Một năm 2009 đầy thách thức
Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí cho rằng, năm 2009 có nhiều biến động và thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng dưới sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; được cụ thể hoá bằng những chính sách mạnh mẽ, kịp thời và phù hợp của Chính phủ; sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp nên đã đưa nền kinh tế nước ta sớm vượt qua được thời điểm khó khăn nhất, sớm ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng khá, đẩy lùi và kiểm soát được lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Đánh giá bổ sung cho thấy, có 17/25 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có một số chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn như: tăng trưởng kinh tế (GDP), kim ngạch xuất khẩu, thu cân đối ngân sách nhà nước… Những kết quả trên là rất đáng ghi nhận, phấn khởi, vì trong bối cảnh chung, nhiều quốc gia có tăng trưởng âm, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Chỉnh phủ cần cân đối các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế với chỉ tiêu xã hội và môi trường nhằm tạo nên sự cân bằng hài hoà trong các chỉ tiêu và hướng đến sự phát triển bền vững. |
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, các báo cáo mới chỉ đề cập nhiều đến lĩnh vực kinh tế, còn những vấn đề về văn hóa, giáo dục, xã hội, quốc phòng, an ninh nêu chưa cụ thể; chưa làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, triển khai thực hiện. Vì vậy, trong quá trình chuẩn bị báo cáo cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan có liên quan hoặc tách các vấn đề về xã hội, quốc phòng, an ninh thành các báo cáo riêng; Đại biểu Quốc hội Võ Tuần Nhân (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, trong số 25 chỉ tiêu thì có 8 chỉ tiêu là không đạt kế hoạch và có 7/8 chỉ tiêu đó thì tập trung chủ yếu vào nhóm xã hội và môi trường. Trong đó đào tạo nguồn nhân lực thì có 2 chỉ tiêu như tốc độ tăng tuyển mới đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp thì chỉ có 9,3/11,4%, tốc độ tuyển mới trung học chuyên nghiệp chỉ đạt 11,2/15,6%, chỉ tiêu tạo việc làm chỉ đạt 1,51 triệu người/1,7 triệu lao động, còn 4 chỉ tiêu về môi trường cũng chưa đạt như tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch, tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động có hệ thống tập trung nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường, tỷ lệ về che phủ rừng... chưa đạt yêu cầu. Qua đối chiếu các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế với chỉ tiêu xã hội và môi trường, tôi cho rằng việc tăng trưởng kinh tế ở nước ta chưa tạo nên những chuyển biến tích cực về các yếu tố xã hội và môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em còn cao, số giường bệnh/1vạn dân, tỷ lệ chất thải rắn được xử lý, tỷ lệ che phủ rừng còn thấp.
“Đề nghị trước hết về mặt tổng thể Chính phủ cần quan tâm cân đối các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế với chỉ tiêu xã hội và môi trường nhằm tạo nên sự cân bằng hài hoà trong các chỉ tiêu và hướng đến sự phát triển bền vững. Do đó các nguồn lực cần thiết để đầu tư cho tăng trưởng cần phải được cân đối phù hợp với các nguồn lực đầu tư cho xã hội và đầu tư cho bảo vệ môi trường, hiện nay tăng trưởng kinh tế của nước ta cũng chủ yếu phụ thuộc vào vốn và tài nguyên” – đại biểu Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Lãng phí, thất thoát vẫn còn ở mức cao
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, chủ trương cho giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội đã 2 năm nhưng vẫn chưa được thực hiện... Cùng đó, đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; cán bộ ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn chưa được đào tạo còn nhiều; đào tạo nghề cho những vùng phải di dân tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng chưa được quan tâm giải quyết thỏa đáng. Vấn đề di dân quy mô lớn để thực hiện các dự án cũng tạo ra nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị nếu như chính sách chưa thực sự thoả đáng, đáp ứng được yêu cầu chính đáng của người dân.
Trong buổi thảo luận, nhiều đại biểu nói về sự lãng phí, lãng phí ở việc quản lý, khai thác khoáng sản, lãng phí trong đầu tư vốn công, lãng phí vì sử dụng tiền không hợp lý...
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) nhận định, hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản đang bộc lộ nhiều bất cập từ khâu cấp phép đến quản lý, khai thác, sử dụng. Trước hết là dễ dãi, tràn lan trong việc cấp phép. Từ 427 doanh nghiệp năm 2000 đã lên tới 1.500 doanh nghiệp hiện nay, tăng gấp 3,5 lần. Đó là chưa kể hàng nghìn băng nhóm khai thác tự do, không giấy phép mà các cơ quan quản lý dường như bất lực, bó tay. Hậu quả là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm như vàng, đá quý, titan, đồng, thiếc, than, sa khoáng... thất thoát, lãng phí, cạn kiệt, môi trường bị tàn phá, kéo theo những hệ lụy về mặt xã hội như tội phạm và tệ nạn xã hội hoành hành, băng hoại về đạo đức, mất an ninh, an toàn xã hội.
Đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, “top” gây lãng phí thất lớn có lẽ là lĩnh vực đất đai, theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường chúng tôi có được trong tay, có 3.311 tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích, để hoang hóa, lãng phí với diện tích 25.587,82 ha. Sau 1 năm với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của các địa phương cũng chỉ thu hồi được 4.731 ha, bằng 1/5 diện tích đất lãng phí thất thoát vi phạm pháp luật. “Đến cuối năm 2009, trên cả nước có 1.763 trường hợp quy hoạch treo và dự án treo với tổng diện tích là 110.447 ha. Sau 1 năm xử lý vẫn còn trên 20.000 ha đất dự án treo với 1.000 khu "đất vàng, đất ngọc" hiện còn đang treo lơ lửng như thách thức các cơ quan quản lý, kéo theo hàng trăm nghìn tỷ đồng giá trị đất đang bị chôn vùi trong đất” – đại biểu Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, lãng phí còn thể hiện trong quản lý và điều tiết điện năng. Trong khi chúng ta đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng cho một nhà máy nhiệt điện hoặc một nhà máy thủy điện, mỗi nhà máy cũng chỉ góp phần vào lưới điện quốc gia từ 2 đến 3% tổng điện năng của cả nước. Sau thất thoát lãng phí điện năng từ đường dây, trạm điện đến các hộ tiêu thụ, con số công bố mới nhất khoảng từ 11 - 15% tổng lượng điện cả nước. “Thiếu điện thì cắt điện, đó là cách giải thích rất hồn nhiên của ngành điện mà chưa hình dung được tác hại nặng nề của việc cắt điện đối với tăng trưởng kinh tế phát triển xã hội và đời sống nhân dân” – đại biểu Tiến chua sót.
Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, có một dạng lãng phí vừa hữu hình vừa vô hình, đó là hàng năm cả nước ta có 7.966 lễ hội từ quy mô làng xã đến quy mô quốc gia. Trung bình mỗi ngày diễn ra hơn 20 lễ hội. Cả nước có hàng nghìn hội nghị, hội thảo, tọa đàm giao lưu gặp mặt, lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành, lễ kỷ niệm truyền thống, lễ đón nhận các loại danh hiệu...
Quang Anh
“Nguồn dẫn từ báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 24/05/2010, ngư dân các tỉnh miền Trung đánh bắt hải sản về do mất điện không có hệ thống làm lạnh, không có đá ướp lạnh, hàng trăm tấn hải sản ươn ôi, bốc mùi, bán không ai mua, cho không ai lấy, thua lỗ hàng trăm triệu đồng cho một đợt đi biển xa. Nhiều hộ dân từng làm giàu bởi ấp trứng gà, trứng vịt nay phải thuê xe chở, đi chôn hàng vạn quả trứng ấp giở hư hỏng do mất điện không nở được. Các nhà máy chế biến nông sản đều rơi vào tình cảnh khốn đốn, khóc dở, mếu dở khi mua hàng nghìn tấn hoa quả của nông dân, sau không chế biến được. Vì cắt điện, vùng chè xanh Tây Bắc nháo nhác, nhiều nhà máy chè thu mua về không sao, không sấy, không tẩm ướp được. Riêng công ty chè Trần Phú ở huyện Văn Chấn phải bỏ đi gần trăm tấn chè, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Báo Nông nghiệp Việt Nam dẫn lời nhiều người dân rầu rĩ than phiền "mất điện còn thiệt hại hơn cả dịch tai xanh và dịch cúm gia cầm" (Báo Nông nghiệp Việt Nam). Các đợt dịch, bà con được hỗ trợ tiêu hủy, còn thiệt hại do ngành Điện gây ra không thấy ngành Điện nghĩ đến việc đề bù cho dân. Đó là chưa kể đến những thiệt hại to lớn trong các ngành Công nghiệp, Thủ công nghiệp, Dịch vụ du lịch, Thương mại, Ngân hàng, Giao thông vận tải, Bưu chính viễn thông, các công trình nghiên cứu khoa học dang dở” – đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến. |