Lá thư gửi lên biên giới của người mẹ xứ Nghệ

GD&TĐ - Cuốn nhật ký của mẹ Phạm Thị Đào đã ngả màu cũ kỹ, được người con trai thứ giữ gìn như kỷ vật vô giá. Đó là cuộc đời của người vợ liệt sĩ, người mẹ 2 chiến sĩ tham gia cuộc chiến tranh biên giới trở về.

Lá thư bằng thơ mẹ Phạm Thị Đào gửi lên đơn vị của con năm 1979 được chép lại vào nhật ký.
Lá thư bằng thơ mẹ Phạm Thị Đào gửi lên đơn vị của con năm 1979 được chép lại vào nhật ký.

Những trang cuộc đời của bà mẹ xứ Nghệ được viết hoàn toàn bằng thơ mộc mạc, lời nói đậm chất địa phương xứ Nghệ. Trong đó có riêng bài thơ dài 112 câu đã được bà gửi ra chiến trường biên giới, nơi con trai đầu đang tham gia chiến trận, bảo vệ Tổ quốc năm 1979.

Lá thư “Kính gửi Bộ Chỉ huy Sư đoàn 337”

“Mẹ tôi đã mất hơn 3 tháng rồi, trong ngôi nhà tình nghĩa xây dựng cho vợ liệt sĩ. Bố tôi trước là cán bộ ngành bưu điện, hi sinh trong lúc đi làm nhiệm vụ. Thời trẻ mẹ kiên cường lắm, việc nhà, việc nước đều tham gia. Khi dọn dẹp nhà của mẹ, tôi giữ lại cuốn nhật ký bà viết bằng thơ và 2 cuốn sổ ghi chép khác...”, cựu chiến binh Văn Đức Thuân, phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An mở lời.

Cuốn nhật ký của cụ bà Phạm Thị Đào (mẹ ông Thuận) đã ố màu, nét chữ bên ngoài mờ hẳn và mép trang giấy cũ sờn thời gian. Mẹ có 2 người con trai Văn Đức Tuấn, Văn Đức Thuân lần lượt tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong đó con trai đầu Văn Đức Tuấn (SN 1961) vào bộ đội thuộc Sư đoàn 337 Quân khu IV, và nhận lệnh tổng lên đường đầu năm 1979.

Trong đợt tổng động viên đầu tiên tháng 2/1979, đơn vị anh trai tôi nhận lệnh, chuyển quân trong đêm. Không kịp báo tin về cho gia đình, anh khoác balo lên đường. Đó là sau này trở về anh kể lại. Còn ngày ấy, 4 tháng bỗng nhiên bặt tin, mẹ tôi tìm vào xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) – nơi anh đóng quân trước đó hỏi mới biết, đơn vị đã Bắc tiến rồi”, ông Văn Đức Thuân nhớ lại.

Biết tin con ở chiến trường ác liệt, mẹ Đào viết thư gửi lên biên giới. Nhưng gia đình không ngờ, lá thư với 112 câu thơ mộc mạc ấy đã được chuyền tay nhau trong đơn vị và còn được cán bộ, chiến sĩ thuộc nằm lòng, dù hơn 40 năm trôi qua.

Cuốn nhật ký được viết bằng thơ với nhiều đoạn tự sự về cuộc đời, gửi gắm cho con cái trong những dấu mốc quan trọng.
Cuốn nhật ký được viết bằng thơ với nhiều đoạn tự sự về cuộc đời, gửi gắm cho con cái trong những dấu mốc quan trọng.

“Cách đây 5 năm, tôi nhận được điện thoại của Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh - người cùng đơn vị chiến đấu với anh trai tôi. Khi ấy anh tôi đã mất được 3 năm vì bệnh hiểm nghèo. Trong cuộc điện thoại, anh Khuỳnh hỏi tìm mẹ tôi, và đọc rành rọt từng câu thơ trong thư gửi anh Tuấn năm 1979.

Tôi và mẹ ngạc nhiên, bất ngờ lắm. Anh Khuỳnh nói chỉ nhớ mẹ quê ở Quỳnh Lưu. Nhiều năm trôi qua, dịp đó tình cờ gặp được người trong làng, biết rõ gia đình tôi và cho thông tin liên lạc”, cựu chiến binh Văn Đức Thuân nhớ lại.

Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh - nguyên là Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn – cựu chiến binh Sư đoàn bộ binh 337 - Quân khu IV. Ngày 19/2/1979, ông cũng hành quân ra bảo vệ biên giới phía Bắc. Một ngày cuối tháng 6/1979, trong lúc trực ban ở đơn vị, thượng sĩ Khuỳnh nhận lá thư ghi bên ngoài: “Kính gửi Ban Chính trị Sư đoàn 337”.

“Thư gửi đơn vị nên tôi là cán bộ trực ban bóc ra xem. Đó là bức thư đặc biệt, viết bằng thơ, của người mẹ quê xứ Nghệ. Lời lẽ trong bài thơ mộc mạc, nhiều từ địa phương nhưng tình cảm, xúc động lắm. Một bà mẹ anh hùng! Tôi liền báo cáo và chuyển ngay lá thư cho Đại tá Nguyễn Chấn, khi ấy là Chính ủy Sư đoàn 337”, Đại tá Khuỳnh nhớ lại.

Tấm lòng người mẹ xứ Nghệ

Cụ Phạm Thị Đào có 2 con trai cùng tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc.
Cụ Phạm Thị Đào có 2 con trai cùng tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc. 

Lá thư được viết thành thơ tự do, có vần điệu, mở đầu bằng câu giới thiệu: “Tôi là mẹ của Văn Đức Tuấn/ Quê Quỳnh Lưu, Nghệ Tĩnh vốn xưa nay...”. Nhưng người mẹ xứ Nghệ lại không có dòng nào nói riêng với con trai. Thay vào đó là lời tự sự về cuộc đời vất vả, có đau thương mất mát của người vợ, người mẹ thời chiến.

27 tuổi, chồng mất trên đường làm nhiệm vụ. Con trai đầu là Tuấn mới lên 5 tuổi. Sau đó nhà bị bom dội tan nát, mẹ con sơ tán ở nhờ trong nhà anh em, họ hàng. Một mình kiên cường nuôi 2 con khôn lớn.

Đến khi con vừa 18 tuổi thì nhập ngũ. Sau 4 tháng bặt tin mới biết con đã thần tốc hành quân theo đơn vị lên Cao – Lạng: “Tính đến đây đã 4 trăng rồi/ Lòng xao xuyến bồi hồi không yên dạ/ Ngày đơn vị chuyển quân đi xa quá/ Tới Cao Lạng tức thì chiến đấu...”.

Bom đạn chiến tranh là gian khổ, sinh tử cách nhau chớp mắt. Đoàn tụ là mong mỏi của tất cả bà mẹ gửi con ra tiền tuyến. Trong mắt mẹ, đứa con trai 19 tuổi vẫn còn non dại: “Khi ở nhà mẹ dặn mẹ dò/ Giờ xa cách ai bày cho em được/ Sức thì yếu, trí còn non nớt/ Chưa biết gì tính trước suy sau/ Sẽ gặp khi mưa nắng dãi dầu...”.

Nhưng trước an nguy bờ cõi đất nước, bà mẹ xứ Nghệ vẫn gửi lời động viên con tham gia chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dân tộc. Đồng thời nhờ chỉ huy kèm cặp, dạy bảo con mình học tập, vững lòng. “Tôi là người mẹ đẻ xưa nay/ Giờ xa cách nhờ các anh giúp đỡ/ Em thiếu sót nhờ các anh chỉ lối/ Để thay mẹ dặn dò em công tác/ Đừng để em đi sai đường, hướng lạc/ Trở thành người tệ bạc của quân nhân”.

Bà cũng gửi gắm sự tin tưởng, chúc cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị: “Chắc tay súng giữ lấy đất trời/ Khi có lệnh sẵn sàng chiến đấu”. Cảm phục tấm lòng và tinh thần của người mẹ xứ Nghệ, Đại tá Nguyễn Chấn thời điểm đó đã chỉ đạo phổ biến lá thư đến các đơn vị, đọc lại cho anh em chiến sĩ. Khích lệ tinh thần nỗ lực rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc toàn đơn vị.

“Sư đoàn 337 đảm nhiệm tuyến biên giới dài hơn 40 cây số. Bức thư đặc biệt của người mẹ xứ Nghệ trở thành thư chung của toàn anh em chiến sĩ, chứ không phải của riêng con trai Văn Đức Tuấn. Những lời của mẹ cũng là dặn dò, nhắc nhở, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi trong suốt năm tháng đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc sau này”, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn - Nguyễn Văn Khuỳnh nói.

Ông Văn Đức Thuân và các kỷ vật, nhật ký của mẹ Phạm Thị Đào.
Ông Văn Đức Thuân và các kỷ vật, nhật ký của mẹ Phạm Thị Đào.

Năm 1981, Văn Đức Tuấn hoàn thành nhiệm vụ trở về. Một năm sau, em trai Văn Đức Thuân lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại mặt trận Bắc Thái rồi Vị Xuyên (Hà Giang). Cuộc chiến nhiều năm sau đó đã khép lại, những người con của mẹ Phạm Thị Đào may mắn đều nguyên vẹn trở về.

Trong lá thư gửi Sư đoàn 337 năm ấy, mẹ Phạm Thị Đào khép lại bằng lời chân tình: “Có mấy lời thô sơ thành thực/ Đều dở hay nét mực bình dân/ Nếu sót sai xá quá nỗi lòng/ Tình nghĩa lớn còn hòng khi gặp lại”. Không ngờ gần 40 năm sau, Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh đã thực sự tìm lại, trò chuyện với bà mẹ xứ Nghệ - chủ nhân lá thư bằng thơ ấy.

“Anh Khuỳnh nói bài thơ được lưu giữ, sao chép đưa vào trưng bày trong nhiều di tích lịch sử ở Lạng Sơn, và là tài liệu giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Anh cũng ngỏ lời mời bà lên Lạng Sơn một chuyến, thăm chiến trường, mảnh đất biên giới nơi anh tôi góp phần bảo vệ năm xưa. Nhưng sức khỏe bà lúc ấy đã yếu, không thể đi xa.

Dù vậy, bà cũng rất phấn khởi và mãn nguyện khi biết được nghĩa tình của cán bộ chiến sĩ năm xưa, cho đến tận bây giờ vẫn còn vẹn nguyên để có cuộc “gặp lại” bất ngờ như vậy. Còn cuốn nhật ký của mẹ, tôi sẽ giữ gìn để cho con cháu sau này biết được truyền thống gia đình”, cựu chiến binh Văn Đức Thuân nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ