Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII: Đề xuất cơ chế trưng mua khi thu hồi đất

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII: Đề xuất cơ chế trưng mua khi thu hồi đất

(GD&TĐ) - Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) với những nội dung còn ý kiến khác nhau là trọng tâm thảo luận của đại biểu Quốc hội (QH) trong cả hai phiên làm việc tại hội trường ngày 17/6.

Đại biểu Phùng Tiến Đức (đoàn Hà Nam) phát biểu ý kiến
Đại biểu Phùng Tiến Đức (đoàn Hà Nam) phát biểu ý kiến

Bảo đảm quyền lợi người dân khi  thu hồi đất

Bước vào phiên làm việc buổi sáng, QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của UBTV QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Một trong những nội dung được đề cập đang gây nhiều tranh cãi và thu hút sự quan tâm của dư luận là việc đền bù, bồi thường, giá cả đền bù... cho người có đất bị thu hồi.

UBTV QH tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hướng phân biệt rõ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo đó, bồi thường là bù đắp tối đa những thiệt hại cho người có đất do việc thu hồi đất gây ra như thiếu đất sản xuất, nhà ở, sản xuất bị gián đoạn, lợi nhuận bị giảm sút, cuộc sống, sinh hoạt bị ảnh hưởng… Việc bồi thường có thể bằng đất, bằng tiền. Hỗ trợ không phải là để bù đắp phần bồi thường chưa thỏa đáng mà xác định đây là việc Nhà nước tạo điều kiện cho người có đất thu hồi có cuộc sống tốt hơn. Tái định cư được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm khi thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở thì phải bố trí chỗ ở cho người có đất khi Nhà nước thu hồi theo nguyên tắc nếu tiền bồi thường không đủ mua suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ đủ để mua suất tái định cư tối thiểu…

Nên áp dụng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất

Các nội dung liên quan đến vấn đề thu hồi đất cũng là trọng tâm thảo luận của các đại biểu khi thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), với rất nhiều ý kiến phát biểu được đưa ra.

Cho rằng quy định nhà nước thực hiện thu đất là phù hợp, tuy nhiên theo đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang), trong quá trình thu hồi đất có phần tài sản gắn liền trên đất thì Nhà nước nên áp dụng cơ chế trưng mua vì tài sản trên đất thuộc sở hữu của cá nhân. Theo đại biểu, điều này phù hợp với quy định của Hiến pháp. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy cũng đề nghị đối với trường hợp việc Nhà nước thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế phục vụ lợi ích nhà đầu tư thì nên để nhà đầu tư tự thỏa thuận để nhận chuyển nhượng dự án phù hợp với quy hoạch.

Cũng tập trung vào các quy định liên quan đến việc thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) đề nghị việc thu hồi đất phục vụ an ninh quốc phòng thì Nhà nước sẽ đứng ra thu hồi; còn với các dự án phát triển kinh tế xã hội cần có sự cân nhắc kỹ vì lâu nay việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án đã gây phát sinh nhiều khiếu kiện và tham nhũng. Theo đại biểu, mặc dù là dự án phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội nhưng khi thu hồi đất người dân rất thiệt mà chỉ có nhóm lợi ích được hưởng. Chẳng hạn khi thu hồi đất thì chủ đầu tư chỉ đóng 40% giá đất ở và bán lại với mức giá 100% đất ở; như vậy người dân, nhà nước không có lợi ích gì mà chỉ có doanh nghiệp được hưởng lợi mà thôi.

Không nên thành lập quỹ phát triển đất

Liên quan đến đề xuất của dự thảo Luật về việc thành lập Quỹ phát triển đất, đã có rất nhiều ý kiến không tán thành của đại biểu QH. Theo các đại  biểu, dự thảo chưa được đề cập rõ ràng về cơ cấu tổ chức, chức năng của Quỹ.  Dự thảo ghi rõ Quỹ phát triển đất được thành lập để thực hiện việc ứng vốn khi thực hiện thu hồi đất. giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, nguồn tài chính được trích từ tiền thu sử dụng đất; Tuy nhiên theo các đại biểu, việc thành lập quỹ này là không phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước. Mặt khác theo thống kê, đã có 35 tỉnh thành lập quỹ phát triển đất nhưng không có hiệu quả. Việc thành lập quỹ không phù hợp làm phân tán nguồn lực tài chính. Vì vậy, không nên thành lập quỹ phát triển đất.

Khánh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ