Không đến trường nhưng không dừng học
Kết thúc một tuần học trực tuyến, em Lâm Quốc Gia Bảo - HS lớp 10/3, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Quận Sơn Trà, Tp Đà Nẵng) đến trường học trực tiếp theo thời khóa biểu tuần thứ 2 của năm học 2020 – 2021.
Gia Bảo cho biết: “Trước khai giảng năm học mới, cô giáo chủ nhiệm đã thành lập một group zalo của lớp để các bạn làm quen lẫn nhau và cùng làm quen với các thầy cô giáo bộ môn.
Tuần học đầu tiên, chúng em nhận các bài giảng bằng video để chủ động sắp xếp thời gian học tập và có thể xem lại nhiều lần để nắm vững kiến thức và phương pháp học bộ môn.
Thầy cô giáo sẽ điểm danh bằng hình thức HS hoàn thành các bài tập sau tiết học và nộp bài tập qua zalo, gmail sau mỗi bài học. Đến khi đi học lại, chúng em được thầy cô nhắc lại những kiến thức cơ bản của các bài đã học trước khi vào bài mới”.
Sau một tuần học trực tuyến, HS trường THCS Nguyễn Huệ (Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bắt đầu chương trình học của tuần thứ 2 năm học 2020 – 2021.
Thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng nhà trường thông tin: “Qua tuần thứ 2, khi đến trường học trực tiếp, HS sẽ học tiếp nối các bài học đã học trực tuyến. Tuần thứ 2 đi học, HS không phải học lại bài của tuần đầu tiên mà là học bài kế tiếp của tuần đầu tiên”.
Để đảm bảo đúng tiến độ thời gian năm học, trong tuần học đầu tiên, đối với khối lớp 6, trường THCS Nguyễn Huệ xây dựng các clip dạy – học rồi cung cấp đường dẫn cho phụ huynh tải về để HS học.
Các môn Toán, Ngữ Văn, Anh văn có 2 tiết, những môn còn lại có 1 tiết. Bài giảng của tất cả các môn học đều được đăng tải từ đầu tuần. Phụ huynh chủ động thu xếp để có thể hỗ trợ con học vào thời gian hợp lý, miễn là hoàn thành bài học theo chuẩn kiến thức – kỹ năng mà nhà trường đưa ra.
Đối với các khối lớp còn lại, nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến thông qua ứng dụng zoom giảng dạy theo biên chế lớp học với thời khóa biểu của từng ngày cụ thể.
“Chính vì vậy nên khi HS đến trường học trực tiếp, các em bắt đầu chương trình học của tuần thứ 2 như HS cả nước chứ không bị mất bài nào” – thầy Phước khẳng định.
Linh hoạt trong tổ chức dạy học
Trong đợt dịch Covid – 19 đầu tiên, Trường THCS Tây Sơn (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức dạy học trực tuyến qua phần mềm zoom giảng dạy.
Thầy Nguyễn Đức Tú Anh – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Để đảm bảo chất lượng đường truyền cũng như đảm bảo an toàn trên không gian mạng, nhà trường đăng ký dùng Zoom trực tuyến với gói 2 triệu/tháng nên mỗi zoom được khoảng 500 HS tham gia, vừa đủ cho một khối lớp. Chính vì vậy, một GV/môn sẽ chịu trách nhiệm giảng dạy cho cả khối lớp”.
Tuy nhiên, sang đến dịch Covid–19 đợt 2, trường Tây Sơn không triển khai dạy học trực tuyến qua phần mềm zoom nữa. Nhà trường tổ chức ghi hình các bài giảng rồi đưa lên trang youtobe và dẫn đường link về facebook và website của trường.
Cách triển khai này đảm bảo tất cả HS đều theo kịp bài giảng do chủ động sắp xếp được thời gian học tập. Những HS có vấn đề phát sinh về mạng, thiết bị hư hoặc không thu xếp được lịch học theo thời khóa biểu vẫn có thể xem lại được các video bài giảng trong những khoảng thời gian khác.
Nhiều trường ở Đà Nẵng đã triển khai dạy học online theo hình thức này trong khoảng thời gian sau khai giảng năm học mới khi dịch bệnh Covid–19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến HS chưa thể đến trường được.
Cũng triển khai dạy học online bằng video bài giảng nhưng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang) nằm ở địa bàn còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội nên chỉ có khoảng 70-75% HS tiếp cận được bài học.
Sau khi HS đến trường học trực tiếp, nhà trường đã tổ chức khảo sát lại các kiến thức của tuần thứ nhất dạy học online.
Thầy Phạm Minh Vũ - Hiệu trường Trường THCS Nguyễn Tri Phương cho biết: “Hầu hết số HS không có điều kiện học online tập trung chủ yếu ở khối lớp 6. Song song với việc triển khai dạy – học chương trình của tuần thứ hai theo thời khóa biểu chung, những HS chưa tiếp cận được bài học trong thời gian học online sẽ được GV phụ đạo để nắm bắt các kiến thức theo chuẩn kiến thức – kỹ năng.
Theo như kế hoạch, việc phụ đạo cho các khối lớp phải hoàn tất trong tháng 9. Tuy nhiên, gần như trong tuần thứ 2 khi HS đến trường trở lại, các tổ bộ môn đã tổ chức bổ túc kiến thức cho số HS trên để đảm bảo kiến thức của các em được liền mạch”.
Trước đó, ngày đầu tiên của tuần 1, khi tổ chức dạy học qua internet, Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Tri Phương đã mời các trưởng thôn cùng họp để bàn phương án hỗ trợ cho số HS có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là hai thôn Tà Lang và Giàn Bí, nơi có đông HS dân tộc Cơ tu sinh sống.
Theo đó, đối với những HS mà gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, phụ huynh không có điện thoại thông minh để có thể tải bài giảng về học, nhà trường sẽ in bài giảng gửi tại nhà các trưởng thôn. Phụ huynh có thể đến nhận về để hỗ trợ cho con học.
Nhà trường cũng khuyến khích HS hình thành các nhóm học tập để có thể hỗ trợ những HS không tiếp cận được bài giảng online do thiếu thiết bị.