(GD&TĐ) - Một sự trùng lặp khá lý thú, trong tháng Ba và Tư, các trang báo điện tử cập nhật những bài viết về tuổi nghỉ hưu của người lao động đều là những trang có nhiều bạn đọc nhất. Cho tới sáng ngày 1/5/2013, khi chương trình thời sự VTV1 phát thông tin Bộ luật lao động (sửa đổi) chính thức có hiệu lực cùng với những điểm mới, trong đó, có quy định độ tuổi nghỉ hưu với nhóm người cụ thể, cũng là thời điểm các Website có số lượt người truy cập nhiều nhất.
Ảnh minh họa/internet |
Về hưu, một luật định của muôn thuở, của mọi quốc gia mà sao bỗng nhiên lại là tâm điểm sự chú ý của dư luận như vậy? Trong thực tế, những người quan tâm tới nó không thuộc nhóm người lao động phổ thông, người lao động có mức thu nhập thấp, hay trong một môi trường độc hại. Vào thập niên tám mươi của thế kỷ trước, tình trạng “về hưu non”, về “mất sức” khá phổ biến trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Phổ biến tới mức không mấy ai quan tâm, luận bàn gì khi có những cán bộ, công chức nhà nước xin về hưu trước tuổi. Phải chăng do ở thời kỳ bao cấp, sự mưu lợi cá nhân, lợi ích nhóm còn là những khái niệm mờ nhạt; chế độ tiền lương của CBCC ở một mặt bằng chung thấp, chưa tương xứng với cống hiến, ít có sự thay đổi.
Xin trở lại câu hỏi đặt ra trên. Chung quy lại cũng là nên hay không nên kéo dài tuổi về hưu cho người lao động đặc biệt là lao động nữ. Vấn đề tưởng như không còn gì phải bàn thêm, khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, ở khoản 1 Điều 187 đã quy định về tuổi nghỉ hưu của nam là 60, nữ là 55 tuổi. Tuy nhiên, khoản 1 này lại không phải là quy định “cứng”, khi khoản 2 và khoản 3 của Bộ luật nêu rõ: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này. Việc quy định chi tiết ở cả khoản 2 và khoản 3 do Chính phủ quy định (khoản 4)
Với trường hợp những người bị suy giảm khả năng lao động, việc về hưu ở tuổi thấp hơn ắt hẳn không có gì để phải luận bàn. Vấn đề dư luận đang lưu tâm đó là sắp tới, Chính phủ sẽ có quy định chi tiết như thế nào với nhóm đối tượng có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác như đã nêu? Tại một kỳ họp Quốc hội khóa XII, GS Nguyễn Lân Dũng đã đưa ra một số ví dụ khá thuyết phục về sự cống hiến của người lao động ở nhóm đối tượng này để đi tới đề xuất: Hiện rất nhiều người đang hưởng lương, nhưng trong số đó có những người làm việc chưa hiệu quả hay hiệu quả chưa cao, họ cần được nghỉ hưu đúng thời hạn. Có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ nhưng không thể không phân biệt hiệu quả cống hiến, năng lực công tác, điều kiện sức khỏe của từng người. Với các nhà chuyên môn, cán bộ quản lý, nghệ sĩ tài giỏi, các nhà khoa học có năng lực thực sự (dù chỉ là kỹ sư lành nghề), các bác sĩ có bàn tay vàng, các công nhân có kinh nghiệm lâu năm... cũng cần giữ lại công tác nếu thấy cần thiết cho từng lĩnh vực nhất định.
Mọi sự trông chờ ở độ bao quát và linh hoạt trong văn bản quy định chi tiết của Chính phủ. Nhiều ý kiến cho rằng, để những quy định về kéo dài tuổi về hưu cho người lao động có sức thuyết phục, bảo đảm sự bình đẳng và công bằng trong cống hiến, thì cái tầm của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp cùng với khả năng nhìn xa trông rộng của họ là rất quan trọng. Chắc chắn chẳng có người đứng mũi chịu sào nào lại muốn sử dụng những tay chèo yếu ớt dễ làm chậm tiến độ của con thuyền và nguy hại hơn, nếu có nhiều tay chèo yếu ớt thì thuyền dễ bị lật…
Hồng Thúy