(GD&TĐ)-Năm nay, với sự giám sát đa chiều của xã hội, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ đã kết thúc trong suôn sẻ, thuận lợi. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng khẳng định tại buổi họp báo chiều nay (10/7): kỳ tuyển sinh ĐH 2012 kết thúc thành công về mọi mặt, cả hai đợt thi đều diễn ra an toàn, nghiêm túc, có chất lượng, đề thi được đánh giá tốt.
Họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: gdtd.vn |
Kỳ tuyển sinh thành công
Theo công bố của Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đến dự thi cả 2 đợt thi tại 246 trường ĐH tổ chức thi là 1.265.338 em, đạt tỷ lệ 78,30%, giảm 0,28% so với năm 2011. Trong cả 2 đợt, các trường đã huy động 142.956 lượt cán bộ tham gia công tác coi thi. Cả nước có 321 thí sinh bị kỷ luật, trong đó khiển trách 44, đình chỉ thi 253, đến muộn không được dự thi 11. Tổng số cán bộ tham gia công tác thi bị xử lý kỷ luật là 9 người.
Theo báo cáo của Hội đồng tuyển sinh các trường ĐH và đánh giá ban đầu của các chuyên gia, của dư luận xã hội cũng như của thí sinh, đề thi ĐH có nội dung nằm trong chương tr ình THPT, chủ yếu là lớp 12; bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, phù hợp với thời gian làm bài, vừa sức với đa số thí sinh, kiểm tra được kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, đồng thời có khả năng phân hóa được trình độ thí sinh. Đặc biệt, đề thi Văn, Địa được đánh giá cao về việc ra theo hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống chính trị xã hội và yêu cầu kiến thức liên bộ môn.
Bộ GD&ĐT khẳng định, đề thi ĐH của cả 2 đợt thi được bảo đảm an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu từ soạn thảo, in sao đến vận chuyển tới các Hội đồng thi, các điểm thi, phòng thi và thí sinh.
Kỳ thi năm nay cũng ghi nhận sự vào cuộc và phối hợp rất có hiệu quả của các bộ, ban, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức xã hội. Đặc biệt, trong 2 đợt thi, chương trình tiếp sức mùa thi được triển khai trên khắp cả nước với kinh phí trên 4 tỷ đồng. Đã huy động được 35.000 lượt thanh niên, sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ thí sinh; hỗ trợ 200 thí sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn có phương tiện đi lại, chỗ ở, kinh phí ăn nghỉ; đã huy động 14.000 áo thun, 11.300 mũ, 500 dù che, 390 bảng hướng dẫn và 43.000 cẩm nang tư vấn…Việc bổ sung cụm thi ở Hải Phòng đã giảm bớt 14.750 thí sinh cho các điểm thi tại Hà Nội; cụm thi Vinh giảm bớt 9.384 thí sinh cho điểm thi ở TPHCM, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho 2 thành phố này.
Quy chế mới góp phần tăng tính minh bạch kỳ thi
Tại buổi họp báo, các phóng viên chủ yếu xoay quanh những điểm mới của quy chế thi năm nay, trong đó có việc cho phép thí sinh sử dụng phương tiện trong phòng thi để chống tiêu cực. Trước ý kiến e ngại quy định này làm khó cho các trường, đồng thời thí sinh có thể lợi dụng để thực hiện hành vi tiêu cực, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cho rằng, việc sửa đổi quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 theo hướng khuyến khích thí sinh tố cáo chống gian lận. Để chống tiêu cực, Bộ GD&ĐT cho phép bên cạnh giám sát của cơ quan Nhà nước có giám sát của xã hội. Bộ GD&ĐT không bắt buộc thí sinh phải mang thêm nhiệm vụ giám sát chống tiêu cực và thực tế năm nay cho thấy, tuyệt đại bộ phận thí sinh không mang vào. Nhưng nếu thí sinh mang thiết bị đúng theo quy định vào để chống tiêu cực thì khác với trước đây sẽ bị đình chỉ, thì nay sẽ không bị xử lý.
Nhấn mạnh thêm về điều này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, từ trước đến nay, xã hội không được biết về thực chất của kỳ thi ĐH đằng sau cổng trường thi. Việc này là nhằm minh bạch hóa công tác tuyển sinh, công tác giáo dục đào tạo, cho phép thí sinh, quần chúng tố giác tiêu cực, có thể thu thập bằng chứng để tố cáo. Đặc biệt, việc này có tác động tâm lý rất lớn, giám thị sẽ có tinh thần trách nhiệm hơn, làm việc nghiêm túc hơn…
Liên quan đến câu hỏi về đề Văn, Địa lý, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí chất lượng và kiểm định giáo dục trả lời: Yêu cầu của đề thi ĐH 2012 là phải bảo đảm tính phân hóa cao, quan điểm này được áp dụng cho tất cả các môn thi. Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đã hướng tới ra đề theo hướng mở, việc này sẽ tiếp tục trong các năm tới, nhằm tránh cho học sinh học vẹt, học tủ, gắn với các vấn đề xã hội quan tâm. Đề mở nên việc chấm cũng sẽ mở. Nếu thí sinh có câu trình bày khác đáp án nhưng đúng vẫn có điểm. Đặc biệt, khuyến khích những lập luận sáng tạo, có thể khác đáp án nhưng có lý lẽ thì vẫn được điểm
Về vấn đề đổi mới kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ trong thời gian tới, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, năm 2013, sau khi Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực, một số trường ĐH trọng điểm có thể được tuyển sinh riêng, với điều kiện không để tái diễn cảnh học thêm, luyện thi tràn lan… như trước.
Hiếu Nguyễn