Thầy Đặng Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Kroong (xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei) cho biết: Học sinh ở điểm trường chính và một số điểm trường thôn đã đi học trực tiếp. Ngay khi các em quay trở lại trường, giáo viên đã tổ chức ôn tập để học sinh nắm lại kiến thức trong thời gian học trực tuyến. Đồng thời đảm bảo cho học sinh học tập, sinh hoạt theo từng lớp và không tiếp xúc với những lớp bên cạnh để tránh dịch bệnh bùng phát, lây lan.
Riêng điểm trường thôn Đăk Sút với 7 lớp và 179 học sinh chuyển sang hình thức học trực tuyến do mới ghi nhận 9 trường hợp F0.
“Do điều kiện khó khăn nên nhiều em không có thiết bị học trực tuyến. Chính vì vậy đơn vị đã chỉ đạo giáo viên sắp xếp cho 2 - 3 em sinh sống gần nhau học chung thiết bị. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo các biện pháp an toàn để phòng chống dịch bệnh”, thầy Hoàng nói.
Tương tự, thầy Nguyễn Xuân Tứ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei) cũng chỉ đạo giáo viên chủ động xây dựng phương án dạy học đảm bảo thích ứng với điều kiện thực tế tại địa phương. Với những học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến, giáo viên phối hợp với chính quyền địa phương, phụ huynh quản lý và tổ chức dạy học cho các em tại nhà.
“Nhà trường có 11 F0 là học sinh, do đó đơn vị tổ chức dạy trực tuyến cho các em. Với những học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến thì giáo viên đến giao bài tập và hướng dẫn. Riêng những khu vực phong toả nhà trường nhờ tổ cộng đồng để đưa bài tập cho học sinh”, thầy Tứ nói.
Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết: Ngày đầu tiên học sinh trở lại trường học trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sở đã thành lập đoàn kiểm tra đến các trường để nắm bắt tình hình. Đặc biệt là các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Đăk Glei, nơi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, sở đã yêu cầu các đơn vị báo cáo cụ thể tình trạng sức khoẻ và yếu tố dịch tễ của từng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục chủ động phương án dạy học phù hợp với từng học sinh, địa phương, đơn vị. Ngoài ra, diễn tập chuẩn bị các tình huống khi có dịch bệnh xảy ra trong nhà trường. Qua đó, không để bị động, lúng túng ảnh hưởng đến kế hoạch, tiến độ và chất lượng giáo dục khi có dịch bệnh xảy ra.