Trường THCS Nguyễn Tất Thành (thành phố Hưng Yên) được đầu tư khang trang |
Tranh thủ từ các nguồn đầu tư, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, các trường học trên địa bàn đang từng bước được kiên cố hóa, hiện đại hóa. Việc đẩy mạnh tiến độ kiên cố hóa trường, lớp học tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động dạy và học, góp phần tích cực để nâng cao chất lượng giáo dục.
Trường THCS Thủ Sỹ (Tiên Lữ) có khuôn viên rộng rãi, qui hoạch các phòng học, phòng làm việc hợp lý với 3 dãy nhà kiên cố cao tầng, tạo nên cảnh quan sư phạm khang trang, sạch đẹp. Nhà trường hiện có 20 phòng học kiên cố cao tầng, trong đó khá đầy đủ phòng học chức năng, thiết bị dạy học. Để có được cơ ngơi này là do sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận đóng góp của nhân dân địa phương đầu tư xây dựng trường.
Với nguồn vốn được thụ hưởng từ Đề án kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2008 - 2012 từ nguồn trái phiếu Chính phủ, cùng với vốn đối ứng của tỉnh, của huyện và xã, trường được đầu tư xây mới 10 phòng học kiên cố cao tầng. Đây là niềm mong mỏi không chỉ của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh mà còn là niềm vui chung của đông đảo nhân dân trong xã.
Trường lớp kiên cố khang trang không chỉ tạo tâm lý yên tâm về ngôi trường an toàn mỗi khi thời tiết mưa bão mà còn tạo tâm thế phấn khởi để thầy và trò nâng cao chất lượng giáo dục. Tháng 6.2012 Trường THCS Thủ Sỹ vinh dự được đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 - 2015.
Trường THCS Thủ Sỹ là một trong số hàng trăm trường học trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa. Những năm qua, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đầu tư cho giáo dục - đào tạo, trong đó có hoạt động tăng cường cơ sở vật chất cho các trường, xây dựng các phòng học kiên cố cao tầng. Việc xây dựng trường học vận dụng theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", tỉnh ta đã tranh thủ được các nguồn vốn đầu tư của nước ngoài như Tổ chức Tầm nhìn thế giới, nguồn vốn trong nước như Đề án Kiên cố hóa trường lớp học... để xây dựng, nâng cấp phòng học cho các bậc học.
Ngoài ra, từ nguồn ngân sách, từ sự đóng góp của nhân dân, nhiều phòng học được đầu tư xây dựng khang trang, vững chãi. Đến nay, toàn tỉnh có 8.558 phòng học, trong đó có 7.140 phòng học kiên cố cao tầng, chiếm tỷ lệ 83,4%. Trong đó, tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng ở bậc mầm non đạt 68,7%, ở bậc tiểu học đạt 88,2%, ở bậc THCS đạt 91,2%, ở bậc THPT đạt 89,1%, GDTX đạt 73,7%, ở các trung tâm KTTH - HN đạt 88,1%. Chỉ tính riêng trong học kỳ I năm học 2012 - 2013 có 424 phòng học được xây mới.
Việc đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa trường, lớp học thời gian qua phải kể đến hiệu quả của việc thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Thực hiện đề án giai đoạn 2008 - 2012, tỉnh ta có kế hoạch xây dựng 3102 phòng học với tổng vốn đầu tư 474 tỷ 560 triệu đồng, cụ thể: Vốn từ trái phiếu Chính phủ 320 tỷ 560 triệu đồng, chiếm 67,5%, vốn từ ngân sách địa phương 154 tỷ đồng, chiếm 32,5%.
Lớp học được xây dựng kiên cố theo tiêu chuẩn, quy phạm xây dựng trên cơ sở tham khảo thiết kế mẫu của Bộ Xây dựng. Quá trình thực hiện được nhiều địa phương gắn với việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Điển hình là ở thành phố Hưng Yên, các phòng học khi xây mới đều được thiết kế xây dựng theo hướng đạt chuẩn. Ông Lâm Đức Thuấn, Trưởng Ban Quản lý Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng thành phố Hưng Yên cho biết: "So với tổng mức đầu tư ở các trường học, tiền hỗ trợ từ đề án khoảng 30%, thành phố bố trí nguồn vốn đối ứng khoảng 70%. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ xây dựng là 154 triệu đồng/phòng học.
Thực tế hiện nay suất đầu tư xây dựng ở thành phố là khoảng 500 - 550 triệu đồng/phòng đối với bậc tiểu học và trung học cơ sở; 600 - 650 triệu đồng/phòng đối với bậc mầm non. Qua 5 năm thực hiện đề án, thành phố có khoảng 150 phòng học được đầu tư xây mới. Kết quả này thể hiện sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, mang lại diện mạo mới, cải thiện điều kiện giảng dạy, học tập cho nhiều trường học của thành phố".
Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự tranh thủ nguồn lực đầu tư, nhiều trường học được xây dựng mới, bảo đảm khang trang, thoáng mát, cảnh quan sư phạm xanh, sạch, đẹp, thân thiện với học sinh, phù hợp với các tiêu chuẩn mới về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; tạo cơ hội bình đẳng về quyền hưởng lợi trong giáo dục, góp phần làm giảm dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Đây là điều kiện quan trọng để giáo viên yên tâm, tích cực công tác, học sinh hào hứng học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Ở Trường THPT Ân Thi, tất cả 35 phòng học được xây dựng kiên cố cao tầng, có 6 phòng học chức năng, với cảnh quan sư phạm xanh - sạch - đẹp, thuận lợi cho các hoạt động dạy và học. Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng trường trên 23 tỷ đồng theo hình thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Thầy giáo Nguyễn Đức Thắng, Hiệu trưởng nhà trường vui vẻ kể: "Cơ sở vật chất khang trang khiến tinh thần giáo viên và học sinh phấn khởi, yêu trường, yêu lớp hơn. Đó là điều kiện quan trọng để xây dựng "Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò" theo lời căn dặn của Bác Hồ. Nhà trường đã phát huy hiệu quả việc tăng cường cơ sở vật chất đối với hoạt động dạy và học nên chất lượng giáo dục có chuyển biến tốt".
Tuy nhiên, bên cạnh số phòng học đã và đang được xây dựng kiên cố thì hiện nay trong tỉnh vẫn còn 16,6% số phòng học cấp IV, trong đó phần nhiều là phòng học đã cũ nát, xập xệ. Những phòng học này thường tập trung ở những địa phương nghèo, nên nếu không được sự quan tâm của cấp trên thì càng khó khăn để cải thiện chất lượng phòng học.
Việc triển khai Đề án kiên cố hóa trường, lớp học từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ xây dựng 1 phòng học thấp (theo mức 154 triệu đồng/phòng học), lại chưa có điều chỉnh, trong khi giá cả nói chung, vật liệu xây dựng nói riêng tăng cao, nên các địa phương trong diện được thực hiện đề án vốn đã khó khăn lại càng gặp khó khăn vì không bố trí được vốn đối ứng... Do đó tiến độ kiên cố hóa trường, lớp học còn chậm.
Thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học là tạo nguồn lực cần thiết để nâng cao chất lượng sự nghiệp "trồng người". Đây là điều kiện quan trọng không chỉ phục vụ hoạt động dạy và học mà còn bảo đảm sự an toàn, sức khỏe của đội ngũ giáo viên và học sinh. Đồng thời, các nhà trường cần biết giữ gìn trường lớp khang trang, sạch sẽ, phát huy tốt cơ sở vật chất đối với hoạt động giảng dạy và học tập.
Minh Nghĩa