Lời kêu cứu của con tàu huyền thoại Mỹ

Con tàu khổng lồ từng là biểu tượng cho niềm tự hào và tham vọng của người Mỹ đang đối mặt với nguy cơ trở thành phế liệu.

Lời kêu cứu của con tàu huyền thoại Mỹ
loi-keu-cuu-cua-con-tau-huyen-thoai-my

Tàu SS United States neo đậu tại Philadelphia. Ảnh: NYTimes

Theo NYTimes, một nhóm chuyên gia bảo tồn đang tìm cách cứu SS United States, con tàu chở khách vượt đại dương có kích thước khổng lồ giống như tàu Titanic. Các thành viên trong dự án đang làm việc với những nhà đầu tư để hồi sinh con tàu lừng lẫy một thời, giúp nó không bị xẻ thịt bán sắt vụn.

Con tàu huyền thoại

Tàu SS United States được đưa vào sử dụng từ năm 1952 với hai mục đích: cung cấp dịch vụ du lịch hạng sang đến châu Âu, và có thể chuyển đổi nhanh chóng thành tàu vận tải quân sự khi cần thiết. Con tàu được đóng một phần bằng tiền từ chính phủ, thể hiện niềm tự hào và tham vọng của người Mỹ sau Thế chiến II.

Trong các thập niên 1950 và 1960, con tàu được coi là một biểu tượng của công nghệ và sự sang trọng. Chuyến đi biển đầu tiên năm 1952 của nó đã phá kỉ lục tốc độ vượt Đại Tây Dương. Động cơ chân vịt của tàu từng là bí mật quốc gia Mỹ thời Chiến tranh Lạnh, và tốc độ tối đa của nó cũng không được tiết lộ.

Trong thời kỳ này, SS United States trở thành hình tượng xuất hiện trong nhiều bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Mỹ. Năm 1963, con tàu chở bức tranh nàng Mona Lisa trở về Pháp sau các cuộc triển lãm ở Mỹ.

Đến cuối những năm 1960, khi việc đi lại từ Mỹ đến châu Âu bằng máy bay trở nên phổ biến hơn, tàu SS Unites States buộc phải dừng hoạt động. Tàu hiện thả neo tại cảng Philadelphia, toàn bộ nội thất đã bị lấy đi, để lại con tàu rỉ sét nằm trên sông Delaware.

loi-keu-cuu-cua-con-tau-huyen-thoai-my-1

Con tàu bắt đầu chuyến đi đầu tiên đến châu Âu năm 1952. Ảnh: NYTimes

Hồi sinh

Con tàu dài bằng ba sân bóng đá và từng mang theo ba dàn nhạc khi rẽ sóng Đại Tây Dương đã phải nằm im trên sông hàng chục năm. Các chuyên gia bảo tồn rất vất vả trong nhiều năm để xoay xở khoản chi phí bảo dưỡng và neo đậu tàu lên tới 60.000 USD mỗi tháng.

Cuối năm ngoái, một nhà đầu tư bất động sản đã thuê công ty Gibbs & Cox, đơn vị đã thiết kế tàu SS Unites States, để lập kế hoạch tái sử dụng con tàu vào mục đích khác.

Keith Harper, phó chủ tịch phụ trách thiết kế tại Gibbs & Cox, cho biết các kỹ sư và kiến trúc sư đã xem xét nhiều ý tưởng, như biến con tàu thành khách sạn, nhà hàng, spa. Thậm chí họ đã nghĩ đến việc đặt các máy chủ ở boong dưới, nơi gần mực nước và có nhiệt độ mát mẻ, rồi mời các công ty công nghệ đến để đấu giá sử dụng. "Sàn tàu rộng khoảng 56.000 m2, rất rộng rãi và có thể thực hiện nhiều điều", ông Harper nói.

Công ty này cũng đang quét laser để xây dựng mô hình 3-D nội thất của con tàu, nhằm tăng tốc độ thiết kế, bởi những bản thiết kế đầu tiên của con tàu được vẽ trên giấy.

Kế hoạch hồi sinh tàu SS Unites States nhận được sự ủng hộ của nhiều người, trong đó có John Quadrozzi, chủ sở hữu một bến tàu ở Brooklyn. Ông tuyên bố sẽ cho SS United States đến neo đậu ở bến tàu với chi phí thấp hơn rất nhiều, và cho rằng con tàu có thể là địa điểm làm việc lý tưởng cho các lập trình viên, nhà thiết kế, công ty khởi nghiệp và các công ty công nghệ.

Tuy nhiên, giấc mơ lớn của họ đang phải đối mặt với vấn đề tài chính. Nhóm bảo tồn gần đây đã ủy quyền cho một nhà môi giới để xem xét khả năng bán tàu cho một nhà tái chế. Nói cách khác, họ có thể phải xẻ thịt tàu để bán sắt vụn.

"Có rất ít dự án hồi sinh tàu như thế này từng được thực hiện", Susan Gibbs, giám đốc điều hành chương trình bảo tồn nói. "Điều này khiến nỗ lực của chúng tôi trở nên phức tạp hơn".

Bà Gibbs là cháu nội của William Francis Gibbs, một kỹ sư hàng hải nổi tiếng của thế kỷ 20, người đã thiết kế tàu SS United States và coi nó như một kiệt tác để đời của mình.

Các chuyên gia bảo tồn từng cân nhắc khả năng đánh chìm con tàu để biến nó thành một rạn san hô nhân tạo, nhưng bà Gibbs quyết không đồng ý. "Tôi đã dành hơn một thập kỷ để cứu con tàu, chứ không phải đứng nhìn nó bị phá hủy", bà nói.

Nhóm của bà vẫn tiếp tục tìm kiếm các nhà tài trợ, các nhà đầu tư hoặc người mua để có thể bảo tồn và phát triển con tàu. Nhưng nếu không có tiến triển khả quan trước ngày 31/10, nhóm này "không còn bất cứ lựa chọn nào khác ngoài việc bán tàu cho đồng nát".

Nguy cơ phải xẻ tàu bán sắt vụn thực sự "gây đau đớn", bà Gibbs nói, nhất là khi kế hoạch hồi sinh tàu mới được đưa ra vào năm ngoái. "Chúng tôi chưa bao giờ đến gần với việc cứu SS United States như bây giờ, và chúng tôi cũng chưa bao giờ có nguy cơ mất nó nhiều như hiện nay", bà nói.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ