Không khả thi!

GD&TĐ - Sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là địa phương tiếp theo đề xuất thực hiện thu phí phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông vào khu vực trung tâm thành phố. Đáng nói, dù mới ở dạng đề án nhưng chủ trương này của Đà Nẵng cũng đang vấp phải sự phản ứng của dư luận.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo dự thảo đề án, đến năm 2025, đánh giá kết quả và điều chỉnh theo tình hình thực tế, nghiên cứu mở rộng phạm vi thu phí, đến năm 2030 sẽ thực hiện thu phí đối với xe máy. Sau năm 2030, nghiên cứu ứng dụng phương án thu phí theo khoảng cách đi lại trên toàn bộ các tuyến đường thuộc ranh giới thu phí.

Việc thu phí áp dụng với ô tô con, cả xe taxi; xe khách và xe tải, trừ xe buýt và xe ưu tiên theo quy định. Thời gian thu phí ô tô con vào các giờ cao điểm sáng và chiều. Xe tải, xe khách thời gian thu phí từ 6 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút các ngày trong tuần. Người dân trong vùng thu phí có ô tô con sẽ được giảm 75% phí cho 25 lần/tháng.

Thế nhưng tại hội nghị phản biện xã hội về dự thảo đề án do Sở Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức ngày 31/10, các ý kiến đều cho rằng việc thu phí trong bối cảnh hiện nay là chưa phù hợp. Việc giảm, hạn chế ùn tắc giao thông cần nhiều giải pháp đồng bộ chứ không chỉ đơn thuần là thu phí hoặc kìm hãm sự phát triển của ô tô.

Bởi thực tế, việc ùn tắc giao thông không chỉ bao gồm những nguyên nhân đơn lẻ mà là tổng hợp của nhiều yếu tố: Cơ sở hạ tầng hạn chế, không theo kịp sự phát triển; ý thức tham gia giao thông kém; việc thực thi pháp luật về giao thông chưa nghiêm... Bởi vậy, việc áp dụng thu phí là chưa phù hợp. Và nếu có thực hiện thì đây chỉ là biện pháp tình thế, biện pháp sau cùng khi không còn kiểm soát được tình hình...

Điểm chung dễ thấy trong các đề án của cả Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là đều nhằm mục đích giảm ùn tắc giao thông, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Và cũng chung một điểm nữa là cho đến nay đều vấp phải sự phản ứng của dư luận.

Có thể thấy ngay điểm bất hợp lý ở đây chính là mục đích giải quyết vấn đề. Ùn tắc giao thông trước tiên là do cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu. Bởi vậy, giải pháp cần được nhắc đến là cơ sở hạ tầng. Tiếp đó là phát triển các loại hình giao thông khác để người dân có thể sử dụng khi có nhu cầu vào trung tâm. Biện pháp cuối cùng mới là cấm hoặc thu phí.

Cũng phải khẳng định rằng, biện pháp thu phí hay cấm không thể là giải pháp hữu hiệu - chưa xét đến có phù hợp với các quy định của pháp luật về phí, lệ phí hay không để giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Bởi cái chính là quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng. Khi quy hoạch không theo kịp được sự phát triển thì tất yếu sẽ dẫn đến quá tải. Khi đó, muốn giải quyết được vấn đề cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp chứ không phải là một, hai giải pháp đơn lẻ, mang tính tình thế, phi thực tiễn, thậm chí trái luật.

Trên thế giới đã có nhiều nước áp dụng thành công việc thu phí phương tiện giao thông. Thế nhưng không thể vì thế mà có thể áp dụng ở nước ta bởi chắc chắn không khả thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quân Nga khép chặt vòng vây Kupiansk

Quân Nga khép chặt vòng vây Kupiansk

GD&TĐ - Quân Nga đã đánh chiếm được ngôi làng Sobolevka ở phía tây Kupiansk, bao vây chặt lực lượng Ukraine ở thành phố thuộc tỉnh Kharkiv này.