(GD&TĐ)-Theo quy định mới nhất, người đứng đầu tổ chức dịch vụ tư vấn du học và nhân viên trực tiếp tư vấn du học phải có trình độ đại học trở lên, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học do Bộ GD&ĐT cấp.
Bộ GD&ĐT quy định cụ thể về chương trình, nội dung, hình thức đào tạo, kiểm tra, thi, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học.
Tổ chức dịch vụ tư vấn du học được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ tư vấn du học khi có đủ các điều kiện được thành lập theo quy định pháp luật; Có trụ sở, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn du học; Có đủ nguồn lực tài chính để bảo đảm giải quyết các trường hợp rủi ro; có tiền ký quỹ tối thiểu 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) tại ngân hàng thương mại;
Tổ chức dịch vụ tư vấn du học chỉ được phép hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn du học từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ tư vấn du học.
Sở GD&ĐT có trách nhiệm gửi Bộ GD&ĐT danh sách các tổ chức dịch vụ tư vấn du học đã được chứng nhận đăng ký hoạt động để Bộ công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT.
Tổ chức dịch vụ tư vấn du học sẽ bị đình chỉ hoạt động nếu: Gian lận để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ tư vấn du học; Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Quyết định này; Dừng hoạt động 6 tháng liên tục kể từ ngày được phép hoạt động mà không thông báo với cơ quan cấp chứng nhận đăng ký hoạt động; Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ; Cho thuê hoặc cho mượn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ tư vấn du học; Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Tổ chức dịch vụ tư vấn du học được phép hoạt động trở lại khi đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động tư vấn du học.
Lập Phương