Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII: Để phòng chống, phải xác định rõ hành vi khủng bố

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII: Để phòng chống, phải xác định rõ hành vi khủng bố

(GD&TĐ) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy và  Dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố là 2 dự án Luật đầu tiên được trình lên Quốc hội trong kỳ họp này trong sáng 21/5, ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 5.

.->> Khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết: Trong những năm gần đây, tình hình khủng bố trên thế giới có những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị của nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, tuy chưa xảy ra khủng bố do tổ chức khủng bố quốc tế thực hiện, nhưng đã phát hiện một số âm mưu tiến hành khủng bố của một số đối tượng người Việt lưu vong và phát hiện một số đối tượng khủng bố quốc tế làm thủ tục nhập cảnh vào nước ta.

Quốc hội làm việc tại Hội trường. (Ảnh: Mạnh Hùng)
Quốc hội làm việc tại Hội trường. (Ảnh: Mạnh Hùng)

Dự án Luật Phòng, chống khủng bố được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư. Vì nội dung cơ bản của dự án Luật là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và quyền cơ bản của công dân, nên đã được các ĐBQH,  cơ quan thẩm tra và UBTVQH quan tâm nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trên mọi khía cạnh, bảo đảm các điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc phục vụ hoạt động phòng, chống khủng bố và hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố trong thời điểm hiện nay.

Đa số kiến cho rằng, việc thành lập các Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố hoạt động thường xuyên mà không phải khi cần thiết là phù hợp với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần xác định rõ ràng về hành vi gây nên khủng bố, bởi không phải hành vi nào của cá nhân, tổ chức cũng là khủng bố. Để đảm bảo an ninh quốc gia thì cần quy định cấp có thẩm quyền phát hiện và xử lý hành vi khủng bố. Điều này cũng là yếu tố để quy định trách nhiệm của cơ quan phòng chống khủng bố. Theo đó, nên quy định cơ quan phòng chống khủng bố ở TƯ đến địa phương. Nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể thành phần Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố; quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Phó Trưởng ban chỉ đạo hoặc Thường trực Ban chỉ đạo và tương tự là Chỉ huy trưởng quân sự ở cấp tỉnh.

Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy  (PCCC) do Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang trình bày trước Quốc hội cho biết: Sau 10 năm thực hiện Luật PCCC, cả nước đã thành lập được gần 123.000 đội dân phòng và đội PCCC cơ sở với gần 1,5 triệu cán bộ, đội viên và 185 đội cảnh sát PCCC chuyên nghiệp. Công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC được tăng cường. Cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm trong công tác này. Tuy nhiên, Luật đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung.

Lần sửa đổi, bổ sung này được xây dựng trên cơ sở quán triệt các quan điểm nhằm  phù hợp và đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về PCCC; phù hợp với yêu cầu thực tiễn , tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để xác định và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác PCCC. Đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, có tính khả thi cao và thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Chiều cùng ngày, các ĐBQH thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Khánh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ