(GD&TĐ) - Trong xã hội hiện đại, số nữ cán bộ làm công tác lãnh đạo và quản lý ngày càng có xu hướng gia tăng. Với tri thức, tâm huyết và nỗ lực cao, các chị đã và đang gánh trên vai nhiều trọng trách nặng nề trên nhiều mảng hoạt động mà xã hội giao phó. Phụ nữ làm lãnh đạo, thuận lợi nhiều song thử thách cũng không ít.
Phía sau người phụ nữ lãnh đạo thành công
Bà Tôn Nữ Thị Ninh (SN 1947) từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia như Bỉ, Hà Lan..., Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Bà có vai trò tích cực trong lĩnh vực đối ngoại của Việt Nam |
Người phụ nữ tham gia vào công tác quản lý chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nam giới. Trước hết, với người phụ nữ thiên chức làm mẹ, làm vợ là vô cùng quan trọng. Vì vậy, khó khăn lớn nhất của họ là làm sao có thể chia sẻ thời gian, sức lực của mình phù hợp, hiệu quả nhất cho gia đình, công việc và cho chính bản thân họ.
Trên thế giới, những người phụ nữ làm lãnh đạo thành công thường có sự hậu thuẫn rất lớn từ người chồng. Còn với người phụ nữ không may mắn nhận được sự hậu thuẫn chia sẻ ấy, khó tránh khỏi những đổ vỡ, mất mát và hy sinh hạnh phúc cá nhân. Có thể nói, phía sau người phụ nữ làm quản lý rất cần một người chồng – hậu phương vững chắc để họ có thể chia sẻ những khó khăn trong công việc và cuộc sống đời thường. Sau những giờ phút áp lực ngoài xã hội, người phụ nữ vẫn cần một bờ vai để nương tựa, chia sẻ buồn vui từ công việc tới cuộc sống.
Có lẽ không mấy ai không biết tới NSND Tâm Chính – nữ nghệ sĩ xiếc thành công và nổi tiếng của Việt Nam. Bà đã kinh qua nhiều vai trò từ diễn viên đến giám đốc Liên đoàn Xiếc rồi Chủ tịch Chi hội Xiếc Việt Nam. Tên tuổi của bà đi liền với tiết mục “Cô hàng giải khát” nổi tiếng với nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Không những thế, với ảnh hưởng và uy tín của mình, bà còn tích cực tham gia khá nhiều hoạt động xã hội trong lĩnh vực nghệ thuật. Thế nhưng, trong các câu chuyện về nghề về đời của mình bà không bao giờ quên nhắc đến người bạn đời là NSƯT Lê Thể với một sự biết ơn chân thành nhất.
Bà luôn khẳng định, nếu không có người bạn đời biết hy sinh, tự lùi lại phía sau làm bàn đạp để bà vững tiến, nếu ông không đồng cảm góp ý chân thành mọi vấn đề trong công việc và tích cực chia sẻ việc trong gia đình với bà... thì không thể có một NSND Tâm Chính hôm nay.
Hơn ai hết, NSND Tâm Chính luôn hiểu rằng sự thành công trong nghiệp diễn, hay địa vị quản lý bà đều có công sức đóng góp rất lớn của người bạn đời. Có thể nói, NSUT Lê Thể thực sự vừa là bạn đời, vừa là bạn nghề mà NSND Tâm Chính luôn hết lòng biết ơn, trân trọng, nể phục.
Phụ nữ quản lý: Tiềm năng và lợi thế
Nữ lãnh đạo có thể làm tốt hơn nam giới ở nhiều công việc |
Thực tế đã khẳng định, sức chịu đựng của phụ nữ là vô hạn không chỉ trong thời chiến tranh, mà cả trong thời bình. Vai trò trong giáo dục và đào tạo, lực lượng nữ chiếm con số áp đảo trong mọi cấp bậc, đặc biệt, ở bậc mầm non, tiểu học, giáo viên chủ yếu là nữ, đóng góp rất lớn vào đào tạo và hình thành nhân cách cho thế hệ tương lai Việt Nam. Thế mạnh của phụ nữ còn thể hiện ở chỗ nhiều thủ khoa các trường đại học là nữ. Và điều này cũng cho thấy các em gái có khả năng học tập tốt, tiềm năng của phụ nữ cũng rất lớn.
Xét về lợi thế, người phụ nữ khi làm quản lý bên cạnh sự cứng rắn, quyết liệt thì vẫn có những đặc trưng riêng đó là sự mềm mại, nhẹ nhàng, nữ tính. Do đó, họ có thể dễ dàng tạo thiện cảm đối với người đối diện hơn so với nam giới. Đặc biệt, trong quản lí có nhiều việc cần tỉ mỉ, cẩn thận, chi tiết và cả sự kiên nhẫn nên phụ nữ có nhiều lợi thế.
Nhiều cuộc khảo sát cũng cho thấy xu hướng nữ giới lãnh đạo giỏi hơn nam giới vì phụ nữ linh hoạt hơn, sức chịu đựng cao hơn nam giới, đồng thời, có sự thẩm định, đánh giá nhân viên chính xác và kỹ càng để dùng người vào đúng nơi, đúng chỗ, và đúng việc.
Bên cạnh đó, phụ nữ cũng giải quyết công việc mềm dẻo hơn, có sự tỉnh táo, tình cảm hơn, hay nói cách khác “Phụ nữ có cái đầu lạnh và trái tim nóng” để giải quyết vấn đề thấu tình đạt lý. Phụ nữ cũng biết vận dụng cơ hội để vượt lên khó khăn vất vả hoàn thành mọi công việc và qua đó khẳng định khả năng lãnh đạo vượt trội hơn nam giới.
Với tiềm năng và lợi thế nổi trội, song những nhà nghiên cứu về giới vẫn cảnh báo cần có những giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về bình đẳng giới vì phụ nữ thường nhường bước phát triển sự nghiệp cho chồng và lui vào vị trí tề gia nội trợ để chồng yên tâm công tác.
Mặt khác, nếu nữ làm lãnh đạo thì hầu như nam giới không phục, không chịu dưới trướng dẫn đến không ủng hộ hay làm khó phụ nữ. Điều này dẫn đến hệ quả là tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo luôn thấp hơn nam giới và bản thân phụ nữ cũng không muốn tham gia vào vị trí lãnh đạo vì có quá nhiều rào cản và rắc rối.
Cùng đó, cần tạo cơ chế chính sách nói chung và đào tạo nói riêng để phụ nữ có điều kiện được đào tạo, học tập, cống hiến để thể hiện năng lực bản thân. Cần có các dịch vụ xã hội để hỗ trợ chị em hài hòa công việc gia đình với công việc ngoài xã hội.
Và đặc biệt, cần khắc phục tâm lý tự ti, thoái thác, tư tưởng an phận làm vợ, làm mẹ, khắc phục tư tưởng níu áo nhau trong chính giới nữ do tâm lý cho rằng phụ nữ nhìn nhận con người quá kỹ càng, quá tỉ mỉ, nhiều khi chỉ thấy “cây mà không thấy rừng”. Tâm lý này đã làm cho phụ nữ không nhìn thấy chính năng lực của giới mình.
Xét về lợi thế, người phụ nữ khi làm quản lý bên cạnh sự cứng rắn, quyết liệt thì vẫn có những đặc trưng riêng đó là sự mềm mại, nhẹ nhàng, nữ tính. Do đó, họ có thể dễ dàng tạo thiện cảm đối với người đối diện hơn so với nam giới. Đặc biệt, trong quản lí có nhiều việc cần tỉ mỉ, cẩn thận, chi tiết và cả sự kiên nhẫn nên phụ nữ có nhiều lợi thế. |
Thái Thanh