Không còn là cảnh báo!

Không còn là cảnh báo!

(GD&TĐ) - Những ngày qua, nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đã đồng loạt ra quân triển khai đợt cao điểm xử lý vi phạm liên quan những người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện (gọi chung là xe điện) vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Đó là điều cần thiết khi mà loại phương tiện này đang ngày càng phổ biến, có tốc độ cao, chủ yếu do lớp trẻ sử dụng, nhưng hầu như không có cơ chế quản lý nào, ngoại trừ quy định phải sử dụng mũ bảo hiểm.

 

Từ đầu năm 2013 tới nay, Báo GD&TĐ đã có nhiều bài viết phản ánh về tình trạng sử dụng và quản lý xe điện trong nước; trong đó cảnh báo những nguy cơ có thể xảy ra khi chúng ta chưa có bất cứ chế tài nào để quản lý loại phương tiện này, dù rằng có tốc độ lớn (loại tốt có thể đạt vận tốc 50km/giờ, tương đương với tốc độ trung bình của một chiếc xe gắn máy), đắt tiền (dao động từ 4 triệu đồng đến trên 10 triệu đồng/chiếc).

Không có sự kiểm soát về phương tiện (như đăng ký của mô tô, xe gắn máy), không có chứng nhận bảo đảm chất lượng sản phẩm, người sử dụng cũng không cần bất cứ giấy phép nào. Nghĩa là, với loại phương tiện sử dụng động cơ này (dù là chạy bằng điện thì cũng là gắn động cơ), trong các chế tài quản lý hiện tại được đối xử không khác gì đối với chiếc xe đạp thông thường.

Còn nhớ trong lần trả lời phỏng vấn của chúng tôi cách đây ít lâu, ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia – cũng đã bày tỏ lo ngại về sự bùng nổ của xe điện trên khắp cả nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây.

Quan sát từ đời sống thường ngày, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy hiện loại phương tiện này đang được đông đảo người dân, nhất là thanh niên, thiếu niên sử dụng là phương tiện chính để đi học ngày càng nhiều. Ngày càng nhiều người sử dụng xe điện đều vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhất là không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, dẫn đến nhiều vụ va chạm giao thông. Thế nhưng xe điện trong Luật không yêu cầu phải có giấy phép lái xe, không bắt buộc phải làm đăng ký quản lý tại cơ quan công an. 

Một khi đã quản lý xe điện như đối với xe đạp thông thường thì không thể nào áp Luật Giao thông đường bộ để xử lý vi phạm, ngoài “bảo bối” là xử lý việc không đội mũ bảo hiểm. Đây cũng là biện pháp gần như duy nhất mà các tỉnh thành mang ra áp dụng thời gian gần đây khi ra quân triển khai đợt cao điểm xử lý vi phạm liên quan những người điều khiển xe điện. 

Chẳng hạn tại Hà Nội, trong mấy ngày ra quân đầu tiên (từ 16/9), đối với các trường hợp vi phạm, các tổ công tác giải thích, tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ và hình thức xử phạt (được quy định tại Nghị định 71/CP/2012/NĐ -CP, ngày 19/9/2012 của Chính phủ) và nhắc nhở đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là chính. 

Các tổ công tác này được giao nhiệm vụ tiến hành kiểm tra tại tất cả những điểm, khu vực tập trung như trường học, các tuyến phố nội đô để tuyên truyền và xử phạt nghiêm theo luật. Kết hợp với những tổ xử lý công khai, các đơn vị cũng bố trí cán bộ chiến sĩ hóa trang mặc thường phục, sử dụng thiết bị công nghệ cao, như: camera, máy ảnh, ghi lại những hình ảnh vi phạm để phạt nguội, làm bằng chứng xử lý. Bên cạnh đó, những trường hợp vi phạm đều được CSGT gửi thông báo về nhà trường, nơi cư trú, cơ quan... để phối hợp giáo dục, xử lý người vi phạm. Vậy nhưng, xe điện lấy đâu ra biển số như đối với mô tô, xe gắn máy mà tính chuyện phạt nguội? 

Việc kêu gọi các nhà trường phối hợp giáo dục học sinh (đây cũng là một trong những nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục trong triển khai công tác an toàn giao thông trường học hàng năm) bảo đảm an toàn giao thông, cũng chỉ là phần ngọn. Cái gốc ở vấn đề vấn là xiết chặt quản lý loại hình phương tiện có động cơ này, thì lại chưa được các cơ quan chức năng cân nhắc một cách nghiêm túc. Hình ảnh những đoàn xe điện túm năm tụm ba, lượn lách náo loạn đường phố lúc tan tầm, đã thực sự là mối họa cho giao thông chứ không còn là lời cảnh báo nữa.

Nhất Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ