Kiểm toán Nhà nước chưa được đề cao

Kiểm toán Nhà nước chưa được đề cao

Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đa số ý kiến đại biểu đều đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội từ kỳ họp trước một cách công phu, rõ ràng.

Những nội dung được chỉnh sửa phù hợp với thực tế của đất nước, kể cả sự phát triển của các tổ chức tín dụng hiện tại và hướng đang phát triển trong tương lai. Chúng cũng phù hợp với thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã cam kết và thực hiện. Những nội dung được chỉnh sửa chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tự chủ, năng động hơn trong kinh doanh và quản trị; tạo điều kiện cho NHNN kiểm soát và quản lý, giám sát các hoạt động của các tổ chức tín dụng chặt hơn và hiệu quả hơn.

Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm (đoàn Thái Bình) nhận định: Luật vẫn còn mắc lỗi chung của làm luật: Chỉ định hướng, cần văn bản hướng dẫn thêm. “Phạm vi, đối tượng là các tổ chức tín dụng là tốt, nhưng có một số đối tượng không phải là ngân hàng nhưng có hoạt động ngân hàng hoặc có hoạt động liên quan đến chính sách tiền tệ nhưng chưa được luật kiểm soát, có thể gây ra những ảnh hưởng không lành mạnh tới thị trường tiền tệ chúng ta. Thứ hai, dự thảo luật lần này có hai điểm mới: Điểm 41 là thành lập bộ phận kiểm toán trong các tổ chức tín dụng. Đây là điều cần thiết. Luật mới cũng đã quy định quyền hạn, nội dung hoạt động nhưng chưa quy định trách nhiệm của tổ chức này. Vì đây là một tổ chức mới, chúng ta chưa có tiền lệ, kinh nghiệm. Thứ ba, hiện còn một số vấn đề cần cụ thể để đảm bảo các ngân hàng hoạt động ngay thì lại đang cần hướng dẫn: Như hạn chế cổ đông, giới hạn cấp tín dụng đối với ngân hàng nước ngoài, ngân hàng mua cổ phần của nhau” – đại biểu Cao Sĩ Kiêm nhận xét.

Kiểm toán Nhà nước chưa được đề cao ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm để nghị Chính phủ, NHNN cần khẩn trưởng hoàn thiện thông tư hướng dẫn ngay khi Luật có hiệu lực.

Đại biểu Kiêm cũng đề nghị, kèm theo Luật mới, ngay từ bây giờ, Chính phủ, NHNN cần khẩn trương soạn thảo văn bản, thông tư hướng dẫn trước khi lluật này có hiệu lực thi hành (1/1/2011) để khi Luật đi vào cuộc sống nhanh. Nếu không, hiệu lực triển khai kém, thứ hai là các ngân hàng phạm luật ngay khi thực hiện.

Còn theo đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên), tự do hóa lãi suất và bỏ trần lãi suất ở điều 91 là những điều dăm năm nay làm tốn rất nhiều giấy mực, nhiều ý kiến khác nhau rất nhiều. Liên quan đến nhiều luật: Luật tố tụng dân sự, Luật hình sự, Luật Dân sự, Luật NHNN, Luật các tổ chức tín dụng…

Đại biểu Quốc hội Lê Văn Nhã (đoàn Phú Yên) cho rằng: kiểm soát cổ đông cá nhân, tổ chức: quy định 15%, tôi bắt đầu lo vì sang năm, vốn điều lệ của một ngân hàng là 3.000 tỷ, nếu ta vẫn giữ mức 10% cũng đã là 300 tỷ, là cao rồi.

Về kiểm toán độc lập, đây là điều quan trọng, tuy nhiên, chúng ta lại xem nhẹ vai trò của Kiểm toán Nhà nước. Từ khi Kiểm toán Nhà nước ra đời, hai ngân hàng chính sách là do Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hàng năm. Đây là công cụ quan trọng để Chính phủ, Quốc hội cấp kinh phí ngân sách nhà nước hàng năm cho hai ngân hàng này. Hiện không ít ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, cần Kiểm toán Nhà nước vào cuộc nhưng trong luật không có câu nào đề cập đến vai trò của Kiểm toán Nhà nước. Đề nghị, thay Điểu 17 bằng: kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập và Kiểm toán Nhà nước.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ