Kỳ quan địa chất bí ẩn nhất châu Phi

GD&TĐ - Ennedi Massif thuộc phía Đông Bắc của Chad (quốc gia ở Trung Phi), diện tích khoảng 60 nghìn km2 và đỉnh cao nhất cao 1.450m so với mực nước biển.

Một góc cảnh quan của Ennedi Massif. Ảnh: Kate Eshelby, Bbc.com
Một góc cảnh quan của Ennedi Massif. Ảnh: Kate Eshelby, Bbc.com

Cao nguyên Ennedi Massif nằm sâu trong sa mạc Sahara thuộc Chad, nổi tiếng kỳ vĩ với những khối núi đá kỳ dị, biển cát mênh mông và “ít được khám phá chỉ xếp sau Mặt trăng”. Nơi đây tập trung nhiều vết tích của con người thời tiền sử, có đến 75% khu vực vẫn chưa được thám hiểm.

“Tường sa mạc”

Ennedi Massif thuộc phía Đông Bắc của Chad (quốc gia ở Trung Phi), có diện tích khoảng 60 nghìn km2 và đỉnh cao nhất cao 1.450m so với mực nước biển. Khoảng cách từ thủ đô N’Djamena đến Ennedi Massif xa tới 1 nghìn km, đường sá gập ghềnh, thường mất khoảng 4 ngày mới tới nơi.

Chad là quốc gia không yên bình. Hàng chục năm qua, nơi đây luôn chìm trong đảo chính, xung đột sắc tộc và chiến tranh với Libya. Vì vừa quá xa xôi lại vừa nằm trong đất nước nhiều chiến sự, Ennedi Massif ít được các nhà khoa học tiếp cận, ước tính 75% diện tích vẫn ngoài tầm mắt của các nhà nghiên cứu.

Mặc dù tư liệu ít ỏi, Ennedi Massif vẫn lừng danh toàn cầu nhờ biệt danh “tường sa mạc”. Cảnh quan của nó gây ấn tượng mạnh với các dãy đá cao ngất, dài dặc, hình thù đa dạng và không có cây cối mọc do quá khô hạn. Nhìn từ xa, các dãy đá này giống hệt như bức tường chắn ngang sa mạc.

Đến gần, “tường sa mạc” không liền mạch. Theo suy đoán, gió và mưa chính là các tác nhân phân bố và tạc hình. Trải qua hàng triệu năm, chúng gọt đẽo đá thành những tòa tháp, mái vòm, cột, vách, dãy núi đá...

Di sản văn hóa thế giới

Hình vẽ, khắc trên đá ở Ennedi Massif cho thấy cuộc sống và tiến trình phát triển của con người tại nơi này. Ảnh: Kate Eshelby, Bbc.com

Hình vẽ, khắc trên đá ở Ennedi Massif cho thấy cuộc sống và tiến trình phát triển của con người tại nơi này. Ảnh: Kate Eshelby, Bbc.com

Hơn 7 nghìn năm trở về trước, Ennedi Massif là vùng thảo nguyên rộng lớn, tươi tốt nhờ lượng mưa hàng năm khoảng 250mm/năm. Tuy nhiên, khoảng giữa thế kỷ VI TCN, lượng mưa dần giảm xuống. Thế kỷ V, nó chỉ còn 150mm/năm và thế kỷ III thì thấp tận 50mm/năm.

Trước khi trở thành mảnh đất sa mạc, Ennedi Massif là một trong các khu vực sinh cư của người tiền sử. Theo nghiên cứu khảo cổ, họ có thể xuất hiện ở đây từ khoảng năm 8000 TCN, sau đó định cư đông đúc từ khoảng năm 5000 TCN trở đi, với nhiều nhóm săn bắn và hái lượm, biết chế tạo đồ gốm và rất thích nghệ thuật vẽ tranh.

“Tường sa mạc” với những bề mặt đá nhẵn nhụi, cao rộng là địa điểm yêu thích của các họa sĩ tiền sử. Họ chủ yếu vẽ con người và động vật theo nguyên mẫu đời thực, để lại cho hậu thế những tác phẩm tranh vẽ và tranh khắc trên đá phô bày cuộc sống đời thường. Đó là cảnh con người làm việc cùng gia súc, đi săn, chạy nhảy…

Trong số các hình vẽ - khắc, đàn ông nhiều hơn phụ nữ, động vật được thuần hóa nhiều hơn động vật hoang dã. Càng niên đại thấp, các bức tranh càng bộc lộ chi tiết về sinh hoạt đời thường hơn, cho thấy tiến trình phát triển công cụ, trí khôn… như đã biết chế tạo xe ngựa và dùng ngựa kéo xe, phát hiện bệnh di truyền…

“Với chúng tôi, Ennedi Massif giống như cuốn sách lịch sử mở mà tổ tiên để lại”, Angèle Aloumbe - nhân viên Công viên châu Phi chia sẻ. Trong Ennedi Massif không có nhà cửa hay đường sá, gần như vắng bóng người. “Mỗi lần đến đây, tôi đều có cảm giác như xuyên không về thời TCN, lặng ngắm các tác phẩm nghệ thuật trên đá và xúc động rơi nước mắt”, anh nói tiếp.

Thế giới nguyên sơ

Nhờ được đưa vào danh sách Di sản Thế giới, Ennedi Massif đang dần thu hút du khách. Ảnh: Kate Eshelby, Bbc.com

Nhờ được đưa vào danh sách Di sản Thế giới, Ennedi Massif đang dần thu hút du khách. Ảnh: Kate Eshelby, Bbc.com

Đúng như lời anh Aloumbe nói, Ennedi Massif là một trong những vùng đất vẫn còn hoang sơ nhất thế giới. Nhờ nằm rất sâu trong sa mạc, nó gần như ngoài tầm mắt của con người. “Khi một nhà khảo cổ người Italia đến đây, chỉ trong vòng nửa giờ, ông ấy đã tìm được một mảnh gốm có niên đại 7 nghìn năm”, hướng dẫn viên du lịch Andrea Bonomo kể.

Vào năm 2001, tại phía Tây của Ennedi Massif, người ta phát hiện hộp sọ linh trưởng 7 triệu năm tuổi, đặt tên là Toumaï. So với Lucy ở Ethiopia chỉ 3,2 triệu năm tuổi, nó già hơn rất nhiều. Ngoài Toumaï, các nhà khảo cổ còn tìm thấy các hóa thạch cùng loài khác, chứng minh được Toumaï không phải trường hợp đặc biệt. Một số người bắt đầu tin, cái nôi của loài người có khả năng là Chad chứ không phải thung lũng Rift (Ethiopia).

Dù khô nóng, Ennedi Massif vẫn là địa bàn sinh sống của nhiều loại động - thực vật. Bị cản trở vì các vấn đề an ninh, đường sá, chiến sự, giới nghiên cứu mới chỉ xác nhận được nó có ít nhất 199 loài chim di cư tạm nghỉ khi bay ngang. Tại các vũng, hẻm, hồ nước của Ennedi Massif, có cá sấu sa mạc sinh trưởng. Chúng đặc trưng bởi cơ thể ngắn, được đặt biệt danh “cá sấu tròn”.

Nhờ máy bẫy ảnh, các nhà khoa học phát hiện trong Ennedi Massif có quần thể đà điểu Bắc Phi quý hiếm đang sống. Họ kỳ vọng, những loài bị cho là tuyệt chủng như linh dương sừng kiếm, báo Sudan, hổ Ennedi… cũng đang sống sót ở đâu đó trên cao nguyên hẻo lánh này.

Năm 2016, Ennedi Massif được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Kể từ năm 2018, nó được Công viên châu Phi hợp tác với Chính phủ Chad, đồng bảo vệ và khai thác các tiềm năng, đặc biệt là tiềm năng du lịch. Năm 2019, 50 km2 của Ennedi Massif được Chad chỉ định là khu bảo tồn văn hóa và tự nhiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ