Theo quyết định công bố tại cuộc họp báo chiều nay 17/3, từ ngày mai 18/3, lãi suất tiết kiệm VND kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 7% xuống 6% một năm. Lãi suất huy động tối đa bằng USD cũng giảm từ 1,25% xuống 1% một năm.
Một loạt các mức lãi suất điều hành khác cũng được điều chỉnh cùng thời điểm: Tái cấp vốn giảm từ 7% một năm xuống 6,5%. Lãi suất chiết khấu từ 5% còn 4,5% một năm.
Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn của Ngân hàng Nhà nước với các nhà băng từ 8% được điều chỉnh xuống 7,5% một năm. Lãi suất trên OMO theo đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng giảm từ 5,5% xuống 5% một năm.
Trần lãi suất huy động đối với một số lĩnh vực ưu tiên cũng giảm một điểm phần trăm. Theo đó, các khoản vay nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ cao được giảm lãi suất từ 9% xuống 8% một năm.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước - cho biết: Việc giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành cũng như lãi suất cho vay ngắn hạn ưu tiên cho thấy sự đồng bộ cũng như thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 2.
Chủ trì cuộc họp báo lần này, Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, giảm lãi suất huy động sẽ là cơ sở để giảm lãi suất cho vay. Theo ông, với mức giảm lần này, khả năng huy động vốn của các tổ chức tín dụng sẽ không bị ảnh hưởng.
Số dư tiền gửi tại các nhà băng vẫn gia tăng từ sau Tết, ngay cả thời điểm gần đây, các ngân hàng thương mại liên tục hạ lãi suất huy động.
"Trong bối cảnh hiện nay, việc gửi tiền vào ngân hàng theo tôi vẫn là kênh an toàn và hiệu quả nhất. Tôi tin xu hướng này vẫn được xã hội chấp nhận" - Ông Tiến nói.
Với kỳ hạn dài từ 6 tháng trở lên, ngân hàng và người gửi tiền vẫn được tự do thỏa thuận mức lãi suất huy động. Tuy nhiên, điều này khiến nhiều ý kiến lo ngại mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh (chủ yếu trung và dài hạn) của doanh nghiệp khó được hưởng lợi từ quyết định này.
Trả lời về lo ngại trên, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết, đến nay Ngân hàng Nhà nước không quy định trần lãi suất cho vay mà dành quyền chủ động cho các ngân hàng.
"Tuy nhiên, lãi suất ngắn hạn sẽ có mối liên quan trực tiếp đến dài hạn và tôi tin lãi suất cho vay dài hạn sẽ có chiều hướng giảm" -Ông Tiến nhận định.
Thông tin thêm về các khoản vay còn chịu lãi suất cao trên 15%, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho biết hiện chỉ có tỷ trọng khoảng 5,6% dư nợ toàn ngành.
Đây là lần đầu tiên trần lãi suất huy động giảm trong năm 2014. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước có 2 đợt điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm, từ 8% về 7% một năm.