Con trai mình là đứa trẻ biết nhường nhịn, nhạy cảm và nhanh nhẹn. Dù con vẫn còn là đứa bé trong tuổi thứ tư nhưng con rất khéo nói và biết “nhìn mặt đặt tên”. Nói đúng hơn là con biết nhìn thái độ để ứng xử cho vừa lòng người lớn. Và còn hơn thế nữa là, con biết “gió chiều nào che chiều đó”, biết mua chuộc lòng người.
Con ơi! Nhìn con mà lòng mẹ đau nhói đến lo sợ. Tại sao con giống bố con như tạc về vẻ bề ngoài? Tại sao một vài cách ứng xử của con như khéo ăn, khéo nói lại giống y như bố vậy hả con? Nhiều khi nhìn con, tim mẹ cộm lên một nỗi đau khó tả.
Có lúc mẹ căm ghét đến nỗi nói không ra lời vì những điểm giống “khó ưa” đó của con. Mẹ điên tiết, muốn mình biến khỏi thế gian này để không nhìn thấy “bản sao” hoàn hảo là con. Khi mẹ vấp phải những khó khăn trong cuộc sống, mẹ muốn đánh con hay cùng con rời khỏi cuộc sống này.
Nhưng rồi, mẹ không thể làm như vậy. Mẹ không thể quên hẳn sự liên hệ giữa con và người ấy. Mẹ biết, nỗi khổ đau của mẹ là do mẹ chuốc lấy. Con là kết quả của sự chọn lựa sai lầm từ mẹ. Cho dù khởi đầu của sự chọn lựa ấy mẹ đã sai lầm nhưng con vẫn là một phần thưởng vô giá mà tạo hóa đã ban cho mẹ.
Con luôn quan tâm đến mẹ. Chỉ cần mẹ hắt xì hơi là con đã lo lắng, hỏi han ríu rít. Khi mẹ sổ mũi là con nhắc nhở “Mẹ uống thuốc đi, con rót nước cho mẹ nhé”. Khi mẹ kêu nhức đầu là bàn tay nhỏ bé của con thoăn thoát đặt lên trán mẹ xoa xoa, day day hai bên thái dương của mẹ…
Dù vậy, khi bố về thăm, con trai của mẹ lại chuyển hướng quan tâm sang bố. Không phải mẹ ganh tị, hay muốn độc quyền chiếm lấy tình cảm của con. Với mẹ, “Con có cha như nhà có nóc” nên mẹ chẳng bao giờ chia cắt tình cha con của con. Trong mắt con, trước mặt con, mẹ chẳng bao giờ nói xấu bố con.
Mẹ hiểu bố mẹ là niềm tự hào của con. Có thể nói xa xôi hơn rằng, bố mẹ là tấm gương soi của con. Sau này khi con lớn, những ảnh hưởng từ bố mẹ sẽ theo con suốt cả cuộc đời. Vì vậy, mẹ không bao giờ làm sụp đổ thần tượng-người bố trong lòng con.
Trước đây và cũng như hôm nay, con vui ra mặt khi con thấy bố. Bình thường, để xong một bữa cơm, con ăn hơn một tiếng. Con chỉ ăn được một chén thôi. Thế mà khi có bố, con ăn hết cả một tô cơm thật ngon lành chỉ trong 10 phút thôi. Sau đó, con còn tự đi đánh răng, súc miệng. Con biểu diễn một trò ảo thuật mà con mới học được từ những anh lớn tuổi trong xóm. Miệng con cứ nói “Xem con làm nè, hô biến!”…Sau màn biểu diễn võ thuật đó, con còn hát và bày trò chơi cho cả bố và mẹ.
Những hành động đẹp và ngoan của con làm khi có bố còn nhiều hơn thế nữa. Mẹ ngạc nhiên lắm! Mẹ luôn tự hỏi mình rằng: Mình có nên tiếp tục chịu đựng để niềm vui của con được trọn vẹn không? Quên mình đi để con lớn có đủ cha mẹ như bao bạn bè cùng trang lứa? Có lúc vì con, mẹ học cách bao dung, tha thứ.
Mẹ chấp nhận thiệt thòi, cam chịu để nuôi ăn, bao ở, “bao ngủ” một người đàn ông không phải là của gia đình. Để đến khi thỏa mãn, người ấy lại ra đi. Để lại cho mẹ bệnh tật với những lo toan về cơm áo, phí phòng trọ? Phí học mầm non của con? Rồi cuộc đời con sẽ như thế nào, nếu con có một tấm gương soi như thế hả con?
Con có biết, con chỉ có một bố nhưng bố lại có rất nhiều con. Con là con của mẹ. Con có danh phận, được pháp lí công nhận hẳn hoi nhưng con chỉ là một trong những đứa con trên đoạn đường đời đàn ông trai tráng của người ấy thôi.
Vậy mà, lần này cũng như bao lần trước đó.
Mẹ buồn lắm.
Mẹ hỏi con:
- Vì sao con xa cách mẹ khi có bố?
- Tại sao lúc đi siêu thị con hất tay mẹ ra và chạy theo nắm tay bố?
- Vì sao, khi có bố con ăn đến 1 tô cơm vậy?
Con đã trả lời. Suy nghĩ của con làm mẹ đau đớn, muốn gục ngã:
- Con muốn làm vui lòng bố để bố quay về.
Lúc đó, mẹ rơm rớm nước mắt. Con lại nói:
- Con muốn làm cho bố mẹ vui, cùng nhìn nhau cười...
Mẹ nhìn thấy rõ sự đau khổ đang hiện lên trên đôi mắt 4 tuổi của con. Mẹ tự nhủ “Phải mạnh mẽ lên”. Con ơi, mẹ không hề muốn mạnh mẽ để một mình chống chọi với cuộc đời, mà mạnh mẽ để rũ bỏ những gì không thuộc về mẹ con mình.
Con ơi! Một ngày nào đó, khi con xa vòng tay của mẹ, khi con là một người đàn ông thực thụ, con sẽ hiểu hành động của bố mẹ là đúng hay sai và đánh giá được mức độ đúng sai của nó.
Còn bây giờ, con không cần phải cố làm vui lòng bố đâu con. Mẹ xin lỗi con. Và con yêu ơi! Con hãy sống đúng lứa tuổi của mình con nhé!