị Linh, chị Kim Lan không bao giờ bỏ qua cơ hội khen chồng và lôi kéo anh ở nhà thông qua con cái. Chị cũng cố tình khen chồng khi gặp người nhà bên chồng và luôn nhấn mạnh: “Bọn trẻ ở nhà làm gì cũng muốn hỏi qua ba. Vắng ba lâu một chút đứa nào cũng cằn nhằn sao ba về trễ, nhớ ba quá…”. Từ một người chồng bỏ bê việc gia đình, phó mặc cho vợ quản lý cửa hàng bán vật liệu xây dựng, anh Việt, chồng chị đã chịu ghé qua cửa hàng nhiều hơn và phụ vợ chăm coi sổ sách. Và nhờ những lời động viên chân thành của chị vợ, anh Việt đã chịu khó đưa rước con đi học mỗi ngày, chơi với con và thỉnh thoảng còn vào bếp phụ vợ. 

Giá trị đích thực của lời khen: Không chỉ phụ nữ mới thích yêu bằng tai, đàn ông cũng vậy. Những lời ngọt ngào, động viên khéo léo từ người vợ có tầm quan trọng “chiến lược” một cách bất ngờ, mà nếu biết khai thác đúng lúc, đúng thời điểm, kết quả nhận được sẽ càng vượt trội. Lời khen còn có tác động tích cực, là động lực giúp người được khen nỗ lực khắc phục khuyết điểm và hoàn thiện bản thân. Vì thích được khen nên dĩ nhiên, không ai muốn bị người khác chỉ trích hay chê trách. Các bà vợ cũng đừng nghĩ việc khen chồng tức là nịnh chồng khiến chồng nảy sinh tâm lý xem thường. Thực tế cho thấy, điều này còn là cách phát hiện và nhận diện những ưu điểm của người bạn đời để khen, và tốt nhất, bạn hãy bắt đầu từ những cố gắng dù nhỏ nhoi nhất của chồng mình. Cho dù là lời khen từ người vợ hay người chồng, nó đều là một trong những cách gìn giữ mái ấm gia đình hiệu lực nhất và dễ nhất. Sau những lời khen, các ưu điểm sẽ lớn dần lên và có sức lan tỏa lấn át những khuyết điểm.

 Hà Tiên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ