Ngôi chùa hoang giữa nghĩa trang
Dung “ba Tàu” tên thật là Trần Thị Nghĩa (56 tuổi, ngụ nghĩa trang Bình Hưng Hòa, TP.HCM) vốn người ở khu Lò Gốm (Q.6, TP.HCM). Gia đình Dung “ba Tàu” có của ăn của để nhờ nghề bán củi nhưng chẳng may khánh kiệt bởi thăng trầm của lịch sử.
Sau khi tài sản tiêu tán, cả nhà Dung “ba Tàu” có về quê ở Bến Lức, Long An để tính chuyện làm nông sinh sống. Thế nhưng ruộng nương không có, công việc làm thuê cũng không nhiều nên Dung “ba Tàu” quyết dắt mẹ trở về Sài Gòn tính kế mưu sinh.
Dung "ba Tàu" kể chuyện đời cùng PV (Ảnh Hà Nguyễn).
Trong người không tiền, Dung “ba Tàu” quyết định ở tạm một ngôi chùa hoang trong khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Đầu năm 1980, nghĩa trang Bình Hưng Hòa nằm tách biệt với khu dân cư, 4h chiều đã không còn ai qua lại, đường xá vắng hoe. Có chút e sợ, bà liền khấn vái trời phật thương xót cho tá túc qua ngày.
“Trước khi về sống ở nghĩa trang, tôi từng nghe phong thanh người ta đồn nhiều người đi ngang đây bị nhát. Ngay cả ngôi chùa tôi đang ở, trước khi tôi đến thường xuyên bị sét đánh trúng, không hiểu vì sao từ khi tôi tá túc thì không còn cảnh đó nữa. Có lẽ, ông trời thương người lâm vào bước đường cùng như mẹ con tôi”, Dung “ba Tàu” nhớ lại.
Ngôi chùa không có mái lợp, ngày ráo, mấy mẹ con nằm ra đất mà ngủ, ngày mưa lại chui rúc dưới chân tượng Phật, thức trắng đêm mong mưa mau tạnh. Dung “ba Tàu” tuy là con gái nhưng giỏi giang từ khi còn là cô chủ của cửa hàng bán củi.
Thế nên, khi bàn tay trắng, Dung “ba Tàu” may mắn tìm được công việc làm mướn ở mấy ruộng cải và đắp mộ thuê. Hễ không ai thuê đắp mộ, Dung lại đi gánh phân, nhổ cỏ mướn.
“Tiền công chủ vườn trả có khi là bó cải, mấy cọng hành, dăm ký gạo còn công việc đắp mộ thuê đôi khi là tôi tự thấy thương cho người đã khuất mà đắp thêm cho vài nắm đất. Người nhà của người chết thấy thương thì cho ít tiền còn không cho cũng không sao, coi như làm công quả”, bà chia sẻ.
Cuộc đời Dung “ba Tàu” thêm một lần sóng gió và biến người con gái dịu dàng thành người đàn bà gai góc.
“Lăn lóc vào đời khó tránh khỏi cảnh “ma cũ ức hiếp ma mới”. Tôi chân ướt chân ráo đến nghĩa địa sống, thấy người ta mướn người đắp mộ thì xắn tay vào làm. Mấy mẹ con hì hục mãi mới đắp xong một nấm mộ, chưa kịp rửa tay nhận tiền thì xuất hiện một người đàn ông bặm trợn đến bốc một cục đất quăng lên nấm mộ rồi ngửa tay lấy tiền từ người thuê. Lần đầu nhịn, lần thứ hai cắn răng nuốt hận, lần thứ ba, tôi cầm cây liềm đến nói chuyện phải quấy. Người đàn ông đó liền vung tay đánh tôi. Cơn đau biến tôi thành một con người khác, tôi cầm cây liềm lao tới chém vào lưng ông ta”, Dung “ba Tàu” thoáng buồn.
Khi người ta chở người đàn ông này đi cấp cứu, Dung “ba Tàu” mới bừng tỉnh và khóc trong lo sợ.
“Mẹ tôi giật lấy cây liềm dính máu trong tay tôi và đi thẳng tới công an đầu thú bà là người gây ra thương tích cho người đàn ông đó. Bà nói bà già rồi có ở ngoài cũng không nuôi được ai. Tôi ở ngoài ráng lo cho em. Nhưng may mắn, bà con đều biết tôi là người thật thà, hiền lành nên khuyên gia đình của người đàn ông kia không thưa kiện mà tự thương lượng với nhau. Gia đình họ bắt tôi đền tiền thuốc đến hai chỉ vàng. Số vàng ở những năm bao cấp là hết sức lớn lao. Lỗi mình gây ra thì phải chịu, tôi cố gắng làm lụng, chắt chiu từng đồng trả cho người ta. Tờ giấy cam kết ngày ấy tôi giữ đến khi mục nát để nhìn đó mà tự răn mình”, Dung “ba Tàu” cho biết.
Dung “ba Tàu” lấy chồng. Chồng Dung là người đàn ông đã có một đời vợ. Ở với Dung đến năm 25 tuổi thì ông qua đời để lại hai đứa con, một trai một gái. Dù một chữ bẻ đôi không biết, Dung “ba Tàu” vẫn tâm niệm ở đời “Gà luộc một lần mới ngon, chồng con thì cũng chỉ một”. Thế nên, khi chồng mất, Dung cắt tóc giả trai, sống dưới phận “ô môi” để người đời bớt dòm ngó, ong bướm không quấy rầy. Cũng vì thế, cuộc đời người phụ nữ vốn yếu ớt ngày một mạnh dạn hơn trên đường đời.
35 năm nghĩa tình với nghề "gác mộ"
“Tôi ở nghĩa trang gần 35 năm nhưng chưa lần nào bị quấy phá. Nhiều người nói tôi gan không sợ ma nhưng thật ra có thấy đâu mà sợ. Tôi nghĩ nếu mình sống phải thì người trần hay người âm đều không quấy phá.
Từ hồi nào đến giờ, cứ mỗi lần nấu cơm, tôi lại khấn “người nào thấy cơm chín thì ăn chứ nhà con ăn uống bất thường nên xin bà con thông cảm. Ma không thấy chứ xì ke, mại dâm thì gặp nhiều rồi. Hồi mới giải phóng thì không nhiều nhưng từ năm 2000 đến nay, xì ke tìm về hút chích ở nghĩa trang hơi nhiều. Chẳng những vậy, bọn họ còn phá mồ mả, bẻ hàng rào sắt đi bán kiếm tiền mua ma túy nữa. Thế nhưng, chưa có đứa nghiện nào dám qua khu vực tôi sinh sống mà quấy phá”, Dung “ba Tàu” cho biết.
Nơi trú ngụ của Dung "ba Tàu" hơn 35 năm (ảnh Hà Nguyễn).
Thời gian thoi đưa, Dung “ba Tàu” trở thành bà của mấy đứa cháu ngoại lít chít. Bà kể: “Thằng con trai năm nay gần 30 tuổi mà vẫn chưa chịu lấy vợ. Nó đi làm, bao nhiêu tiền tôi biểu nó để dành mà cưới vợ. Tôi già rồi, sáng đi nhặt xương về cho mấy con chó ăn, trưa một chút thì đi bán cà phê phụ mấy người bạn trong xóm. Làm được việc thì người ta cho ăn cơm. Đứa con gái thì đã qua hai đời chồng có bốn đứa con. Nó không giống tôi, đời chỉ biết một người chồng mà thôi, khuyên nó không nghe thì nó thích làm gì cũng kệ”. Đàn chó có nhiệm vụ canh gác “cấm địa” của gia đình Dung “ba Tàu” và cả những vật dụng của mấy người bán hàng rong gửi lại.
Dung “ba Tàu” kể: “Đàn chó của tôi hay dữ lắm. Tối nào, tụi nó cũng chia ra bốn hướng mà ngủ. Hễ nghe tụi nó sủa là tôi bật dậy cầm cây thủ sẵn. Giữ đồ cho người ta không bao nhiêu tiền mà hễ mất là đền chết, tiền triệu trở lên.
Có người cho nhà, kêu tôi về Châu Đốc sống nhưng quen rồi bỏ đi không được. Công việc chăm sóc mộ ở đây cũng chỉ tự tôi làm chứ cũng chẳng còn mấy người thuê mướn. Từ lúc có tin di dời nghĩa trang, nhà nào có điều kiện thì đã đến bốc mộ. Đa số mộ vắng chủ, mộ đất thì còn nằm lại. Thương họ lạnh lẽo, mùa mưa đất mềm thì tôi đi đắp thêm đất, mùa khô thì quét dọn, lau chùi. Chiều nào cũng thắp cho họ cây nhang để đỡ hiu quạnh. Sống đâu quen đó, hễ có một ngôi mộ được bốc đi, tôi lại thấy buồn man mác, có cảm giác nhớ nhung”.
Đến tuổi này, Dung “ba Tàu” tâm niệm: “Ngó lên thì chẳng bằng ai nhưng ngó xuống còn nhiều người khổ hơn mình. Ngày xưa, ai đánh tôi, tôi đánh lại nhưng bây giờ tôi bỏ được cái tánh đó rồi. Chắc nhờ tôi nghe kinh Phật nhiều. Tôi không biết chữ nên mấy bà bạn tặng cho cái máy nghe kinh”.
Dung “ba Tàu” tin với tình người thì nghĩa trang cũng trở thành ngôi nhà ấm cúng. Với bà, mấy đứa cháu ngoại ngoan ngoãn, biết phụ giúp gia đình và không bệnh tật là niềm vui lớn nhất. Nửa đời sống sau này, bà đã chọn cắt đi mái tóc dài, chọn cho mình làn khói thuốc để cứng rắn hơn khi giông tố cuộc đời cứ tiếp nối. Đâu đó trong làn khói thuốc, nét dịu dàng vẫn quyện trong ánh mắt yêu thương gia đình hết thảy.