Nỗi khổ của những đứa trẻ khi bị đem ra so sánh
Ngọc Mai (16 tuổi, Sóc Sơn) từng tâm sự: "Hiền và Mai là hai cô bạn thân từ nhỏ, lực học được thầy, cô đánh giá là ngang nhau. Thế nhưng, khi lên lớp 7, do Mai học môn Thể Dục kém nên Mai chỉ được học sinh Khá trong khi đó Hiền lại đạt học sinh Giỏi.
Kết quả này làm mẹ của Mai thấy buồn và thất vọng về con. Cầm cuốn sổ liên lạc trên tay về nhà, mẹ quát Mai: “Con mới cái, chỉ có mỗi việc ăn mới học mà cũng không nên hồn. Nhìn cái Hiền nó học hành kìa”. Điều đó làm em cảm thấy rất buồn. "Em luôn bị mẹ so sánh từ khi em còn bé cho đến bây giờ".
Hoa (học sinh 12, trường Yên Hòa - Cầu Giấy) cảm thấy ấm ức khi mà luôn bị so sánh với chị hàng xóm, sinh viên trường Học viện Cảnh sát. Và ba mẹ Hoa cũng muốn Hoa được như vậy nên luôn than vãn: “Con nhà người ta học thế chứ đâu như con cái nhà này”.
Hoa bức xúc nói: "Bố mẹ chỉ biết so sánh một cách máy móc mà không hiểu, em và chị ấy có những mối quan tâm khác nhau. Sao bố mẹ không nghĩ, mỗi cá thể là duy nhất, con là duy nhất và vì thế, xin đừng so sánh con với bất kỳ một ai!".
So sánh một đứa trẻ sơ sinh đã là điều không tốt, nhưng khi đứa trẻ đủ tuổi và nhận thức thì sự ảnh hưởng còn tồi tệ hơn.
"Ngưng so sánh" là điều tốt đẹp nhất mà cha mẹ có thể dành cho con
Một trong những lý do bạn không nên so sánh con mình với những người khác là sẽ chạm vào lòng tự trọng của bé. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi liên tục bị so sánh với người khác?
Lòng tự ti ở trẻ xuất phát từ thời thơ ấu, vì vậy, đừng làm cho trẻ cảm thấy chúng đang thua kém người khác. Bạn không muốn làm trẻ tự cao và kiêu ngạo, nhưng cũng đừng làm trẻ cảm thấy vô dụng và vô giá trị.
So sánh trực tiếp có thể làm cho một đứa trẻ cảm thấy rất bực bội. Khi trẻ bị so sánh và cảm thấy không bằng anh chị em ở một điểm nào đó, trẻ không những oán giận bạn, mà còn oán giận cả anh chị em của mình.
Bạn có muốn gia tăng sự đối nghịch giữa những đứa con của mình? Vì vậy, đừng so sánh. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng trẻ sẽ không nhận ra, ai đó vẫn có thể nói cho chúng biết.
Việc so sánh con với những người khác có nguy cơ khiến trẻ tự thấy mình kém cỏi. Theo thời gian, con bạn sẽ nghĩ rằng nó thật sự kém cỏi và sẽ tin vào điều đó. Trẻ sẽ nghĩ rằng tại sao phải cố gắng khi mình sẽ không thành công? Và trẻ sẽ luôn tin rằng mình kém cỏi và thất bại.
Vậy sẽ phải làm gì khi con của mình bị người khác đem ra so sánh?
Nếu đối diện bạn là một người lạ mặt hoặc chỉ là người quen xã giao, bằng mọi cách, hãy tự tách mình ra khỏi tình huống này. Đừng để những lời nói của cha mẹ khác ảnh hưởng đến việc nuôi con của bạn. Hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ là duy nhất.
"Tôi không dùng lời nói để phản bác con của mình. Tôi tin rằng mỗi đứa trẻ đều có điểm yếu và điểm mạnh của riêng chúng. Mọi người không nên so sánh con mình với con người khác.
"Tôi làm những gì mà mẹ tôi đã làm khi các con của bà bị so sánh. Đó là mỉm cười, nhún vai và sau đó khuyến khích các con của tôi làm tốt hơn để chứng minh cho bất kỳ ai thấy rằng sự so sánh là hoàn toàn sai lầm", một người mẹ chia sẻ.