Kiến nghị hợp nhất quản lý nhà nước về TCCN và dạy nghề

Kiến nghị hợp nhất quản lý nhà nước về TCCN và dạy nghề

(GD&TĐ) - Sáng 8/5, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã làm việc với Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính và Ban Bí thư TƯ Đoàn kết quả thực hiện kiến nghị của Ủy ban sau các giám sát chuyên đề về thanh niên và trẻ em các năm 2008, 2009 và 2010.

Đưa môn bơi vào các trường phổ thông

Thay mặt Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Trần Quang Quý đã trình bày những kết quả thực hiện các kiến nghị trên. Nội dung báo cáo tập trung vào ba tâm liên quan đến các chính sách pháp luật với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em; chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng các cơ sở văn hoá, vui chơi, giải trí cho trẻ em và chính sách, pháp luật về dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý tại buổi làm việc
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý tại buổi làm việc

Theo Thứ trưởng Trần Quang Quý, trong những năm qua Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia giảng dạy tại các trường, lớp, nhóm trẻ chuyên biệt, trường lớp, nhóm trẻ hòa nhập có hoàn cảnh đặc biệt nói chung và cho trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em khuyết tật nói riêng. Xây dựng Đề án thí điểm dạy bơi cho trẻ em, tiến tới đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông, đưa môn bơi là môn học tự chọn trong chương trình giáo dục thể chất.

Đáng lưu ý, bên cạnh những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, hướng nghiệp trong các trường phổ thông, trong công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên, Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng đưa ra những phân tích, kiến nghị hợp nhất chức năng quản lý nhà nước về trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề giữa Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ - TB - XH để công tác này hiệu quả hơn, đặc biệt là trong quy hoạch mạng lưới các nhà trường.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thị Minh yêu cầu: Để việc thực hiện chính sách, và pháp luật liên quan đến thanh niên và trẻ em tốt hơn, sâu hơn, hiệu quả hơn các Bộ, ngành  GD&ĐT, Bộ Tài chính, TƯ Đoàn  cần bổ sung, phân tích rõ hơn các kiến nghị, đề xuất thuộc nhiệm vụ, chức năng của mình,  phối hợp thực hiện hiệu quả hơn, đánh giá nghiêm túc những việc đã làm được, chưa làm được, những mục tiêu mong muốn đạt được... Qua đó, Uỷ ban có căn cứ sát thực để đẩy mạnh công tác  kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện ở các địa phương và trình Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu, quyền lợi của trẻ em và thanh niên.

Bất bình đằng trong hấp thụ văn hóa

Cũng liên quan đến nội dung này, chiều 7/5, Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ VH - TT - DL, Bộ KH - ĐT.

Sau khi nhận được kiến nghị, Bộ VH - TT - DL đã rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em với 8 văn bản được ban hành; đang xây dựng dự thảo quyết định về chính sách hỗ trợ một số loại hình cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em giai đoạn 2013 - 2020. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở đều dành 30% thời lượng hoạt động phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho trẻ em. Bộ cũng đang phối hợp với một số địa phương như: Lai Châu, Đắk Nông, Đắk Lắk xây dựng thí điểm một số điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư nơi vui chơi, giải trí cho trẻ em còn thấp so với nhu cầu; chưa giải quyết được tình trạng bất bình đẳng trong hưởng thụ văn hóa giữa trẻ em đô thị và nông thôn…

Thời gian qua cũng đã lồng ghép được một số chỉ tiêu phản ánh các khía cạnh cơ bản liên quan đến sự sống còn và phát triển của trẻ em, bao gồm các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vệ sinh môi trường và nhà ở… vào kế hoạch phát triển KT - XH của quốc gia. Tại Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29.5.2012 phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã quy định nguồn ngân sách nhà nước là quan trọng trong các nguồn lực phát triển dạy nghề, nâng tỷ lệ chi cho dạy nghề trong tổng chi từ ngân sách nhà nước cho giáo dục lên 12 - 13%; Nhà nước có chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, thuế đối với cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và dạy nghề, các nội dung liên quan đến dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên cũng đã được quan tâm. Đối tượng chính trong Dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và dạy nghề là lao động trẻ được hỗ trợ để đào tạo để chuyển đổi nghề, tạo việc làm và tự phát triển doanh nghiệp.

                                Kỳ Vũ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ