Kinh hoàng trái cây tẩm thuốc tăng ngọt nhanh chín

Kinh hoàng trái cây tẩm thuốc tăng ngọt nhanh chín

Trong vai người đi buôn đang tìm mối cất các loại trái cây về bán, chúng tôi quá bất ngờ khi nghe một số chủ hàng bán sỉ bật mí cho cách làm chín trái cây chỉ trong thời gian cực ngắn. Các loại trái cây dù xanh, non đến mấy cũng sẽ chín sau 12 tiếng tẩm thuốc.
 
Chấm thuốc, quả chín đẹp sau 12 giờ

Theo chị Nga các loại quả xanh có thể vàng ươm sau khi tẩm thuốc khoảng chục tiếng đồng hồ. Ảnh: MH (Giadinh.Net)
Theo chị Nga các loại quả xanh có thể vàng ươm sau khi tẩm thuốc khoảng chục tiếng đồng hồ. Ảnh: MH (Giadinh.Net)

Trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BNN ngày 27/3/2008 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ethrel được phép sử dụng làm chất điều hòa sinh trưởng thực vật với công dụng là “kích thích mủ/cao su” kích thích hoa ở nhãn, vải, xoài, thanh long, không dùng cho trong thực phẩm.

Vì vậy, để phòng ngừa việc người buôn bán hoa quả lạm dụng chất này người tiêu dùng nên rửa, ngâm và gọt bỏ lớp vỏ ngoài dày hơn để hạn chế lượng hóa chất dư thừa đi vào cơ thể.

Có mặt tại chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội lúc 5h30, quang cảnh chợ đã vắng hẳn, một số xe ôm, xích lô, xe thồ đang hối hả bốc hàng lên xe đổ về các phố, chợ cóc. Chúng tôi được một chị chủ quầy trông khá xinh xắn và có vẻ dễ tính chào mời: “Em nhập sỉ hả? Chị nói tên cho em dễ gọi nhé, chị là Nga.

Ở đây quả gì chị cũng có. Quả xịn không ai bày hết ra ngoài em ạ, nó hỏng thì lỗ vốn, chị để ở phòng lạnh”. Vừa nói, chị bán hàng vừa chỉ tay vào phía trong: “Em thích lấy quả gì chị để rẻ cho!”. “Em muốn nhập ít nho, táo hàng đẹp, quả đặc sản vùng miền. Nho, táo hàng đẹp chị bán thế nào?”. “Nho hàng đẹp y chang nho Mỹ 1,5 triệu đồng/thùng 9kg; táo 1,1 triệu đồng/thùng 10kg”. “Đắt thế về em bán thế nào chị.

Ở trên mạng người ta rao bán lẻ phục vụ tại nhà là bằng giá chị bán buôn cho em rồi đấy”. “Hàng tuyển của chị đấy, em lấy hàng vài (loại 2) thì thấp hơn 4 giá, em trả bao nhiêu?”. “Hết giá chị bán bao nhiêu cả nho, táo, hoa quả vùng miền nữa kê hết ra giấy. Em với một đứa em nữa đi khảo giá, ai tìm được mối quả ngon, giá tốt thì sẽ nhập hàng ở đó”.

Trong lúc chờ chị chủ hàng kê giá, chúng tôi tỏ ý băn khoăn: “Na, chuối, ổi xanh lét thế này thì chờ bao giờ cho nó chín? Chờ đến lúc chín khéo nẫu đen hết cả vỏ”. “Mới đi buôn quả, không có kinh nghiệm là phải. Bây giờ lo gì quả xanh, quả non, có thuốc làm chín trái cây, lâu hỏng lại đẹp long lanh nhé. Em cứ nhập hàng đi chị mua thuốc, bày cách chấm cho”, chị bán hàng bật mí.

Tiếp đến, chúng tôi bắt chuyện với một chị chuyên buôn trái cây cách đó không xa. Tôi ngỏ ý muốn nhập một ít na, chuối, nhãn, ổi về bán cho sinh viên. Nhưng quả chị bán hơi xanh nên không ưng ý. Không ngờ chị chủ hàng cười tươi rói, chèo kéo: “Tưởng em chê gì chứ cái đó quá đơn giản. Bây giờ người ta còn vào tận vườn lấy quả xanh, thậm chí quả non ấy chứ. Quả ở đây đều được xử lý thuốc bảo quản, đảm bảo đẹp lâu, bền màu mà cũng lâu hỏng. Trông thì xanh thế nhưng em mang về đến nhà là quả đã lên màu chín đẹp rồi”.

Không thể tin những gì nghe được tại chợ Long Biên, chúng tôi lên cánh đồng ngoài bãi của huyện Đan Phương (Hà Nội) để tìm hiểu thực hư về chuyện này. Ông Nguyễn Văn Bình (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội) trồng nhiều loại cây ăn quả cho biết: “Quả bây giờ cứ to lên là cắt vào đem bán được. Chị nhập về bán ngay thì tôi xử lý cho chín ngay, còn muốn để bán dần thì tôi để cho lọ thuốc về mà chấm”.

“Chấm đất đèn ấy ạ?”, chúng tôi hỏi. Ông Bình cười ha hả xem như đắc ý lắm vì sự ngô nghê của chúng tôi, ông nói: “Đấy là chuyện trước đây thôi, làm chín các loại hoa quả thì phải dùng hương, đất đèn, lá xoan, chấm vôi vào cuống nhưng bây giờ có thuốc rồi. Thuốc này bán rẻ lắm, chỉ khoảng 25.000 - 30.000 đồng/lọ chấm vào cuống là quả chín ngay sau 12h, lại chống được thối, bền màu. Thậm chí với một số quả như na, chuối, dưa hấu chấm thuốc này còn tăng độ ngọt nữa đấy”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đây là loại thuốc bán trôi nổi trên thị trường, chỉ cần được chỉ chỗ và có người giới thiệu thì mua rất dễ. Một lọ giá khoảng 25.000 đồng là có thể chấm cho khoảng 2 tạ quả chín đẹp. Điều đáng nói là chúng tôi còn được ông Bình giới thiệu địa chỉ bán thuốc chín ép hoa quả ở quầy bán thuốc sâu cách chỗ ông không xa.

Anh Hà Tấn Minh (phố Hoa Bằng, Cầu Giấy, Hà Nội) còn thẳng thắn chia sẻ kinh nghiệm buôn bán hoa quả của mình, không mua được thuốc chấm quả thì có thể dùng thuốc sâu. Dưa hấu còn non, sau khi trảy về chỉ cần lấy nan hoa xe đạp chấm một ít thuốc sâu, sau đó tiêm vào thịt quả dưa với độ sâu khoảng 1,5- 2cm thì chỉ trong 10 tiếng quả dưa đó sẽ bóng vỏ, ruột chín đỏ đẹp, thậm chí còn tăng ngọt nữa. Khi chúng tôi tỏ ý băn khoăn cho sự an toàn của người sử dụng thì anh Minh tặc lưỡi: “Lượng thuốc sâu quá ít, không đủ độ để ngộ độc đâu nên bán cho  hàng xóm cũng cứ vô tư đi”.
 
Thuốc chín ép chứa chất độc


Anh Vũ Văn Tiến (giáo viên Hóa – Sinh, Trường ĐH Hồng Đức) cho biết: “Các loại thuốc ép quả chín nhanh thường có thành phần là ethrel, hoạt chất này cũng có trong đất đèn. Đây là một loại chất rất độc, hàm lượng cho phép sử dụng rất nhỏ. Ở nhiều nước trên thế giới, chất này đã bị cấm sử dụng trong việc chế biến, bảo quản trái cây. Nếu phun hoặc nhúng chất vào hoa quả này sẽ tạo ra dư lượng, dễ gây ngộ độc cho người ăn. Nguy hiểm hơn, ethrel tác dụng với thành phần nitơrat trong quả sẽ tạo ra chất etylenglycol dinitrat - một chất rất độc, hàm lượng cho phép là dưới 0,3mg/m3- trong khi người chấm thuốc thì chỉ cốt cho quả chín mà không hề biết đến hàm lượng này”.

Theo ông Lê Quốc Tuấn (Bộ môn độc chất môi trường, Trường ĐH Nông lâm TPHCM), ethrel không phải là một chất “cực độc” hay “cực nguy hiểm” nhưng lại có những độc tính nhất định. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy liều gây chết dùng qua đường ăn uống là LD50 > 2.000mg/kg. Nghĩa là với liều lượng ethrel 2.000mg/kg có thể tiêu diệt 50% các loài động vật thử nghiệm trong một thời gian nhất định (thường là 4 giờ). Ethren rất có hại đối với da và mắt, rất dễ kích ứng làm đỏ mắt, xót mắt, ăn mòn da, gây sưng, đỏ da.

Theo Mai Hạnh (GiadinhNet)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ