Không phải là lối hành xử có trách nhiệm với thế giới

Ông Tony Walker - Biên tập viên các vấn đề quốc tế của tờ The Australian Financial Review - vừa có bài viết đánh giá những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, 

Không phải là lối hành xử có trách nhiệm với thế giới

Nhất là những diễn biến gần đây với Việt Nam trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đã khác trước. Ông cho rằng đây là những dấu hiệu để thấy đã đến lúc cần phải xem xét lại khái niệm “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc.

Theo Tony Walker, hành động khiêu khích của Bắc Kinh khi hạ đặt giàn khoan dầu khổng lồ tại vùng biển của Việt Nam, với sự hỗ trợ của tàu chiến và các lực lượng bán quân sự khác, không phải là lối hành xử của một thành viên có trách nhiệm trong một hệ thống quốc tế được điều chỉnh bằng luật pháp, cũng không thể hiện đặc tính của một cường quốc. 

Ông nhấn mạnh đây là hành động của một kẻ bắt nạt cấp khu vực, hoàn toàn câm điếc trước những hậu quả mà hành động của mình có thể gây ra.

Đối với vấn đề giàn khoan Hải Dương 981, Tony Walker bình luận: “Chúng ta không thấy Trung Quốc cố gắng giả vờ đưa ra bất cứ lý do gì để biện hộ, ngoài việc khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng biển này.

Nhưng việc khẳng định này lại không dựa trên các luật quốc tế đã được công nhận mà lại dựa vào sự chắp vá của các tuyên bố của chính Trung Quốc từ thế kỷ 15".

Cho rằng Trung Quốc có thể tuyên bố là đang tìm cách giải quyết các vấn đề một cách hòa bình, nhưng thực tế Trung Quốc lại luôn không tuân thủ UNCLOS, Tony Walker đặt vấn đề cần có giải pháp để xử lý tính huênh hoang của Trung Quốc, vốn đang gây ra sự khó chịu trong khu vực.

Nhà báo người Palestine Kawther Salam cho rằng mọi định chế quốc tế đều bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Bà Kawther Salam hiện sống ở Áo, hiện là biên tập viên trang Europe and Middle East News, đã có hơn 25 năm kinh nghiệm tác nghiệp ở những khu vực xảy ra xung đột và từng được nhận giải thưởng Hellman/Hammet về Nhân quyền quốc tế.

Về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian gần đây, nhà báo Kawther Salam nêu rõ: Đó là sự vi phạm rõ ràng và không thể chấp nhận được chủ quyền và biên giới của một nước láng giềng, là Việt Nam. 

Nó cũng che giấu những tham vọng thực dân trong việc cướp bóc tài nguyên của nước khác, đi ngược lại luật pháp và các thỏa thuận quốc tế mà Trung Quốc đã ký kết với các tổ chức quốc tế.

Đó là sự đe dọa rõ ràng với chủ quyền Việt Nam và tìm cách kiểm soát dầu mỏ cũng như kiếm chác trên lưng Việt Nam. Bước đi này cũng cho thấy các tham vọng thực dân với các đảo thuộc Việt Nam. 

Đó là một hành vi khiêu khích mà Trung Quốc sử dụng để đo phản ứng của Việt Nam. Không có gì nghi ngờ về việc hành vi của Trung Quốc che giấu tham vọng cướp bóc tài nguyên của Việt Nam.

Tôi nghĩ những cánh cửa ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các định chế quốc tế đều mở và mọi lựa chọn đều mở trong việc bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. 

Và Việt Nam không cần phải phí thời gian nghĩ ngợi về những gì Trung Quốc đang làm trên lãnh hải của các bạn.

Tôi cho rằng bất kỳ ai vào nhà bạn mà không xin phép thì là trộm cắp hoặc kẻ cướp, và cách xử lý đúng nhất là đuổi chúng ra khỏi cửa, tiến hành các hành động pháp lý thông qua những định chế quốc tế hoặc tự vệ hợp lý.

Trong bài viết đăng trên tờ The Diplomat hôm 28/5, GS Carl Thayer - Chuyên gia về các vấn đề châu Á thuộc Học viện Quốc phòng Australia - cho rằng Trung Quốc đang tham gia vào một "cuộc chiến tranh tiêu hao" bất bình đẳng với Việt Nam. 

Theo ông Carl, chiến thuật của Trung Quốc là dùng tàu có trọng lượng lớn hơn gấp 2 đến 4 lần để đâm tàu Việt Nam, gây thiệt hại vừa đủ để buộc tàu Việt Nam quay về cảng.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các hành động gây hấn tương tự trong thời gian tới nhằm đẩy Việt Nam vào thế không đủ tàu để đối phó với họ quanh giàn khoan Hải Dương 981. 

Nghiên cứu gần đây của Scott Bentley - Chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho thấy, Bắc Kinh đang cố tình phun nước với công suất mạnh nhằm vào các cột thông tin liên lạc và ăng-ten của tàu thuyền Việt Nam. Đa số tàu của Trung Quốc mang súng hải quân. 

Các tàu hải cảnh và tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc đã tháo bạt che súng và cố ý nhằm vào các tàu thuyền Việt Nam. Mặc dù vậy, Việt Nam hành động khôn khéo nhằm đáp trả động thái hung hăng của Trung Quốc. 

Các tàu của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam liên tục phát thông điệp để yêu cầu phía Trung Quốc lập tức rút khỏi vùng biển Việt Nam.

Học giả Trung Quốc: Cần phải nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước láng giềng

Trên blog cá nhân, học giả Trung Quốc Dương Hằng Quân, từng làm việc cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đăng bài viết với câu hỏi: “Tại sao các nước láng giềng e ngại Trung Quốc?”.

Bài viết được tạp chí The Diplomat dẫn lại có đoạn: “Cộng đồng quốc tế coi Trung Quốc là kẻ bạo ngược. Rất nhiều nước láng giềng e ngại, căm ghét Trung Quốc và xác định rằng Trung Quốc theo đuổi bá quyền”.

Từ các cư dân mạng đến Bộ Ngoại giao, ai cũng ra rả việc bảo vệ quần đảo Điếu Ngư, dạy cho Philippines một bài học, dằn mặt Việt Nam, cùng Nga chống Mỹ... 

Nhưng những gì Trung Quốc làm được chỉ là khiến Mỹ và Nhật xích lại gần nhau, bị các nước láng giềng căm ghét” 

Học giả Dương Hằng Quân

Một nguyên nhân, như học giả Dương Hằng Quân thừa nhận là dư luận nước này luôn tỏ ra hung hãn và hiếu chiến trong các vấn đề ngoại giao.

Ông kể trong một chương trình truyền hình nổi tiếng ở Trung Quốc về chủ đề đối ngoại, người dẫn chương trình “tỏ ra đầy thù hằn và bạo lực”. 

“Nếu là một người nước ngoài và xem chương trình này, tôi sẽ nghĩ rằng Trung Quốc không chỉ bá quyền mà còn là một quốc gia phát xít”.

Học giả Dương Hằng Quân cho rằng là một cường quốc, Trung Quốc cần dành thời gian để nhìn lại bản thân. “Trung Quốc cần phải nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, vứt bỏ những định kiến để thật sự xứng đáng với vai trò nước lớn” - Ông kêu gọi. 

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ