Khủng bố ở Nairobi: Bước khởi đầu của cuộc chiến mới ở châu Phi?

Khủng bố ở Nairobi: Bước khởi đầu của cuộc chiến mới ở châu Phi?

(GD&TĐ) - Ngày 24/9, Chính phủ Kenya khẳng định họ đã kiểm soát hoàn toàn trung tâm thương mại Westgate ở thủ đô Nairobi, kết thúc 4 ngày cận chiến cân não giữa quân chính phủ và bọn khủng bố thuộc nhóm “Al-Shabab” thân Al-Qaeda.

Theo thông tin mới nhất, vụ khủng bố đã cướp đi sinh mạng của 67 người (61 dân thường, 6 cảnh sát); 5 tên khủng bố bị giết, 11 bị bắt. Theo các nhà phân tích, điều quan trọng là vụ tấn công trung tâm thương mại Westgate đã mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống khủng bố không kém phần khốc liệt ở châu Phi.

Vụ tấn công trung tâm thương mại Westgate hôm 21/9 không phải là cuộc tấn công khủng bố đầu tiên ở Kenya trong vài năm gần đây. Từ năm 2011, trên lãnh thổ Kenya đã hứng chịu hết cuộc tấn công khủng bố này đến cuộc tấn công khủng bố khác.

Có điều, xét về quy mô, chưa cuộc tấn công khủng bố nào lớn như ở Nairobi vừa qua. Giờ đây, những gì diễn ra tại trung tâm thương mại Westgate không còn là vấn đề quá quan trọng. Những người chết không thể sống lại. Quan trọng ở chỗ phải lý giải đến tận cùng rằng tại sao nhóm Al-Shabab ở Somali lại tấn công Kenya và tương lai của khu vực Sừng châu Phi sẽ ra sao?

Đặc nhiệm Kenya tấn công bọn khủng bố Al-Shabab tại trung tâm thương mại Wesstgate (Nairobi)
Đặc nhiệm Kenya tấn công bọn khủng bố Al-Shabab tại trung tâm thương mại Wesstgate (Nairobi)
 

 “Con đường” của tuổi trẻ

Có thể nói, những Salafist là sứ giả mẫu mực của Al-Qaeda ở khu vực Sừng châu Phi, nhưng rất tiếc, nguyên nhân chính dẫn đến sự lớn mạnh của Al-Shabab không phải từ điều này mà do những bất cẩn, các nhà lãnh đạo Ethiopia vô tình đã “trải thảm đỏ” cho họ. Sau thế kỷ hỗn loạn đẫm máu ở Somali, các tổ chức khủng bố hoạt động tinh vi hơn, chúng núp bóng dưới các tổ chức phi chính phủ để dễ bề hoạt động.

Từ đầu những năm 2000, cái gọi là “Liên minh các toà án Hồi giáo” đã tập hợp các thủ lĩnh và băng đảng thành một tổ chức thống nhất. Sau khi tổ chức này tan rã, “Al-Shabab” đã nhanh chóng hợp nhất các nhóm Hồi giáo cực đoan xung quanh mình.

Theo lời Ngoại trưởng Kenya Amina Mohamed thì những người tấn công trung tâm thương mại ở Nairobi, về nguyên tắc, nếu may mắn có thể phát triển thành một tiểu bang mới thuộc Somali. Nói tóm lại, các thủ lĩnh Hồi giáo ở các nước như Somali, Ethiopia hay Kenya đều muốn thay đổi trật tự xã hội vốn có như hiện nay. Những ý tưởng ấy đã được nung nấu từ lâu và là khởi nguồn cho cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng mang màu sắc tôn giáo mới ở châu Phi.

Theo các nhà phân tích, nguyên nhân cơ bản dẫn đến loạn lạc ở châu Phi chính là sự yếu kém của chính quyền trung ương các nước trong khu vực. Ở Kenya tình hình có vẻ khá hơn. Tuy nhiên, dù được Mỹ ủng hộ từ công tác tình báo đến những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, nhưng chính quyền Kenya cũng không lay chuyển được tình thế.

Và điều phải đến, đã đến

Cuộc khủng bố ở Nairobi là sứ mệnh lớn lao của Al-Shaba Kenya nhằm trả đũa cho việc chính phủ nước này cùng Washington tiến hành “làm cỏ” các cơ sở của các nhóm Hồi giáo cực đoan ở miền Nam Somali vào năm ngoái.

Theo các nhà phân tích, tình hình chính trị-quân sự ở vùng Sừng châu Phi vào thời điểm hiện tại là hết sức phức tạp. Sau khi bị tấn công dữ dội ở Trung Đông và Bắc Phi, các thành viên ưu tú của tổ chức Al-Qaeda đã dạt về khu vực Sừng châu Phi xây dựng căn cứ chờ thời cơ tiến hành thánh chiến. Họ tận dụng xung đột giữa các sắc tộc hay bộ lạc ở khu vực này để tăng cường ảnh hưởng và triển khai chiến tranh du kích với quy mô lớn nhằm chống lại các chế độ thế tục ở châu Phi.

Sự kiện gần đây ở Mali là một ví dụ. Chiến dịch “làm cỏ” các tổ chức Hồi giáo cực đoan của Mỹ và chính quyền sở tại chẳng khác gì hình tượng người khổng lồ đấm vào không khí. Số là liên quân sử dụng tất cả các loại vũ khí tối tân chỉ để đánh vào “vườn không, nhà trống”. Các tổ chức Hồi giáo cực đoan rút vào chiến tranh du kích, tăng cường khủng bố. Và vụ tấn công trung tâm thương mại Westgate ở Nairobi vừa qua là ví dụ sinh động.

Theo các nhà phân tích thì Al-Shabab đã thực sự là “Al-Qaeda” ở khu vực Sừng châu phi. Họ sống chung với các bộ lạc địa phương và tích cực liên hệ với các nhóm khủng bố trên toàn thế giới. Bằng chứng là trong cuộc khủng bố ở Nairobi có 3 người Mỹ, 1 người Anh trực tiếp tham gia. Chính vì vậy, việc trung tâm thương mại Wesstgate bị phiến quân Somali tấn công cũng là lẽ bình thường. Châu Phi đang trong giai đoạn hết sức khó khăn trước những đe doạ chiến tranh từ chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Nhóm Hồi giáo cực đoan “Al-Shabab” (Phong trào Mujahideen trẻ) có liên kết chặt chẽ với tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda, có trụ sở tại Somali. Theo ghi nhận của các phương tiện truyền thông, “Al-Shabab” là một tổ chức khủng bố không đồng nhất, trong đó có số lượng lớn các nhóm nhỏ được phân chia theo dòng họ hay ý thức hệ. Trong những năm qua, “Al-Shabab” liên tục chiến đấu chống lại chính quyền trung ương Somali và ngăn chặn các hoạt động nhân đạo của LHQ tại đất nước này.

Duy Long (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ