Làm mới thiên tình sử Romeo và Juliet

GD&TĐ - Các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ đang có sự kết hợp đầy mới mẻ và thú vị với đạo diễn người Áo, với mong muốn làm mới thiên tình sử Romeo và Juliet ngay trên sân khấu Việt.  

Chàng Romeo và nàng Juliet luôn mạnh mẽ khi vươn tới tình yêu trong phiên bản vở kịch “Romeo và Juliet 2019” của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: Bình Thanh.
Chàng Romeo và nàng Juliet luôn mạnh mẽ khi vươn tới tình yêu trong phiên bản vở kịch “Romeo và Juliet 2019” của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: Bình Thanh.

Từ những phá cách mới mẻ

Không cần dựng một ban công nhưng khán giả vẫn thấy nàng Juliet đang hò hẹn với chàng Romeo ở chỗ đặc biệt ấy. Không có cây thánh giá nhưng khán giả vẫn gặp chàng Romeo cháy bỏng cầu hôn nàng Juliet ở nhà thờ.

Không có một hầm mộ cụ thể nhưng sao khán giả vẫn nhức nhối lòng trước sự chia ly của mối tình đẫm nước mắt của những oan nghiệt – Romeo và Juliet...

Phiên bản “Romeo và Juliet” năm 2019 vừa mới được Nhà hát Tuổi trẻ công diễn đến khán giả Hà Nội trong hai ngày cuối tuần qua không theo khuôn mẫu được định sẵn. Vở diễn có sự phá cách đặc biệt về không gian biểu diễn như thế - một không gian giống như quảng trường vậy.

Không chỉ thế, chàng Romeo và nàng Juliet cũng như các nhân vật khác của phiên bản mới toanh này đều không diện trang phục của những anh chàng, cô nàng con nhà gia thế sống ở thế kỷ 16 của nước Anh: Đeo vòng tua rua (đeo ruff); nữ thì mặc váy bó eo có khung, nam mặc áo phồng tay, mặc quần lửng bó chặt...

Ở đây, các nhân vật đều mặc trang phục của thời nay với hai tông màu đen và trắng làm chủ đạo. Chàng Romeo mặc áo ba lỗ khoe đôi tay vạm vỡ. Nàng Juliet cũng bó gọn mình trong chiếc áo đen hai dây. Có đôi lúc họ diện chiếc áo được cách điệu hơn đôi chút – có một tà dài nhưng vẫn là của thời nay. Và cả hai đều mặc quần đen thụng, đi giầy đen cao cổ để chuyển động linh hoạt theo vũ đạo.

Thêm nữa, câu chuyện tình này đã không được kể theo kiểu lãng mạn, thơ mộng, sướt mướt khi ở đó liên tục là những chuyển động đầy mạnh mẽ, dữ dội. Bên cạnh những nụ hôn cháy bỏng của chàng Romeo và nàng Juliet được thể hiện trực tiếp trên sân khấu thì đạo diễn đã không ngần ngại để bạo lực xuất hiện khá giày đặc thông qua vũ đạo mãnh liệt.

Điển hình như cuộc ẩu đả giữa thanh niên của hai dòng họ nhà Capulet và nhà Montegue; cuộc xô xát giữa Mercutio và Romeo với Tybalt dẫn đến cái chết của Mercutio cùng Tybalt hay trận đòn giữ dội của cha mẹ Juliet khi ép nàng phải kết hôn với bá tước Paris…

Chàng Romeo thì rất mạnh mẽ và có phần hoang dã từ mọi hành động đến biểu cảm khi bắt được sóng của tình yêu. Riêng với nàng Juliet lại không hề có chút nào là người con gái liễu yếu đào tơ khi ở nàng luôn bừng bừng những khát khao hạnh phúc, luôn là những phản kháng giữ dội để quyết bảo vệ được tình yêu chung thủy của mình.

 

Đến tiếng nói phản kháng

Vở kịch “Romeo và Juliet” đã được nhà viết kịch William Shakespeare viết từ khoảng cuối thế kỷ 16. Tính ra, vở kịch này đã 400 tuổi và luôn hiện diện trên phim ảnh cũng như sàn diễn sân khấu là những bản tình ca chảy bỏng, lãng mạn nhưng không kém phần bi lụy.

Ngay cả với Nhà hát Tuổi trẻ, ở phiên bản “Romeo và Juliet” được dàn dựng từ thập niên 90 của thế kỷ trước hay với phiên bản của Nhà hát Kịch Việt Nam được dàn dựng năm 2017 cũng không nằm khuôn mẫu ấy.

Phải đến phiên bản “Romeo và Juliet” 2019 của Nhà hát Tuổi trẻ thì dường như thiên tình sử được kể trong vở kịch mang màu sắc hoàn toàn tươi mới. Ở đây, vẫn luôn có những tiếng khóc nhưng không khiến khán giả cảm thấy bi thương. Trái lại, như tiếng khóc của bà mẹ Juliet cho cái chết của người cháu họ Tybalt rồi đến cái chết giả của nàng Juliet tưởng là thảm thiết nhưng chỉ khiến khán giả thêm phần nổi giận.

Đặc biệt, nàng Juliet có khóc nhưng không phải là những giọt nước mắt nỉ non, oán trách. Nàng đã khóc khi chợt giật mình nhận ra sự oái oăm của con tim đã tơ vương cùng mối tình với chàng Romeo – người con trai của dòng họ nhà Montegue có mối thù truyền đời với dòng họ nhà Capulet của nàng. Nhưng nàng đã không ngồi đó khóc than mà đã mạnh mẽ xé rào cản và bằng mọi cách để đi đến với tình yêu theo tiếng gọi của con tim – kể cả có phải đánh đổi bằng cái chết.

Với cách làm mới đó, ê kíp sáng tạo, từ đạo diễn người Áo Beverly Blankenship, phó đạo diễn: NSƯT Như Lai – Huyền Nga, họa sĩ: NSƯT Doãn Bằng cho đến các diễn trẻ như Lệ Quyên, Ngọc Anh (nàng Juliet), Mạnh Đạt, Anh Tú (chàng Romeo), Lý Chí Huy (Mercutio), Anh Thơ (vú nuôi), Đào Duy Anh (Escalus)... đã đem đến cho khán giả một thiên tình sử “Romeo và Juliet” của hôm nay.

Đó là tiếng nói phản kháng mạnh mẽ về bạo lực từ gia đình cho đến xã hội – một vấn đề vẫn luôn nóng bỏng ở mọi thời đại. Và tiếng nói của tình yêu ở đây luôn bay vút trong niềm kiêu hãnh, trong những khát khao.

Cái chết của nàng Juliet và chàng Romeo trong phiên bản mới này cũng gợi mở cách nghĩ: Ở dương thế không thể đến được với nhau thì được chết cùng nhau cũng là một niềm hạnh phúc chứ không hẳn chỉ là khổ đau?

Tất nhiên, với thói quen xem kịch của khán giả Việt Nam hiện nay thì những phá cách của phiên bản “Juliet và Romeo” này không hẳn sẽ được khán giả chấp thuận ngay. Vẫn còn đó những băn khoăn liệu rằng chất thơ của vở kịch phần nào bị phá vỡ thay vào đó là những hành động quá bạo lực, những vũ đạo mang nhiều tính dục?

“Lần đầu tiên, Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác với đạo diễn Beverly Blankenship – một đạo diễn người Áo U70 nhưng có phong cách máu lửa, mãnh liệt, trẻ trung. Bà đã đưa kịch hình thể vào vở diễn cùng những mảng miếng rất linh hoạt, hiện đại. Vì thế, có lẽ ở Việt Nam chưa từng có phiên bản nào về “Romeo và Juliet” rất hiện đại như phiên bản này. Vở diễn sẽ được nhà hát tiếp tục sáng đèn vào lúc 20 giờ ngày 24/11, tại rạp 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Dịp này, chúng tôi còn thử nghiệm chạy phụ đề tiếng Anh với mong muốn hướng đến khán giả là các du khách quốc tế”.
                                                                     Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ