Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: An toàn, nghiêm túc, khách quan

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: An toàn, nghiêm túc, khách quan

Để đạt được mục tiêu này, cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương phải vào cuộc một cách đồng bộ.

Bộ GD&ĐT bảo đảm điều kiện khung

Nhắc lại kết luận của Thủ tướng Chính phủ: Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ ban hành các quy chế, hướng dẫn; Cung cấp phần mềm sử dụng trong kỳ thi; Xây dựng, cung cấp đề thi chung cho cả nước và thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm theo quy định hiện hành.

Để bảo đảm đánh giá khách quan, hạn chế tiêu cực, gian lận, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp: Chỉ đạo công tác dạy học, kiểm tra, đánh giá một cách nghiêm túc, trong đó, đã triển khai áp dụng học bạ điện tử để quản lý kết quả học tập của HS. Công bố công khai kết quả học tập trong quá trình của HS với kết quả thi tốt nghiệp THPT; Phân tích mối tương quan giữa điểm học tập và điểm thi, từ đó phát hiện các bất thường (nếu có) và có giải pháp xử lý phù hợp. Tiếp tục sử dụng bài thi trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn). Trong mỗi phòng thi, mỗi thí sinh có mã đề thi riêng. Bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với phần mềm chuyên dụng, dùng chung cho cả nước theo một quy trình chấm thi chặt chẽ.

Cùng với đó, tăng cường công tác giám sát, thanh tra các khâu của kỳ thi, nhất là coi thi và chấm thi. Ngoài các đoàn thanh tra của Bộ, Sở GD&ĐT, năm 2020 sẽ có đoàn thanh tra của tỉnh để thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi. Quy chế thi cũng sẽ xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tham gia kỳ thi cùng với chế tài xử lý nghiêm túc. Tăng cường sử dụng thiết bị hỗ trợ, giám sát như camera và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của kỳ thi.

“Với các giải pháp như trên, bảo đảm điều kiện khung để hướng tới kỳ thi nghiêm túc, nhưng quan trọng nhất chính là cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi và các thí sinh. Do vậy, công tác lựa chọn cán bộ, tập huấn được đặc biệt coi trọng. Cùng với đó là tuyên truyền, giáo dục để thí sinh hiểu rõ trách nhiệm, triệt tiêu ý định tiêu cực để tập trung ôn tập, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi” – PGS Mai Văn Trinh lưu ý.

Quy chế thi: Tác động chủ yếu đến giáo viên tham gia kỳ thi

Bộ GD&ĐT đang xây dựng Quy chế thi và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để sớm công bố Quy chế theo quy định. Tuy nhiên, PGS Mai Văn Trinh cho biết: Quy chế này chủ yếu tác động đến cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi (trong công tác chuẩn bị, coi thi, chấm thi,…) chứ không tác động nhiều đến thí sinh. Do vậy, thí sinh không cần lo lắng mà nên tập trung vào việc học tập và chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

Với các địa phương, công tác chuẩn bị cho kỳ thi về cơ bản như năm 2019. Các sở GD&ĐT cần chủ động rà soát tất cả khâu như: Địa điểm thi; công tác in sao, vận chuyển đề thi; chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị (camera, hạ tầng công nghệ thông tin, máy quét phục vụ chấm thi…); địa điểm chấm thi; chuẩn bị điều động cán bộ coi thi, chấm thi theo tinh thần địa phương chủ trì tổ chức kỳ thi này.

Ngay sau khi ban hành Quy chế, Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn đầy đủ cùng với các tài liệu hỗ trợ để bảo đảm nếu địa phương thực hiện nghiêm túc quy trình, quy định, kỳ thi sẽ được tổ chức thành công tại địa phương mình.

“Phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT chuẩn bị và thảo luận với một số bộ, ngành, nhất là ngành Y tế, Bộ Tư pháp, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương… sau đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phương án này xem xét toàn diện các vấn đề nên được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Trong dự thảo Quy chế thi cũng tính đến ảnh hưởng của dịch Covid-19” – PGS Mai Văn Trinh cho biết thêm.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT sử dụng cho nhiều mục tiêu quan trọng

Có ý kiến cho rằng: Liệu có cần tổ chức một Kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không, khi hằng năm có gần 100% HS đỗ tốt nghiệp. Trả lời câu hỏi này, PGS Mai Văn Trinh cho biết: Đây không phải vấn đề mới, mà được đặt ra một số lần, ngay cả khi xây dựng Luật Giáo dục 2019. Nhìn lại quá trình giáo dục ở bậc phổ thông nước ta, chúng ta không có kỳ thi kết thúc bậc học tiểu học và THCS. Chỉ khi kết thúc lớp 12, mới tổ chức kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, cũng như đánh giá kết quả của quá trình giáo dục bậc phổ thông ở nước ta. Kết quả của kỳ thi này rất quan trọng, được sử dụng cho nhiều mục tiêu khác nhau, như: Điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong nhà trường; Đánh giá chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý giáo dục các cấp và cũng được nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Nhấn mạnh, tổ chức thi tốt nghiệp THPT là cần thiết, theo PGS Mai Văn Trinh, kỳ thi không mang tính cạnh tranh (có tính chất lựa chọn) mà để đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Do vậy, nếu thí sinh đáp ứng chuẩn đầu ra sẽ được công nhận tốt nghiệp và tỷ lệ này có thể cao. Tuy nhiên, chất lượng, mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra hoàn toàn khác nhau giữa các địa phương, nhà trường và HS; không phải là cào bằng. Việc phân hóa này có ý nghĩa cho công tác quản lý giáo dục, tạo động lực để chất lượng giáo dục được duy trì ổn định và nâng cao không ngừng (không có điểm dừng của chất lượng giáo dục). Điều này, cũng có thể được so sánh như khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm trong một doanh nghiệp/nhà máy sản xuất, cho dù sản phẩm của họ chất lượng rất tốt, được khẳng định với lịch sử hàng trăm năm trên phạm vi toàn thế giới.

Thêm nữa, với đặc điểm văn hóa của người Việt Nam, nếu không tổ chức kỳ thi, sẽ không tạo động lực học tập tích cực, thậm chí có một bộ phận nhỏ HS không học (không thi, không học).

Kết thúc 12 năm học tập ở bậc phổ thông, HS phải tham gia kỳ thi cuối cùng để xét công nhận tốt nghiệp là cần thiết. Kỳ thi này càng có ý nghĩa nếu được tổ chức nghiêm túc, khách quan, công bằng để sử dụng kết quả vào nhiều mục tiêu khác nhau. - PGS. TS Mai Văn Trinh 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ