Lật tẩy chính phủ Mỹ không đưa ra các quy định an toàn chống Ebola

Đêm qua 14-10, hàng trăm sinh viên và giáo viên ĐH Công giáo Texas, nơi nữ y tá gốc Việt Nina Phạm từng học, đã tổ chức buổi lễ thắp nến cầu nguyện cho cô.

Lật tẩy chính phủ Mỹ không đưa ra các quy định an toàn chống Ebola
Các nhân viên y tế đưa chú chó Bentley của Nina Phạm đi cách ly và theo dõi - Ảnh: ReutersCác nhân viên y tế đưa chú chó Bentley của Nina Phạm đi cách ly và theo dõi - Ảnh: Reuters

Trên các trang mạng xã hội, hàng nghìn nhân viên y tế khắp nước Mỹ cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Nina Phạm.

Theo Reuters, hôm nay bệnh viện Texas Health Presbyterian ở thành phố Dallas, bang Texas, cho biết sức khỏe của nữ y tá gốc Việt Nina Phạm đang ổn định. Từ bệnh viện, Nina Phạm cũng khẳng định cô đang phục hồi tốt. “Tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người” - Nina Phạm cho biết.

“Tôi may mắn được sự ủng hộ của gia đình, bạn bè và được chăm sóc bởi đội ngũ bác sĩ và y tá tốt nhất trên thế giới ở bệnh viện Texas Health Presbyterian” - Nina Phạm khẳng định.

Mới đây bác sĩ Thomas Frieden, giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết nhà chức trách vẫn đang điều tra nguyên nhân Nina Phạm nhiễm vi rút.

Hôm qua, tổ chức Y tá đoàn kết quốc gia (NNU) tuyên bố ban lãnh đạo bệnh viện Texas Health Presbyterian và CDC không hề đưa ra các quy định tiếp nhận và xử lý bệnh nhân nhiễm vi rút Ebola. NNU tiết lộ khi bệnh nhân Liberia Thomas Eric Duncan nhập viện, ông đã phải ngồi cùng nhiều bệnh nhân khác trong một căn phòng trong vài giờ.

Các y tá cấp cứu cho ông Duncan chỉ đeo găng tay y tế bình thường và không có các thiết bị bảo hộ nào khác. “Khi một y tá yêu cầu cách ly ông ấy, ban lãnh đạo bệnh viện đã phản đối” - NNU khẳng định.

Tổ chức này cho biết thậm chí các mẫu xét nghiệm của ông Duncan “đi qua hệ thống đường truyền của bệnh viện mà không được đóng gói chặt chẽ. Có khả năng toàn bộ hệ thống đường truyền đã bị nhiễm độc”.

“Chúng tôi hoàn toàn không có sự chuẩn bị trước việc chữa trị cho bệnh nhân Ebola. Hoàn toàn không có quy định, không có hệ thống nào. Các y tá được yêu cầu gọi cho chuyên khoa chống bệnh truyền nhiễm nếu có bất kỳ câu hỏi nào” - NNU cho biết.

Các y tá ở bệnh viện Texas Health Presbyterian còn bức xúc với việc họ phải tự xoay sở khi xử lý chất dịch cơ thể của bệnh nhân Duncan mà không có đủ đồ bảo hộ an toàn. Mãi ba ngày sau khi ông Duncan nhập viện các thiết bị bảo hộ đạt tiêu chuẩn mới được đưa đến bệnh viện.

Đại diện NNU cho biết các y tá bệnh viện Texas Health Presbyterian đã vô cùng bức xúc khi nghe giám đốc CDC Frieden chỉ trích Nina Phạm là “có thể đã mắc sai sót nghiệp vụ dẫn tới việc nhiễm vi rút Ebola”. Ông Frieden đã phải xin lỗi vì tuyên bố này.

Ông Frieden cho biết chính phủ Mỹ sẽ thành lập một đội phản ứng nhanh để hỗ trợ các bệnh viện đối phó với dịch Ebola một cách khẩn cấp. Ông thừa nhận việc chữa trị bệnh nhân Duncan ở bệnh viện Texas Health Presbyterian đã có một số sai sót.

Nhà Trắng cho biết trong hôm nay Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ họp qua video với lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Đức và Ý để thảo luận nỗ lực chống Ebola. Trước đó, nói chuyện với bộ trưởng quốc phòng 20 quốc gia, ông Obama cho rằng thế giới chưa nỗ lực đầy đủ để chống đại dịch này.

Trong khi Mỹ đang bối rối vì Ebola, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo số người thiệt mạng vì đại dịch này đã tăng vọt lên 4.447 người, chủ yếu ở Tây Phi, Đại diện WHO cảnh báo số người nhiễm bệnh có thể tăng thêm 10.000 ca/tuần trong vòng hai tháng tới nếu cộng đồng quốc tế không nỗ lực chống dịch.

Hiện tại đã có tổng cộng 8.914 ca nhiễm Ebola. WHO ước tính con số này sẽ tăng lên hơn 9.000 vào cuối tuần này.

Theo Tuổi trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ