Kỉ niệm 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Điện Biên thời không còn “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”

Kỉ niệm 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Điện Biên thời không còn “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”

Mốc son chói lọi trong lịch sử

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hơn 65 năm về trước, Điện Biên Phủ là trung tâm đề kháng, “một pháo đài bất khả xâm phạm” của thực dân Pháp. 

Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, sau khi thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh, quân ta quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở màn cuộc tấn công đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 3 đợt tiến công, quân ta lần lượt tiêu diệt và chiếm các cụm cứ điểm lớn của địch. Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, chiều 7/5, quân ta đánh vào sở chỉ huy địch. 

17 giờ 30 phút ngày 7/5, tướng De Castries, Chỉ huy trưởng cùng toàn bộ Ban tham mưu của địch đầu hàng và bị bắt sống.

Đây có thể coi là bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954). Buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Ánh mắt xa xăm ngẫm về ngày tháng oai hùng tại vùng đất thiêng lịch sử, ông Nguyễn Hữu Chấp năm nay đã 89 tuổi sống tại tổ 11, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ nhớ lại những ký ức của mình và đồng đội trong 56 ngày đêm gian khổ, hào hùng và oanh liệt.

Ông Chấp từng là Khẩu đội trưởng Khẩu đội cối 82. Nhiệm vụ quan trọng tham gia trong trận đánh mở màn là cứ điểm Him Lam của chiến dịch Điện Biên Phủ. Với quyết tâm đánh trận đầu chỉ được thắng, không thể thua, cả Khẩu đội cối 82 của ông viết tâm thư, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến tận nơi động viên và giao nhiệm vụ.

Khoảnh khắc đáng nhớ nhất ấy là vào ngày 13/3/1954, Khẩu đội cối 82 của ông, cùng pháo ta tập trung bắn vào trung tâm đề kháng Him Lam. Sau hơn 5 giờ chiến đấu quyết liệt, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên cứ điểm 3. 

Đến 22 giờ 30 phút, cứ điểm 2 cũng nằm dưới sự khống chế của ta. 23 giờ 30 phút, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam. Ta đã tiêu diệt gần 300 tên địch, bắt sống 200 tù binh, thu toàn bộ vũ khí, trang bị.

Cùng với chiến thắng Him Lam, chiến thắng Đồi Độc Lập đã đẩy địch vào thế bị động, buộc phải ra hàng, mở ra cục diện và thế trận mới có lợi cho ta. Nó tạo khí thế và quyết tâm cho các đơn vị trên toàn mặt trận tiếp tục tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và giành thắng lợi hoàn toàn.

Có thể nói, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước, ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, son sắt của quân và dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Điểm sáng nơi cực Tây Tổ quốc

Sau giải phóng Điện Biên, nhân dân đoàn kết, hàn gắn vết thương chiến tranh, thi đua phát triển sản xuất. Các trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi... dần được xây dựng phục vụ đời sống nhân dân. Hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội bị bài trừ. Cuộc sống mới của nhân dân đã hồi sinh và từng bước cải thiện trên chính mảnh đất bị bom đạn cày xới năm xưa.

Sau chiến thắng Đồi Độc Lập năm xưa, nay xã Thanh Nưa đã thay da đổi thịt. Người dân tập trung xây dựng đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần. Theo ông Khiếu Đình Chất, thôn trưởng thôn Độc Lập, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên), thôn Độc Lập có gần 150 hộ, trong đó chỉ còn

4 hộ nghèo. Trong thôn, bà con không chỉ làm ruộng, làm nương mà đã có nhiều hộ phát triển mô hình kinh tế làm giàu hiệu quả từ vườn – ao – chuồng hay hoạt động kinh doanh buôn bán.

Theo bà Lò Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên), Thanh Nưa là xã biên giới có đường biên giáp với Lào. Hiện toàn xã có hơn 1.000 hộ với hơn 4.000 nhân khẩu, trong đó hộ nghèo còn hơn 8%; người lao động có việc làm đạt trên 95%.

Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực (lúa, ngô, khoai lang) của xã Thanh Nưa hơn 900 ha. Ngoài ra, người dân trong xã cũng đã trồng, phát triển cây công nghiệp (cao su) và cây ăn quả các loại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mặt giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục đều thuận tiện.

Không thể vắng mặt trong sự phát triển của tỉnh Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ cũng đang từng bước phát triển mạnh mẽ, đổi mới từng ngày, trở thành một thành phố trẻ năng động, phát triển và giành được nhiều thành tựu.

Chia sẻ về kế hoạch phát triển, ông Lê Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khẳng định, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 đã thực hiện những bước đột phá với mong muốn sớm đưa địa phương sánh kịp với các tỉnh trung bình khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Mục tiêu xây dựng thị xã Mường Lay trở thành thị xã Văn hóa - Du lịch giai đoạn 2015 - 2020 và trở thành đô thị loại III vào năm 2025. Cùng với đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của tỉnh.

Ngoài ra, Điện Biên còn xây dựng đội ngũ doanh nhân, chuyên gia, quản trị doanh nghiệp, có năng lực tổ chức sản xuất, kinh doanh thích ứng với cơ chế thị trường.

Từ mảnh đất chịu nhiều vết thương chiến tranh, trải qua 66 năm, Điện Biên ngày nay đã chuyển mình mạnh mẽ với diện mạo mới. Điện Biên vẫn đang không ngừng nỗ lực để xây dựng đất thiêng lịch sử càng no ấm, xứng đáng với những gì ông cha đã hy sinh để bảo vệ mảnh đất hào hùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.