Làm thế nào để khơi dậy tiềm năng ở trẻ em

GD&TĐ - Làm thế nào để khơi dậy tài năng ở trẻ em? Dưới đây là những điều mà giáo viên và các bậc phụ huynh có thể làm để phát triển các kỹ năng, các giá trị, thái độ và những thuộc tính cần thiết cho sự thành công trong cuộc đời của trẻ ngay từ khi các em vẫn là những đứa trẻ mới chập chững những bước đi đầu tiên ở trường học.

Làm thế nào để khơi dậy tiềm năng ở trẻ em

Trẻ em cần sự hỗ trợ gì từ giáo viên và cha mẹ để phát triển các kỹ năng về nhận thức, phát triển các giá trị, thái độ và các thuộc tính cần thiết cho sự thành công trong cuộc đời các em? Dưới đây là một số ý tưởng từ cuốn sách “Great Minds and How to Grow Them” (Những cái đầu lớn và Làm thế nào để phát triển chúng), dựa trên cách tiếp cận của giáo sư Deborah Eyre, mà giáo viên và phụ huynh có thể làm để trẻ có thể thể hiện tốt, đạt thành tích cao và quan trọng nhất là khơi dậy được hết những tiềm năng còn tiềm tàng của các em.

Nghĩ đúng

Nếu trẻ đang bị mắc kẹt ở một điều gì đó, đừng phân loại cho nó và gạt bỏ nó đi. Hãy hỏi trẻ những câu hỏi như: “Con đã có thể làm điều này như thế nào nhỉ?”, “Con đã từng làm bất kỳ điều gì tương tự như thế trước đây chưa?”, “Vậy sau đó con đã làm gì nhỉ?” Những câu hỏi như thế này giúp các em phát triển ý tưởng học tập của chính mình, và bằng cách khơi gợi tư duy dần dần như thế ở trẻ sẽ hạn chế được tối đa khả năng các em nói rằng mình không thể làm được điều gì đó.

Xây dựng bức tranh tư duy lớn. Hãy hỏi trẻ: “Điều gì sẽ xảy ra nếu trời không bao giờ trở nên tối nữa?”, “Điều gì sẽ xảy ra nếu những dòng sông cạn khô?”, “Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người không tuân thủ pháp luật?”

Một đặc điểm quan trọng đánh dấu trẻ em có năng khiếu là khả năng các em liên tưởng việc học tập với thế giới rộng lớn bao la bên ngoài kia như thế nào, vì vậy từ khi các em còn nhỏ, hãy giúp các em xây dựng một bức tranh tư duy lớn thay vì chỉ hướng các em đến tư duy những điều nhỏ nhặt.

Xây dựng trí tưởng tượng. Hãy hỏi các em: “Làm thế nào con có thể cân được một con hươu cao cổ hay một con tê giác?”, “Làm thế nào con có thể cân được một cây cầu hoặc một ngôi nhà?”, “Làm thế nào con có thể cân được một vì sao đây?” Chính sự sáng tạo có thể được rèn rũa qua trí tưởng tượng như vậy sẽ giúp xây dựng khả năng học hỏi của trẻ và nó là một yếu tố rất quan trọng trong việc thể hiện tốt, đạt thành tích cao của các em.

Phát triển tư duy phê phán hoặc tư duy logic. Hãy hỏi trẻ rằng: “Tại sao con nghĩ bánh mì sẽ bị mốc nếu con không đóng băng nó vậy?”, “Tại sao con nghĩ trẻ sơ sinh lại khóc?”, “Tại sao con nghĩ lá sẽ rơi khi mùa thu đến?”

Khả năng loại trừ, đưa ra giả thuyết, lý do và tìm kiếm bằng chứng có lẽ là đặc tính liên quan nhất đến thành công về mặt học vấn ở trẻ em. Tư duy phê phán hoặc tư duy logic là những yếu tố sẽ theo các em suốt cuộc đời, đóng góp lớn vào thành công trong học tập và trong công việc, trong cuộc sống của các em hiện tại và sau này.

Giúp trẻ em theo dõi, kiểm soát sự tiến bộ của chính các em. Hãy hỏi những câu như là: “Con cần những gì để có thể làm được điều này?”, “Làm sao để con kiểm tra được rằng con đang đi đúng hướng đây?”, “Làm thế nào để con có thể nói liệu con có đang làm đúng hay không?” Theo dõi, kiểm soát được sự tiến bộ của chính mình là một trong những chìa khóa để tối đa hóa các kỹ năng tư duy ở trẻ.

Hành xử đúng

Tự tin về mặt trí tuệ. Đây là cách tiếp cận “có thể làm” (can do) với học tập, ngay cả khi việc học tập ấy thật khó. Nếu một đứa trẻ nói rằng em không giỏi ở một điều gì đó, hãy nói với trẻ rằng: “Thầy/ Cô/ Bố/ Mẹ biết là con có thể. Thầy/ Cô/ Bố/ Mẹ biết rằng thật khó để có thể làm được điều đó ngay bây giờ, nhưng mà chắc chắn rằng con có thể học cách để làm được điều này đúng hạn nếu con chăm chú, nghiêm túc với nó”.

Những lời động viên tích cực như thế này có thể giúp các em tự tin vào trí tuệ của mình, từ đó nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ cũng như khai thác được hết những tiềm năng của chính các em.

Tâm trí cởi mở. Mở rộng tâm trí cho những ý tưởng mới là dấu hiệu của một người học rất tiến bộ. Hãy bắt đầu bằng việc cởi mở tâm trí bản thân cho trẻ, sau đó mô hình hóa nó để các em có thể tiếp thu được những ý tưởng khác với ý tưởng của mình.

Thế giới này đang phát triển theo hướng toàn cầu hóa, tương lai của trẻ sẽ không chỉ gặp gỡ và học tập, làm việc cùng những con người đến từ cùng một nền văn hóa, cùng một luồng tư tưởng như các em, mà các em sẽ tiếp xúc với mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới này, với văn hóa, quan điểm hoàn toàn khác. Cởi mở với những ý tưởng khác của mình chính là một trong những chiếc chìa khóa cho thành công mai sau.

Sự tò mò. Trẻ em thường đặt ra nhiều câu hỏi cho cha mẹ mình về đủ mọi vấn đề trên thế giới này để cha mẹ trả lời cho các em, mặc dù số lượng sau đó có giảm đi đáng kể khi các em đặt chân vào trường học – nơi chỉ có giáo viên của lớp ở đó để trả lời cho các em thôi.

Mong muốn, khát khao được biết nhiều hơn, hay là sự tò mò ở trẻ, chính là trọng tâm, là “trái tim” của việc học tập. Hiệu suất học tập cao được thúc đẩy bởi sự tò mò này. Khi những đứa trẻ càng tò mò, các em sẽ hỏi càng nhiều những câu hỏi tại sao, như thế nào, và các em sẽ càng thể hiện tốt hơn trong trường học cũng như trong cuộc sống hiện tại và cả sau này.

Thực hành. Đây là cách duy nhất để làm tốt một việc gì đó. Hãy đảm bảo rằng trẻ thực hành một việc gì đó thường xuyên, có chủ ý và có kế hoạch, nỗ lực thực hành hướng tới các mục tiêu gia tăng có thể đạt được, và hãy chắc rằng trẻ đang thực hành những điều mà các em trước đó không thể làm tốt được, để sau quá trình thực hành này rồi các em sẽ làm tốt được điều đó và nhận thấy rằng nó cũng không còn là điều không thể như trước đây các em nghĩ nữa.

Kiên trì. Tiếp tục tiến tới dù cho việc đó rất khó khăn là hành vi quan trọng nhất để đạt được kết quả cao. Chính các em phải bắt chước được hành vi này.

Với trẻ nhỏ, cha mẹ, thầy cô giáo có thể nói với các em những câu chuyện, những điều có thể xảy ra với những ai không có lòng kiên trì, như bác nông dân sẽ không còn để tâm nổi đến mùa màng nữa, người thợ xây không thể hoàn thành ngôi nhà xây dang dở của họ, bác sĩ phẫu thuật thì chẳng thể hoàn thành ca phẫu thuật của mình và bệnh nhân gặp phải nguy hiểm,… Còn với những em lớn tuổi hơn, hãy khuyến khích cảm giác tự hào về những gì các em làm để các em có động cơ kiên trì tiếp tục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ