Lốc bụi trên vệ tinh sao Thổ

Lốc bụi trên vệ tinh sao Thổ

Titan, vệ tinh lớn nhất của sao Thổ, là vệ tinh duy nhất trong Hệ Mặt trời có sông, hồ chứa methane lỏng và có những cơn lốc bụi. Tàu thăm dò vũ trụ Cassini (kết quả hợp tác của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Vũ trụ Italy (ASI) còn phát hiện cả những cơn bão bụi trên Titan, tuy nhiên những sự kiện này không đủ để giải thích sự hình thành hệ tầng địa chất, cụ thể là những cồn bụi, bao phủ khoảng 17% diện tích bề mặt vệ tinh này. 

Sự hiện diện của bụi, bao gồm vật chất hữu cơ, trên Titan đã được khẳng định trong những nghiên cứu trước đó. Tuy nhiên, cách phân phối lượng bụi này vẫn còn là bí mật.

Các nhà khoa học đã sử dụng các mô hình khí tượng học và nghiên cứu dữ liệu do tàu Cassini thu thập để từ đó rút ra kết luận rằng, chuyển động của vật chất hữu cơ trên Titan là khả thi nhờ những cơn lốc bụi. 

“Gió trên bề mặt Titan thường rất yếu. Các cơn lốc bụi có thể là một trong những cơ chế chủ yếu để phân phối bụi trên bề mặt vệ tinh này” – Nhà khoa học Brian Jackson ở ĐH Boise State (Mỹ), cho biết.

Những cơn lốc bụi hình thành trong điều kiện thời tiết khô ráo. Nếu ánh sáng Mặt trời sưởi ấm bề mặt Titan, thì một phần không khí bề mặt bắt đầu dâng lên, tạo thành những xoáy lốc nhỏ.

“Khi tính lượng bụi mà lốc bụi có thể mang theo, phụ thuộc vào vận tốc gió, chúng tôi thấy rằng, dường như lốc bụi có khả năng mang theo nhiều bụi hơn so với tính toán. Có thể có một cơ chế gì đó giúp phân phối lượng bụi này hoặc có thể các phương trình tính toán của chúng tôi là sai” – ông Brian Jackson nói.

Các cơn lốc bụi xuất hiện cả trên Trái đất lẫn trên sao Hỏa. Chúng cũng có thể hình thành trên Titan, tuy nhiên điều này cần được kiểm chứng. Chúng ta sẽ phải chờ đợi kết quả một thời gian nữa. Sứ mệnh vũ trụ tiếp theo khám phá Titan dự kiến diễn ra vào năm 2034.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ