Ký ức người lái xe chở Tổng thống Dương Văn Minh đi tuyên bố đầu hàng

GD&TĐ -  40 năm trôi qua, nhưng câu chuyện về thời khắc lịch sử ngày giải phóng Miền Nam (30/4/1975) vẫn còn in đậm trong tâm trí ông Đào Ngọc Vân (SN 1950), ở số nhà 26 phố Ngô Văn Sở (phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa), người trực tiếp lái chiếc xe Jeep chở Tổng thống Dương Văn Minh đi đọc tuyên bố đầu hàng.

Ông Đào Ngọc Vân (mặc quần áo xanh) cùng đồng đội cũ bên chiếc xe Jeep được phục dựng lại.
Ông Đào Ngọc Vân (mặc quần áo xanh) cùng đồng đội cũ bên chiếc xe Jeep được phục dựng lại.

Nhân duyên với chiếc xe Jeep lịch sử

Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Đào Ngọc Vân vào buổi sáng sớm. Trong căn nhà cấp 4 nhỏ, hai vợ chồng ông Vân đang tất bật với công việc bán hàng ăn sáng. 

Trò chuyện với chúng tôi, khuôn mặt ông Vân rạng rỡ khi nhắc lại những kỷ niệm cuộc đời mình gắn với sự kiện hào hùng của lịch sử dân tộc 40 năm về trước.

Ông Vân sinh ra trong gia đình có 5 anh em ở phường Phú Sơn, thị xã Thanh Hóa (nay thành phố Thanh Hóa). Lớn lên, ông trở thành công nhân ở đội giao thông thuộc phòng Thị chính, thị xã Thanh Hóa (nay là Công ty Môi trường Thanh Hóa). Ông làm nhiệm vụ lái máy ủi san đường cho xe bộ đội qua cầu Hàm Rồng.

Năm 1972, đất nước đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Vân lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên. Tháng 7/1972, ông vào chiến trường Quảng Trị rồi được biên chế vào đại đội 14, trung đoàn 66, sư đoàn 304 (C14, E66, F304).

Ông Vân cùng đồng đội đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại các chiến trường như Thượng Đức, Đại Lộc… Trận đánh  tại chiến trường Đại Lộc ngày 28-30/3/1975,  đơn vị ông Vân đã thu được chiến lợi phẩm là 3 chiếc xe khi địch bỏ lại để tháo chạy. Chiếc xe Jeep mang biển số 15770 mà sau này áp giải tướng Dương Văn Minh đi đầu hàng vô điều kiện là 1 trong 3 chiếc xe trên.

Kể đến đây, đôi mắt người lính ấy sáng lên, những ký ức một thời không thể quên lại ùa về, ông Vân kể tiếp: “Khi đang là công nhân của đội giao thông tôi đã từng biết lái một số loại phương tiện xe cơ giới. Khi thấy chiếc xe Jeep, tôi thấy tò mò liền nhảy lên xe cầm vô lăng rồi nổ máy lái thử.

Chiếc xe chuyển bánh trong sự ngạc nhiên và tiếng vỗ tay hoan hô của mọi người. Sau khi giải phóng Đà Nẵng, đơn vị tôi tiếp tục tiến vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Thủ trưởng đơn vị đã giao cho tôi trực tiếp lái chiếc xe Jeep trên chở chỉ huy vào Nam chiến đấu”.

Ông Đào Ngọc Vân xúc động kể lại câu chuyện ngày 30/4/1975
Ông Đào Ngọc Vân xúc động kể lại câu chuyện ngày 30/4/1975

Vọng mãi khúc ca chiến thắng

Rạng sáng 30/4/1975, đơn vị ông Vân được lệnh chuẩn bị xe phối hợp với các đơn vị pháo mặt đất, xe tăng cùng các bộ binh tấn công sâu vào Sài Gòn. 

Theo mệnh lệnh, ông Vân lái chiếc xe Jeep 15770 đưa đại úy Phạm Xuân Thệ vượt cầu Sài Gòn để tiến vào Dinh Độc Lập. Đến trưa 30/4/1975, đơn vị ông đã tiến sát vào cửa ngõ Sài Gòn. Lúc đó, quân địch thì hoảng loạn, mất tự chủ. Chúng vừa phản kháng yếu ớt vừa tháo chạy nên quân ta nhanh chóng tiến qua cầu Sài Gòn.

Đến cổng Dinh Độc Lập, hai chiếc xa tăng thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn xe tăng 203 đi trước làm nhiệm vụ phá cổng Dinh. Chiếc thứ nhất mang số hiệu 384 có nhiệm vụ phá cổng phụ, còn chiếc xe tăng thứ 2 có số hiệu 390, phá cổng chính. 

Chỉ trong chốc lát, xe tăng 390 đã húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, tiến thẳng vào trong Dinh. Chiếc xe Jeep do ông Vân lái cũng bám sát phía sau băng qua cánh cổng chính đưa chỉ huy cùng các chiến sỹ vào sân Dinh Độc Lập

Ông Vân vẫn nhớ rõ giây phút hạnh phúc đó: “Tôi dừng xe lại, đại úy Phạm Xuân Thệ  cùng các chiến sỹ nhanh chóng tiến lên tầng 2 của Dinh Độc Lập, nơi các lãnh đạo chính quyền Sài Gòn đang bị khống chế bên trong phòng.

Còn tôi ôm lá cờ giải phóng chạy lên ban công sảnh tầng 2 của Dinh Độc Lập cùng với một chiến sĩ khác liên tục phất cờ báo hiệu cho quân và dân biết quân ta đã chiếm giữ được Dinh Độc Lập. 

Từ trên tầng 2 Dinh Độc Lập nhìn xuống đường phố, tôi thấy quân và dân ta hò reo, vang tiếng hát mừng chiến thắng. Vài phút sau, tôi nhận lệnh tiếp tục ra xe để làm nhiệm vụ.

Khoảng 10 giờ 30 phút, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ cầm súng ngắn, dẫn theo hai người đàn ông bước lên xe Jeep 15770, phía sau có nhiều cán bộ, quân giải phóng. 

Theo chỉ dẫn, tôi lái xe Jeep đến Đài phát thanh Sài Gòn. Về sau tôi mới biết, hai người đàn ông do đồng chí Phạm Xuân Thệ dẫn lên xe là Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng chính quyền Sài Gòn Vũ Văn Mẫu, được đưa đến Đài phát thanh Sài Gòn để đọc tuyên bố đầu hàng”.

Đến 11giờ 30 ngày 30/4/1975, tất cả các loa phóng thanh ở Sài Gòn cùng phát lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh. 

Tiếp đó, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng tuyên bố: “Chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tổng thống chính quyền Sài Gòn. Thành phố Sài Gòn- Gia Định hoàn toàn giải phóng”… 

Lời tuyên bố kết thúc, mọi người vỡ òa trong  niềm hạnh phúc chiến thắng. Cảm xúc của giờ phút lịch sử thiêng liêng ấy vẫn còn nguyên vẹn mỗi khi ông Vân nhớ lại.

Sau 40 năm qua đi, người lính Đào Ngọc Vân gắn cùng vận mệnh lịch sử của chiếc xe Jeep 15770, tóc đã điểm sợi bạc. Ông cũng tất bật với cuộc sống mưu sinh đời thường, nhưng trong trái tim của người lính già ấy vẫn vọng mãi âm vang chiến thắng của buổi sáng lịch sử.

Gần đến ngày kỷ niệm giải phóng Miền Nam 30/4, căn nhà nhỏ của gia đình ông Vân luôn vang tiếng cười nói, bởi bạn bè, đồng đội đến thăm và ôn lại kỷ niệm ngày giải phóng. Ông Vân xúc động chia sẻ:

“Hàng năm, đến ngày kỷ niệm chiến thắng 30/4, chúng tôi -những người lính trực tiếp tham gia chiến đấu trong ngày lịch sử hào hùng ấy lại có dịp nhắc nhớ lại. 

Dù thời gian đã đi qua, những người lính trẻ ngày ấy, bây giờ người còn, người mất nhưng những ký ức về giờ phút lịch sử giải phóng Miền Nam vẫn còn ghi mãi trong lòng mỗi người”.

Sau hành trình nhiều năm Bảo tàng Lịch sử Quân đội Việt Nam lần tìm để phục dựng chiếc xe Jeep đã đưa Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫn của chính quyền ngụy Sài Gòn từ Dinh Độc lập sang Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện vào lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975.

Đầu năm 2008, ông Đào Ngọc Vân đã cung cấp bức ảnh ông chụp kỷ niệm với ông Phùng Bá Đam bên cạnh chiếc xe Jeep tại Sài Gòn vào tháng 8/1975. 

Viện Kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) đã giám định và xác định được biển số xe Jeep là 15770, kiểu M151A2 do Mỹ sản xuất vào những năm của thập kỷ 60 của thế kỷ trước và đưa vào sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1970.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ