Kinh hoàng đồ ăn vặt ngoài cổng trường ở Quảng Ninh

GD&TĐ - Vào các khung giờ trước khi vào lớp và tan học, có thể bắt gặp từng tốp học sinh ở TP Hạ Long tụ tập tại các quán ăn vặt xung quanh cổng trường.

Chân gà ướp cay, xúc xích ăn liền, kẹo có vỏ đựng là chữ Trung Quốc, không tem phụ tiếng Việt. Ảnh: Huyền Trang.
Chân gà ướp cay, xúc xích ăn liền, kẹo có vỏ đựng là chữ Trung Quốc, không tem phụ tiếng Việt. Ảnh: Huyền Trang.

Xúc xích ăn liền, bò khô tẩm ướp vàng ruộm, chân gà, đùi gà cay, các loại kẹo… được đựng trong bao bì có chữ Trung Quốc, không tem phụ tiếng Việt, không nguồn gốc xuất xứ được bày bán công khai ngoài cổng trường học ở TP Hạ Long (Quảng Ninh).

Kẹo, chân gà được bán trong vỏ có chữ Trung Quốc

Vào các khung giờ trước khi vào lớp và lúc tan học, không khó để bắt gặp từng tốp học sinh ở TP Hạ Long tụ tập tại các quán ăn vặt xung quanh cổng trường.

Khu vực tập trung nhiều quán ăn vặt nhất là các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hà Trung, Hà Tu… Chủ yếu tập trung ở những trường Mầm non, Tiểu học và THCS.

Theo ghi nhận tại khu vực trước cổng Trường TH&THCS Hà Trung và Trường Mầm non Hà Trung có đến gần 10 quán bán đồ ăn vặt, mỗi quán cách nhau vài mét. Tại đây các đồ ăn vặt được bày bán la liệt.

Hầu hết các quán bán đồ ăn vặt quanh cổng trường đều được bán tại nhà gần trường, người dân tận dụng sẵn mặt bằng bày bán, chỉ số ít là các sạp di động bán chốc lát vào các khung giờ cao điểm.

Trong số các mặt hàng được bán vẫn xuất hiện nhiều mặt hàng “lạ” như: Các loại kẹo với nhiều màu sắc có giá từ 1.000 - 3.000 đồng/túi nhỏ, xúc xích ăn liền loại 1 cây dài và loại bi 5 cái nhỏ 5.000 đồng/túi, thịt bò 8.000 đồng/gói, cánh gà đùi gà 10.000 đồng/túi...

Đây đều là những đồ ăn được đựng trong túi có chữ Trung Quốc, không tem phụ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ, mập mờ hạn sử dụng và được bán với giá rất rẻ.

Quán của chị Y (29 tuổi) nằm trước cổng Trường TH&THCS Hà Trung rộng khoảng hơn 5m2, được ốp tạm mái tôn dựa hẳn vào tường của trường, nhưng bày bán đủ các mặt hàng trên sạp. Đây được coi là nơi bán nhiều sản phẩm có vỏ chữ Trung Quốc nhất, với đa dạng chủng loại từ các loại chân gà, xúc xích, thịt khô ướp, sặc sỡ màu sắc.

Thấy có người lạ mua nhiều đồ ăn vặt Trung Quốc và chụp ảnh, chị Y bắt đầu lo sợ là cơ quan chức năng kiểm tra liền nói: “Chỉ bán kiếm sống qua ngày, nếu không được phép thì sẽ không bán nữa”.

Bà N, người có thâm niên hơn 10 năm bán đồ ăn vặt trước cổng Trường Mầm non Hà Trung cho biết, đa phần đồ ăn vặt ở đây lấy từ mối hàng của một người tên T ở phường Yết Kiêu (TP Hạ Long).

Bà N cũng không rõ là xe công ty hay của hãng gì vì họ giao đủ các loại hàng từ xúc xích, viên chiên, đến các loại quà vặt ăn liền đóng túi. Hàng tuần sẽ có xe ô tô tự giao hàng đến, muốn lấy số lượng bao nhiêu cũng được.

Trong vai một người có nhu cầu nhập hàng mở quán ăn vặt, phóng viên đã liên hệ với chị T và được biết, chị này cung cấp hàng ăn vặt cho phần lớn các quán gần cổng trường ở TP Hạ Long.

Chị T khẳng định, hàng Việt Nam sẽ có đủ hóa đơn chứng từ. Nhưng khi được hỏi đến hàng có vỏ đựng bằng chữ Trung Quốc, chị T lảng tránh rồi cúp máy.

Tương tự, tại khu Bãi Muối, phường Cao Thắng - nơi tập trung Trường Tiểu học Cao Thắng và THCS Cao Thắng, có đến 7 quán bán đồ ăn vặt nằm cạnh nhau.

Một học sinh lớp 7 Trường THCS Cao Thắng cho biết, thích ăn nhất chân gà ướp cay vì vàng ruộm trông hấp dẫn, tẩm nhiều gia vị rất thơm, dai mà giòn sần sật. Không biết sản xuất ở đâu, thỉnh thoảng ăn vào đau bụng nhưng nghĩ đó là bị “lạnh”.

Một học sinh khác vừa đi vừa ăn thịt bò ướp rối, bóc vỏ ra nhơm nhớp gia vị với thứ nước vàng sánh như dính mỡ đông, mùi hắc lan ra xung quanh nhưng miệng vẫn xuýt xoa, biểu cảm vô cùng thích thú.

Một chủ quán trước cổng Trường THCS Hà Tu cho biết, một ngày có khoảng 100 lượt học sinh THCS vào mua, ở đây học sinh không quan tâm đến thương hiệu sản phẩm hay tem mác sản xuất, chỉ cần rẻ và ngon là mua hết.

“Một tuần xe chở cho chị 2 lần, đầy đủ các loại hàng. Giá cả là quan trọng nhất, chỉ cần đắt hơn 1.000 là học sinh sang luôn quán khác, không quay lại. Biết là rẻ thì chất lượng cũng cần xem lại, nhưng học sinh không mua quán này thì mua quán khác”, người này nói.

Sau khi ghi nhận thực tế, phóng viên đã thực hiện một thí nghiệm nhỏ với các loại kẹo được đựng trong vỏ có chữ Trung Quốc.

Khi cho vào một cốc chứa nước, sẽ thấy màu kẹo phai ra làm biến đổi màu nước, sủi bọt và nổi men váng đầy trên thành cốc.

Đồ ăn vặt được bày bán trước cổng Trường Mầm non Hà Trung. Ảnh: Huyền Trang.

Đồ ăn vặt được bày bán trước cổng Trường Mầm non Hà Trung. Ảnh: Huyền Trang.

Kinh hoàng đồ ăn vặt ngoài cổng trường ở Quảng Ninh ảnh 2

Đồ ăn vặt được bày bán trước cổng Trường TH&THCS Hà Trung. Ảnh: Huyền Trang.

Nhiều học sinh đau đầu, buồn nôn sau khi ăn kẹo lạ

Khoảng 10 giờ ngày 25/11, Phòng Y tế huyện Vân Đồn nhận tin báo tại Trường THCS thị trấn Cái Rồng xảy ra sự việc nhiều em học sinh lớp 8 có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tức ngực, khó thở sau khi ăn kẹo mua ở cửa hàng tạp hóa ngoài cổng trường.

Phòng Y tế cùng Trung tâm Y tế huyện, UBND thị trấn Cái Rồng đã xuống trường THCS Thị trấn Cái Rồng tiến hành điều tra, giám sát vụ việc.

Qua thống kê ban đầu cho thấy, đã có 126 học sinh của trường (chủ yếu khối 8 và 9) đã sử dụng loại kẹo vỏ màu xanh biển, nhãn mác Haiyan cùng dòng chữ Trung Quốc, không có tem phụ tiếng Việt.

Trong số này, có 5 học sinh xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tức ngực, khó thở, tê môi và được đưa đến Trung tâm Y tế huyện theo dõi, điều trị.

Đến ngày 27/11, tình trạng trên lại xuất hiện ở huyện Bình Liêu, khi 29 học sinh của Trường THCS&THPT Hoành Mô có biểu hiện đau đầu, đau bụng, buồn nôn sau khi ăn kẹo lạ mua tại khu vực cổng trường.

Ngày 1/12, Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, đã có văn bản chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường có cấp học THPT và các cơ sở GDTX tăng cường đảm bảo sức khỏe cho học sinh sau khi liên tiếp ghi nhận nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do ăn kẹo lạ.

Sở GD&ĐT Quảng Ninh yêu cầu các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh việc tuyên truyền phụ huynh quán triệt học sinh không mua đồ ăn vặt không có nguồn gốc xuất xứ. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh quanh khu vực cổng trường nếu bày bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Vỏ túi kẹo học sinh Trường THCS thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn mua ngoài cổng trường hôm 25/11, toàn chữ Trung Quốc và không có tem phụ tiếng Việt. Ảnh: B.M.

Vỏ túi kẹo học sinh Trường THCS thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn mua ngoài cổng trường hôm 25/11, toàn chữ Trung Quốc và không có tem phụ tiếng Việt. Ảnh: B.M.

Sở GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh phát hiện các cơ sở kinh doanh quanh khu vực cổng trường kinh doanh sản phẩm, thực phẩm không nguồn gốc, báo ngay cho chính quyền địa phương.

Đối với các đơn vị có học sinh bị ngộ độc do ăn kẹo không có nguồn gốc xuất xứ phối hợp với ngành y tế, gia đình để theo dõi diễn biến, tình hình sức khỏe của các em, phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ nguyên nhân.

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Đình Hưng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh cho biết, sau khi xảy ra sự việc trên, cục đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị kiểm tra các khu vực trường học trên toàn tỉnh.

“Một số địa phương như Đông Triều, Hạ Long, Cô Tô đã phát hiện tịch thu, tiêu hủy một số bánh kẹo không nguồn gốc xuất xứ. Hiện các đơn vị vẫn đang tiếp tục kiểm tra”, ông Hưng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.