Đã đến lúc ban hành Luật
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH, nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết ban hành luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị chưa ban hành luật tại thời điểm hiện nay. Cần khảo sát, đánh giá và cân nhắc tính hợp lý của việc ban hành.
UBTVQH đề nghị tại thời điểm hiện nay, chưa nên quy định về đất nông nghiệp trong Dự thảo luật. |
UBTVQH cho rằng, cần thiết ban hành luật thuế áp dụng đối với đất phi nông nghiệp với lý do: Pháp lệnh thuế nhà, đất được UBTVQH thông qua ngày 3/7/1992, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 1994, quy định về điều tiết nguồn thu đối với đất phi nông nghiệp. Pháp lệnh này bước đầu đặt cơ sở cho việc tăng cường quản lý, động viên đóng góp của người sử dụng đất vào NSNN, tăng cường nguồn lực cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, qua hơn 15 năm thực hiện, đến nay, trước những bất cập phát sinh trong quản lý, điều tiết việc sử dụng đất, nhiều quy định của Pháp lệnh đã không còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật đất đai 2003; nguồn thu NSNN từ thuế chưa tương xứng với giá trị đất đai; đặc biệt, chưa thể hiện vai trò điều tiết, quản lý của Nhà nước trong vận hành nền kinh tế thị trường.
Một số quy định về quản lý thuế đất trong Pháp lệnh đã được thể hiện trong Luật quản lý thuế. Vì vậy, việc sửa đổi, nâng cao giá trị pháp lý của Pháp lệnh là cần thiết, nhằm hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về quản lý, sử dụng đất theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng; đồng thời, việc ban hành luật nhằm thể chế hóa chủ trương đổi mới chính sách về đất đai mà Đảng đã đề ra trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/1/2008, theo đó, tăng cường hơn nữa vai trò của thuế trực thu, trong đó có thuế sử dụng đất.
Không đánh thuế đối với người nghèo
Đại biểu Quốc hội Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình) cho rằng, mục tiêu của Luật Thuế nhà đất không chi thu thuế cho nhà nước mà còn chống đầu cơ, điều tiết thị trường nhà đất, giúp người dân lao động có thể tiếp cận nhà ở. Vì vậy, không nên đánh thuế với những người có một nhà, đất ở. Đồng tình với ý kiến này, Trần Du Lịch (TP.HCM) gay gắt nêu lên một thực trạng: Hiện ai đi từ sân bay Nội Bài về Hà Nội cũng thấy nhan nhản các biệt thự bỏ hoang. Tình trạng này diễn ra trong cả nước. Trong khi đó, Quốc hội và Chính phủ chưa đánh giá được cả nước có bao nhiêu đất, bao nhiêu biệt thự, nhà ở bỏ hoang, bao nhiêu người dân không có nhà ở?
Ông Trần Du Lịch cho rằng, Luật Thuế nhà đất là công cụ quan trọng nhất để đánh vào đầu cơ nhà đất và điều tiết xã hội. Nhưng các quy định trong dự thảo luật không đáp ứng được yêu cầu này. Vì vậy, không nên đánh thuế nhà đất vào toàn dân (những người chỉ có một nhà, đất ở) mà chỉ nên đánh vào một số đối tượng có nhiều nhà, đất. Nếu lần này Quốc hội không tận dụng cơ hội ban hành Luật này để điều tiết thị trường nhà đất thì sẽ khó tìm được công cụ khác.
Đại biểu Trần Du lịch cũng đề nghị, nên để “lùi” Luật Thuế nhà đất lại để điều tra tình hình sở hữu nhà trên toàn quốc hiện nay. Đồng thời, Quốc hộ phải có giám sát tình trạng đất bỏ hoang đang tạo ức chế cho thị trường. Đây là nguyên nhân chính đẩy giá đất cao bất thường, là rào cản phát triển kinh tế.
ĐBQH Vũ Hồng Anh (đoàn Hà Nội) kiến nghị, cần tiếp tục xem xét để đảm bảo luật này khi ra đời sẽ không không đánh thuế người nghèo (ảnh: gdtd.vn). |
Tương tự, đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) cũng kiến nghị, cần tiếp tục xem xét để đảm bảo luật này khi ra đời sẽ không không đánh thuế người nghèo, nhất là người dân nông thôn, các đô thị loại 4, loại 5. Trên cơ sở này, Đại biểu Vũ Hồng Anh đề nghị cần tăng thuế suất, đánh thuế cao với trường hợp sở hữu đất vượt hạn mức để hạn chế tiêu cực trên thị trường nhà đất, đưa luật thành một trong những công cụ vĩ mô nhằm hạn chế tinh trạng đầu cơ nhà đất, giúp thị trường phát triển lành mạnh. Mức thuế quá thấp như dự thảo (cao nhất là 0,1%) cũng không làm giảm được tình trạng lãng phí sử dụng đất công. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, về mức thuế, nếu Quốc hội có nhiều băn khoăn, ban soạn thảo sẽ tiếp thu và nâng mức thuế lên.
Đất lấn chiếm, đất để hoang cũng bị thu thuế
Một điểm đáng chú ý của dự thảo Luật thuế nhà đất là đất lấn chiếm cũng sẽ bị thu thuế với mức thu đặc biệt: 0,15%. Dự thảo Luật cũng nêu rõ: việc thu thuế này không đồng nghĩa với công nhận đất lấn chiếm là hợp pháp. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, quy định này sẽ gây ra nhiều hiểu nhầm với người dân.
Nhiều đại biểu như: Trịnh Thị Nga, Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Triệu Sỹ Lầu… đều cho rằng, nên bỏ quy định này vì sẽ khuyến khích tình trạng lấn chiếm đất công, gây ra cơ chế xin cho và có thể gây hiểu nhầm về cho phép hợp lý hóa đất lấn chiếm. Đại biểu Triệu Sỹ Lầu (Cao Bằng) cho rằng, nên bỏ quy định thu thuế với đất lấn chiếm. Còn nếu vẫn tiếp tục thu thì phải thu ở mức thật cao: ở thành thị là 0,2 - 0,3%, còn ở nông thôn: 0,15%.
Về thu thuế đối với diện tích đất sử dụng sai mục đích, đất hoang hóa, nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ quy định này vì đã có quy định xử lý theo Nghị định của Chính phủ.
Bên cạnh các vấn đề trên, các đại biểu còn đề nghị, về đối tượng miễn thuế, nên bổ sung các đối tượng sau: cha mẹ nuôi của liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang, nhà vườn được cơ quan có thẩm quyền công nhận là di sản văn hóa, thế hệ sau của những người có công với cách mạng bị nhiễm chất độc màu da cam… Về chu kỳ tính thuế, đa số đại biểu đồng ý với chu kỳ 5 năm như dự thảo luật, song có ý kiến cho rằng nên đề chu kỳ 3 năm vì giá nhà đất mỗi năm đều tăng rất mạnh.
Quang Anh