Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng: Vượt ra khỏi “ao làng”

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng: Vượt ra khỏi “ao làng”

Thăng tiến chóng mặt

Tại giải vô địch thế giới 2019, diễn ra ở Hàn Quốc, Nguyễn Huy Hoàng hoàn thành cự ly 800m tự do nam với thành tích 7 phút 52 giây 74. Dù chỉ về đích hạng 15/38, song tuyển thủ Việt Nam vẫn đạt chuẩn A (7 phút 54 giây 31), trở thành VĐV đầu tiên của thể thao Việt Nam giành vé tham dự Olympic Tokyo 2020.

Trước đó, tại ASIAD 2018 diễn ra ở Indonesia, Nguyễn Huy Hoàng thực sự gây sốc khi giành HCĐ nội dung 800m tự do (7 phút 54 giây 32), xếp sau siêu kình ngư Sun Yang người Trung Quốc và Takeda Shogo đến từ Nhật Bản; đồng thời giành HCB 1.500 m tự do nam với thành tích 15 phút 1 giây 63, tiếp tục thua kỷ lục gia thế giới Sun Yang. Đáng chú ý, kình ngư người Quảng Bình đồng thời thiết lập kỷ lục quốc gia mới ở cả hai nội dung anh giành huy chương tại ASIAD 2018.

Chưa đầy hai tháng sau ASIAD 2018, Hoàng tham dự Olympic trẻ tại Argentina và thần đồng bơi người Quảng Bình đã tạo nên kỳ tích với tấm HCV đầy thuyết phục. Thậm chí, với thành tích 7 phút 50 giây 20, Hoàng đã xô đổ kỷ lục quốc gia do chính mình thiết lập tại ASIAD 2018 (kỷ lục cũ là 7 phút 54 giây 32). Những gì thể hiện trong năm 2018 và 2019 của Huy Hoàng chính là sự nối tiếp thành công sau những tiến bộ vượt bậc của VĐV bơi lội được gọi với cái tên trìu mến “rái cá sông Gianh”. Còn nhớ năm 2017, ngay ở lần đầu tiên tham dự SEA Games, VĐV bơi lội mới 16 tuổi của Việt Nam giành được 1 HCV cự ly 1.500 m với thành tích 15 phút 20 giây 10, phá kỷ lục cũ của đại hội thể thao khu vực đến hơn 10 giây.

Đến SEA Games 30, Huy Hoàng gần như không có đối thủ ở cự ly 1.500m tự do nam. Với 14 phút 58 giây 14, tuyển thủ Việt Nam giành HCV, bảo vệ ngôi vô địch SEA Games một cách thuyết phục và phá kỷ lục SEA Games của chính mình, đồng thời đạt thừa chuẩn A Olympic Tokyo 2020 tới 2 giây (15 phút 0 giây 99). Ngay cả ở nội dung 400m, trước sự cạnh tranh gay gắt của Sim Welson (Malaysia), kình ngư sinh năm 2000 - Huy Hoàng vẫn giành HCV, phá kỷ lục SEA Games với thành tích 3 phút 49 giây 03 (kỷ lục cũ 3 phút 50 giây 56).

Nếu lấy giải vô địch quốc gia năm 2016 là cột mốc thành tích ban đầu của Huy Hoàng thì chỉ sau một năm ở SEA Games 2017, kình ngư này rút ngắn đến 10 giây ở nội dung 1.500m (15 phút 30 giây 11 so với 15 phút 20 giây 10). Bước vào năm 2018, “rái cá sông Gianh” thu hẹp gần 20 giây nữa ở ASIAD (15 phút 01 giây 63). Thành tích cùng tấm HCV ở nội dung 1.500m tại SEA Games 30 chính thức đánh dấu Hoàng trở thành kình ngư đầu tiên của Đông Nam Á bơi cự ly này dưới 15 phút. Ở nội dung 800m, trải qua 2 năm tập luyện, Huy Hoàng đã cải thiện được thành tích 20 giây, đưa con số từ mốc 8 phút 11 giây 75 tại giải vô địch quốc gia 2016 xuống còn 7 phút 50 giây 20 ở ASIAD 2018. Đáng tiếc cho Hoàng và thể thao Việt Nam khi nước chủ nhà SEA Games 30 đã không đưa cự ly 800m tự do nam vào chương trình thi đấu.

Biết bơi từ lúc 3 tuổi

Nguyễn Huy Hoàng sinh năm 2000 ở thôn Thanh Tiến, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), làng quê bên bờ sông Gianh. Hoàng là con út trong gia đình có 6 anh em, cha mẹ làm nghề chài lưới. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Hạng, người thôn Thanh Tiến: “Cha mẹ hắn làm lồng nuôi cá giữa sông nên hắn biết bơi khi mới 3 tuổi”.

Thông tin này được ông Nguyễn Văn Vinh, bố Huy Hoàng xác nhận và cho biết: “Con nhà chài lưới suốt ngày sống trên sông nước nên đứa nào vợ chồng tôi cũng dạy tụi nó tập bơi, lội dưới nước để tránh bất trắc. Riêng thằng Hoàng đúng là cá gặp nước, nó học bơi rất nhanh, chơi cả ngày ở dưới sông cũng được”. “Hơn 3 tuổi là nó đã đi lặn lấy rong rêu rồi bơi mang ra bè cá giữa sông. Lớn lên tí nữa, chuyện bơi từ bên bờ này sang bờ kia sông Gianh là trò chơi mỗi ngày với nó. Bà con trong làng đều gọi nó là ‘rái cá’ bởi ngoài tài bơi lội thì nó đen trũi vì ngâm nước và phơi nắng - bà Nguyễn Thị Học, mẹ Huy Hoàng cho biết thêm.

Năm 2011, đang học năm cuối tiểu học, Hoàng tham gia Hội khỏe Phù Đổng Quảng Bình và được chọn vào đội tuyển năng khiếu của tỉnh. Hai năm sau, Huy Hoàng tiến thêm một bước quan trọng khi đầu quân cho Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TP HCM, sau đó chuyển đến Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia ở Cần Thơ để tiếp tục đào tạo. Nhưng bơi tự do dưới sông, hồ khác khá nhiều với kỹ năng bơi của một VĐV chuyên nghiệp, cậu bé lớn lên từ vùng sông nước phải mất thêm một thời gian dài để tập những động tác cơ bản rồi mới bắt đầu bước vào tập luyện đầy khắc nghiệt của hành trình trở thành ngôi sao trên đường đua xanh.

Với thành tích giành vé dự Olympic Tokyo 2020, đây là cơ hội và thời điểm chín muồi để Huy Hoàng chứng minh thực lực của mình tại sân chơi hàng đầu thế giới, thay vì quẩn quanh ở “ao làng” Đông Nam Á.

Theo chia sẻ của Huy Hoàng, anh quyết tâm học bơi không chỉ để giúp bố mẹ công việc hàng ngày, mà còn muốn không bị bắt nạt. Ngày còn bé, Hoàng thường bị các anh lớn ném ra khúc sông xa. Lúc đó Hoàng chỉ biết khóc, cố dùng sức bơi vào bờ. Một lý do nữa được Huy Hoàng thổ lộ khi quyết bơi thật giỏi vì muốn “giành huy chương, có tiền thưởng giúp bố mẹ”. Để rèn luyện cho cự ly 1.500m, ngay từ khi 14 - 15 tuổi, Huy Hoàng đã phải ‘nuốt trọn’ giáo án đầy khắc nghiệt, mỗi ngày bơi 20km. Để rồi từ một cậu bé còm nhom, dễ bị bắt nạt, giờ Hoàng đã là kình ngư hàng đầu châu Á.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.