LTS: Hơn 20 năm qua, cùng với công cuộc đổi mới đất nước và đổi mới giáo dục - đào tạo, các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (NCL) ra đời, phát triển thành hệ thống đã minh chứng cho chủ trương đúng đắn trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Các trường NCL đã góp phần đáng ghi nhận vào việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy hệ thống NCL đã và đang bộc lộ những vấn đề khó khăn. Với loạt bài Cùng hệ thống ĐH, CĐ ngoài công lập vượt qua thách thức, Báo Giáo dục & Thời đại mong muốn chung tay tìm giải pháp tháo gỡ thực trạng này.
Sinh viên Đại học Cửu Long trong giờ thực hành |
Từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 với việc đổi mới tư duy bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh được khuyến khích phát triển. Thời điểm đó, ở lĩnh vực giáo dục chúng ta chứng kiến sự ra đời của Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long (năm 1988), đến năm 1994 đại học ngoài công lập tiếp tục được thành lập.
Chủ trương cho thành lập các đại học ngoài công lập thể hiện quan điểm, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Nghị quyết 4 của Ban chấp hành Trung ương khóa 7 đã khẳng định 3 loại hình của giáo dục ngoài công lập là: Bán công, dân lập và tư thục. Nghị quyết 2 của Ban chấp hành Trung ương khóa 8 tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục phát triển các trường dân lập ở tất cả các bậc học. Từng bước phát triển vững chắc các trường tư thục ở giáo dục mầm non, THPT, THCN, dạy nghề và đại học...”. Tiếp đó Quy chế đầu tiên về đại học tư thục đã được ban hành tại Quyết định số 240/TTg ngày 24/5/1993 của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế tạm thời về ĐHDL để hướng dẫn các trường hoạt động cũng được ra đời ngay sau đó.
Từ năm 2005 đến nay tiếp tục có nhiều văn bản quan trọng thể hiện sự quan tâm đến phát triển loại hình này. Luật Giáo dục 2005, Điều 20 khẳng định: “Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi”; Điều 68 khẳng định những ưu đãi của Nhà nước cho các trường dân lập và tư thục, Điều 104 đưa ra những chính sách khuyến khích đối với các nhà đầu tư cho giáo dục.
Phòng Công nghệ thông tin Trường đại học Công nghệ và Kinh doanh Hà Nội. Ảnh: Mộc Lam |
Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ một lần nữa khẳng định chủ trương phát triển mạnh các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đồng thời chỉ rõ phải hoàn thiện quy định chế độ tài chính và trách nhiệm thực hiện chính sách và nghĩa vụ xã hội của các tổ chức xã hội hoạt động theo quy chế phi lợi nhuận và áp dụng cơ chế lợi nhuận, hỗ trợ khuyến khích các cơ sở ngoài công lập đăng ký hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận, có chính sách ưu đãi đối với các cơ sở ngoài công lập, đặc biệt là với các cơ sở hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận, ban hành chính sách đào tạo và hỗ trợ của Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các cơ sở ngoài công lập tự đào tạo, phát triển nhân lực.
Trong năm 2005 và các năm tiếp theo, Nhà nước, Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã ban hành một số văn bản khác có liên quan với định hướng hoạt động cụ thể cho GDĐH ngoài công lập, như Nghị định số 75/2005/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và Nghị định số 31/2011/NĐ-CP bổ sung một số điều của Nghị định 75/2005. Đặc biệt ngày 1/1/2013 Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực, với nhiều điều, khoản liên quan đến hoạt động của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập chính thức đi vào hoạt động là hành lang pháp lý vững chắc để loại hình trường này dựa vào đó phát triển. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai soạn thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học; sửa đổi, bổ sung Điều lệ trường đại học, Điều lệ trường cao đẳng, Quy chế hoạt động của trường đại học tư thục, Quy chế hoạt động của trường cao đẳng tư thục phù hợp với các quy định mới của Luật Giáo dục Đại học.
Nhóm phóng viên
Kỳ 2: Trường ngoài công lập là top dưới? Chưa chắc!