Kỷ nguyên mới trong quan hệ Nga - Nhật

Kỷ nguyên mới trong quan hệ Nga - Nhật
Các Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng Nga, Nhật nắm tay nhau bước vào kỷ nguyên mới
Các Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng Nga, Nhật nắm tay nhau bước vào kỷ nguyên mới

(GD&TĐ) - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu vừa kết thúc tốt đẹp cuộc gặp với những người đồng cấp Nhật Bản (Fumio Kishida và Itsunori Onodera) trong khuôn khổ hội nghị bộ trưởng “2+2” tại Tokyo vào chiều thứ bảy tuần trước.

Đây là cuộc gặp gỡ “2+2” đầu tiên trong lịch sử quan hệ Nga - Nhật. Phát biểu tại Tokyo ngày 2/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định: Cuộc họp trong khuôn khổ “2+2” đã “mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Nga - Nhật”.

Bước đi đầu tiên

Tháng tư vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến thăm chính thức Moskva sau 16 năm đứt đoạn. Bình luận về chuyến thăm lịch sử này, các nhà phân tích khẳng định: Đây là chuyến đi “phá băng” của Shinzo Abe. Quả thật, quan hệ Nga - Nhật đã bị băng giá trong nhiều năm, thậm chí hai cường quốc chưa có nổi một hiệp ước hòa bình.

Giới phân tích Nhật Bản cũng mới chỉ gọi chuyến công du Moskva của Shinzo Abe là “tia nắng sớm” trong quan hệ Nga - Nhật. Sẽ còn rất nhiều việc phải làm nếu hai nước muốn thúc đẩy quan hệ hòa bình, hợp tác. Và cuộc gặp gỡ “2+2” lần này được coi là bước đi đầu tiên trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Nga - Nhật nhằm nâng nó lên một tầm cao mới.

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì hai bên đều mong muốn sẽ trở thành đối tác chiến lược của nhau. Trước hết là xây dựng lòng tin, sau đó mở rộng hợp tác về an ninh toàn cầu và khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói: “Chúng tôi hy vọng rằng những nỗ lực chung của chúng tôi có thể đạt được một cấp độ mới trong hiểu biết lẫn nhau để cùng đối phó với các mối đe dọa và thách thức, chẳng hạn như cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, vi phạm bản quyền, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt và hàng loạt các vấn đề khác”.

Trước đó, Sergei Shoigu khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng cho một cuộc thảo luận thẳng thắn và đạt được những kết quả cụ thể”. Trong lĩnh vực quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga đã đồng ý với các đối tác Nhật Bản rằng họ sẽ tăng cường liên lạc với nhau.

Trong cuộc họp báo diễn ra vào ngày thứ bảy (2/11), Sergei Shoigu tuyên bố: “Thỏa thuận về tăng cường liên lạc giữa Bộ tổng tham mưu quân đội Nga và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã đạt được.

Trong tương lai sẽ xem xét các hành động phối hợp chặt chẽ giữa hải quân và không quân hai nước”. Tuy nhiên, Sergei Shoigu thừa nhận việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Nhật khiến Nga thực sự lo ngại bởi nó làm lệch cán cân sức mạnh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tại cuộc gặp gỡ “2+2” lần này, Nga và Nhật Bản đạt được thỏa thuận về các cuộc tập trận chung, về đấu tranh với nạn cướp biển...

Sergei Shoigu khẳng định “rất hài lòng với thỏa thuận đạt được giữa quân đội hai nước”. 

Tokyo nhấn mạnh rằng hợp tác với Nga trong lĩnh vực quốc phòng quan trọng không chỉ đối với hai nước mà còn góp phần ổn định tình hình ở khu vực.

Cơn gió nào đưa Nga, Nhật đến với nhau?

Mối quan hệ Nga - Nhật bị lu mờ bởi tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết. Nhật Bản tuyên bố chủ quyền 4 hòn đảo trong quần đảo Kuril gồm: Etorufu, Shinkotan, Kunashiri và nhóm đảo Habomai, coi đó là điều kiện mở đường cho việc ký kết hiệp ước hòa bình giữa hai nước. Đòi hỏi của Nhật dựa trên cơ sở Hiệp định Shimoda (1855) và St.Petersburg (1875), theo đó, Nga Hoàng đã công nhận 4 hòn đảo trên thuộc chủ quyền của Nhật.

Tuy nhiên, sau thế chiến thứ II, với Hiệp ước Yalta, các nước thắng trận (Liên Xô, Mỹ, Anh) đã trao 4 hòn đảo này cho Liên Xô. Kể từ đó, 4 đảo trên được người Nga gọi là quần đảo “Nam Kuril” còn người Nhật gọi là “lãnh thổ phương Bắc”.

Điều đáng nói là từ đó tới nay Tokyo không ngừng đòi chủ quyền với 4 hòn đảo trên và đã có lúc (thời Khrushev) tưởng như người Nga đã chấp nhận yêu cầu của Nhật Bản. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, số phận 4 hòn đảo ở Nam Kuril vẫn còn “treo” lơ lửng.

Giờ đây thời thế đã đổi thay. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nặng nề ở châu Âu, để phát triển đất nước, Nga buộc phải chuyển hướng về phương Đông với kế hoạch khai khẩn vùng Siberia, Viễn Đông giàu tài nguyên. Hội nghị thượng đỉnh Apec diễn ra tại Vladivostok năm 2012 được coi là dọn đường cho các nhà đầu tư nước ngoài vào khu vực còn đang “ngủ đông” này.

Tuy nhiên, người Nga chẳng dại gì chỉ trông chờ vào Trung Quốc theo kiểu “bỏ tất cả vào một giỏ”. Ấy là chưa kể Moskva lo ngại chính sách di dân của Trung Quốc thực sự là mối đe dọa với vùng Viễn Đông có dân cư thưa thớt của họ. Mở cửa mời Nhật vào đầu tư tại Viễn Đông, Siberia đang được coi là chính sách tối ưu của Nga.

Muốn làm như vậy, tất nhiên phải có quan hệ hữu hảo và điều kiện tiên quyết là hai nước phải có hiệp ước hòa bình.

Đối với Nhật, họ đang vướng vào tranh chấp chủ quyền với hai cường quốc Nga và Trung Quốc. Ở góc độ địa chính trị, Nam Kuril và Senkaku/Điều Ngư không khác gì hai gọng kìm khống chế đất nước mặt trời mọc. Vậy thì phải phá ít nhất 1 “gọng kìm” trong thế chân vạc ấy đi. Tokyo chọn giải pháp thân thiện với Nga.

Chuyện Nga, Nhật thân thiện với nhau sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề còn tồn đọng giữa hai nước nói riêng và giữa các nước trong khu vực nói chung. Nó tạo thế cân bằng trong tương quan lực lượng ở khu vực và tất nhiên, mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Nga -Nhật.

Anh Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ