(GD&TĐ) - Vào trung tuần tháng 10, chúng tôi có dịp về vùng Đất mũi Cà Mau, tại đây có một lớp học tình thương đặc biệt do cô giáo Lê Thị Bích Thủy (56 tuổi) đảm nhiệm. Lớp học của cô có 16 học sinh đủ mọi lứa tuổi và trình độ… Điều đáng quý là các em học sinh không phải đóng học phí, trái lại còn được cô giáo tặng sách vở, bánh kẹo…
Cứu cánh cho học trò nghèo
Đến UBND xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước (Cà Mau), chúng tôi được một cán bộ xã dẫn đến thăm lớp học của cô giáo “tay ngang”, kiêm chức chủ tịch Hội Khuyến học xã Lê Thị Bích Thuỷ đang phụ trách. Khi chúng tôi đến, đúng lúc cô Thuỷ đang giảng dạy cho các em nên chúng tôi có dịp trò chuyện cùng một số phụ huynh về lớp học đặc biệt này.
Chị Nguyễn Thị Hay – xã Thạnh Phú cho biết: “Nhà tui nghèo lắm, có tiền đâu mà cho tụi nhỏ đi học nên bây giờ cháu nó 10 tuổi rồi mà mới vào lớp 1 của cô Thuỷ. Cũng may, khi cháu đến học, cô Thuỷ không lấy tiền mà còn tặng cháu sách vở, nhờ vậy mà bây giờ nó viết được tên vợ chồng tui rồi!”.
Trong giờ giải lao, cô Thuỷ trò chuyện thân mật cùng chúng tôi. Cô Thuỷ có dáng người nhỏ gọn, gương mặt phúc hậu… Từ việc làm ý nghĩa của cô nên người dân địa phương thường gọi cô với cái tên thân thiện khác là “Bà cô khuyến học”. Theo cô Thuỷ cho biết, cô bắt đầu đứng lớp hơn 3 năm nay, lớp học của cô có 16 học sinh, có độ tuổi từ 7 – 15. Căn cứ vào “trình độ” biết chữ của mỗi học sinh, cô Thuỷ chia thành 2 nhóm để tiện việc “chăm sóc” chữ nghĩa cho các em…
Cô Thủy chia sẻ: “Tôi đang tham gia công tác khuyến học ở địa phương nên có điều kiện đi nhiều nơi và thấy có nhiều mảnh đời rất cần được sẻ chia, giúp đỡ. Chẳng hạn như hoàn cảnh của các em ở lớp học này, mỗi đứa một hoàn cảnh, nghèo có, mồ côi cha mẹ có… Tội nghiệp các cháu lắm, các cháu rất ham học nhưng vì hoàn cảnh nên không có điều kiện đến trường…”.
Từ ý nghĩ, cô Thuỷ đi đến hành động. Năm 2010, cô Thuỷ xin phép địa phương mở lớp học tình thương và mượn một phòng học của Trường Tiểu học Thạnh Phú để các em có chỗ ngồi. Ban đầu, lớp cô chỉ được vài em, sau đó do “tiếng lành đồn xa” nên nhiều phụ huynh ở địa phương, các xã lân cận tìm đến cô xin gửi con theo học biết cái chữ và sĩ số lớp học cứ tăng dần như hôm nay.
Cô Thuỷ cho biết: “Nhiều em đến đây học chẳng có cuốn vở, cây viết hoặc có vở mà thiếu sách giáo khoa…. Biết cha mẹ chúng nghèo, quanh năm đi làm thuê lo cái ăn không đủ thì nói chi đến việc học hành của con cái. Thương chúng, tôi bỏ tiền túi mua sách vở cho. Cũng may, từ việc hiệu quả của lớp học nên sau một thời gian, có một số Mạnh Thường Quân đến góp tiền, giúp tôi mua sách vở cho các cháu, để ủng hộ và duy trì lớp học…”.
Khác với các em học sinh tiểu học khác, các em thường hay sợ sệt đối với giáo viên, nhất là khi gặp người lạ. Tuy nhiên với các học trò của cô giáo Thuỷ, các em không rụt rè, em nào cũng lễ phép, sẵn sàng bày tỏ ước mơ của mình một cách hồn nhiên, dù có em sinh ra chẳng biết mặt cha mẹ mình là ai!
Em Huỳnh Văn Nhủ (12 tuổi), ở ấp Tân Hòa chia sẻ: “Mẹ con đã qua đời, cha thường xuyên đi làm không có ở nhà, con đang sống với ông bà nội. Do ông bà nội con không có tiền nên con không được đi học, vừa rồi nhờ bà cô đến tận nhà vận động, tặng sách vở, quần áo… cho con nên ông bà nội cho con đi học. Con hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này trở thành một người tốt như bà giáo Thuỷ!”.
Cô Thuỷ tận tình tập cho các em viết những nét chữ vỡ lòng |
Cưu mang những mảnh đời bất hạnh
Bà cô Khuyến học Bích Thuỷ - không chỉ cưu mang học trò nghèo qua lớp học tình thương của mình mà hơn chục năm qua, người dân nghèo xã Thạnh Phú và các vùng lân cận còn biết đến cô Thuỷ như “ông Bụt” vì thường giúp gia đình họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống và bệnh tật.
Trong những trường hợp cô Thuỷ từng giúp đỡ có gia đình của bà Đặng Thị Xạ (70 tuổi) ở ấp Tân Hòa. Gia đình bà Xạ thuộc diện hộ nghèo, gia đình lại neo đơn, chỉ có một đứa con duy nhất nhưng đã qua đời vì bệnh tật. Sau khi con trai bà qua đời, con dâu bà cũng bỏ đi không nói một lời, để lại 3 đứa cháu nội cho bà nuôi dưỡng, gia đình rơi vào cảnh túng thiếu.
“Tui nói thật, nếu không có sự giúp đỡ của cô Thuỷ, các cháu tui có thể không sống nổi đến ngày hôm nay vì đói khát. Cũng nhờ cô, tôi nuôi chúng nó lớn đến ngày hôm nay và cô còn giúp cho chúng nó học biết cái chữ, biết khôn ngoan với người ta. Tất cả đều nhờ cô Thuỷ tiếp giúp”, bà Xạ ngậm ngùi kể lại.
Nhờ sự giúp đỡ cô Thủy nên các cháu của bà Xạ được đến trường. Hiện tại, đứa cháu lớn của bà Xạ đang học lớp 7, đứa kế học lớp 5 và đứa cháu cuối cùng đang học lớp 2. Sau khi cô Thuỷ lo cho các cháu bà Xạ xong chuyện học hành, cô Thuỷ thấy căn nhà của bà Xạ xiêu vẹo, dột nát, cô Thuỷ tiếp tục vận động các Mạnh Thường Quân hỗ trợ tiền sửa lại nhà cho bà Xạ và vận động khoan giếng… để bà cháu có nguồn nước sạch dùng trong sinh hoạt.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú cho biết: “Ở địa phương cô Thuỷ không chỉ tích cực vận động các cháu đi học, cô Thủy còn là chiếc cầu nối - đưa các Mạnh Thường Quân đến với các hoàn cảnh gia đình nghèo, bệnh tật, gia đình người già neo đơn ở địa phương… Nhiều hộ, nhờ sự giúp đỡ này đã vươn lên làm ăn, thoát nghèo, cho con cái ăn học đàng hoàng”.
Ngoài ra, ông Hưng cho biết thêm, trong những năm qua với cách làm từ thiện âm thầm của cô Thuỷ đã có hàng trăm gia đình nghèo được nhận hỗ trợ tiền, gạo, giếng khoan, nhà ở… đặc biệt là có hàng trăm đứa trẻ thất học được cô “nối bước” đưa các cháu trở lại trường học.
Chia sẻ về công việc của mình, cô Thuỷ cho biết: “Là người làm công tác khuyến học, tôi muốn làm một điều gì đó để nâng bước tương lai cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, tôi rất tiếc vì tài lực, sức lực có hạn nên những việc làm của mình bao năm qua chỉ là con số nhỏ, trong khi quanh mình vẫn còn nhiều trẻ em cần được giúp đỡ, nhất là việc học hành. Tôi mong sao xã hội này ai cũng biết chia cơm sẻ áo, người giàu biết thương và chia cho người nghèo để ai cũng có cơm ăn, áo mặc và học hành… như Bác Hồ đã nói”.
Tuổi đã về chiều nhưng hằng ngày dù mưa hay nắng, trên chiếc xe đạp của mình, cô Thuỷ vẫn đi đến từng ngõ ngách ở địa phương và các xã lân cận để tìm hiểu đời sống của bà con, nhất là những trường hợp học sinh bỏ học để động viên và tìm cách giúp đỡ…
Hà Anh