Không bảo hiểm tiền gửi đối với ngoại tệ

Không bảo hiểm tiền gửi đối với ngoại tệ

(GD&TD)-Đó là ý kiến mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu ra trong phiên thảo luận về Luật Bảo hiểm tiền gửi tại Hội trường sáng nay (2/11) vì cho rằng, bảo hiểm tiền gửi được sử dụng làm công cụ tài chính nhằm mục đích thực hiện chính sách công, không phải thực hiện mục đích kinh doanh vì lợi nhuận.

đ
Không nên quy định bảo hiểm cho các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ (ảnh MH)

Theo Dự án Luật bảo hiểm tiền gửi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày thì  đối tượng áp dụng Luật bao gồm: Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; Tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Pháp luật bảo hiểm tiền gửi qui định việc trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền phải được thực hiện trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Toà án mở thủ tục phá sản hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác định tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn.

Người dân không phải đóng phí khi gửi tiền tại ngân hàng, tổ chức tín dụng mà chỉ có các tổ chức tín dụng, ngân hàng, doanh nghiệp mới phải đóng phí bảo hiểm tiền gửi

Trong quá trình thảo luận về vấn đề này có hai loại ý kiến. Đó là Dự án Luật, chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi của tổ chức, vì cho rằng: Mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, không có điều kiện tham gia sản xuất - kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin tham gia gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Đối với tiền gửi của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng thì đây là một phần trong hoạt động luân chuyển vốn thường xuyên, được quản lý chặt chẽ bởi chế độ quản trị doanh nghiệp nên không thể có vấn đề thiếu thông tin về tổ chức tín dụng mà doanh nghiệp gửi tiền.

Đối với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác có tiền gửi tại các tổ chức tín dụng thì hầu hết nguồn vốn có được từ huy động nhằm thực hiện mục tiêu nhất định, chỉ tạm thời nhàn rỗi nên thường không kết dư với số lượng lớn, sau mỗi đợt huy động phải công khai việc huy động, quản lý và sử dụng để tạo lòng tin, sự đồng thuận và ủng hộ cao của các thành viên tham gia đóng góp. Ngoài ra, các tổ chức này cũng có bộ máy quản lý tài chính chuyên trách để thu thập thông tin chặt chẽ liên quan đến các tổ chức tín dụng.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, Hợp tác xã… vì cho rằng, những tổ chức này cũng có các khoản quỹ hợp pháp đang được gửi tại các tổ chức tín dụng. Việc mở rộng ra các đối tượng này cũng nhằm đảm bảo sự công bằng trong chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Ủy ban Kinh tế đồng tình với loại ý kiến thứ nhất, cho rằng chính sách bảo hiểm tiền gửi nên hướng tới bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, trường hợp tổ chức tín dụng gặp rủi ro thì họ vẫn nhận được một khoản tiền gửi tối thiểu.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng nên có nhiều tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo cơ chế tự nguyện để các tổ chức tín dụng chủ động chọn lựa tham gia. Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế thấy rằng, bảo hiểm tiền gửi được sử dụng làm công cụ tài chính nhằm mục đích thực hiện chính sách công, không phải thực hiện mục đích kinh doanh vì lợi nhuận nên việc quy định chỉ có một tổ chức bảo hiểm tiền gửi được thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi theo cơ chế bắt buộc tại Việt Nam như hiện nay là hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về loại tiền gửi được bảo hiểm, có 2 loại ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất là chỉ bảo hiểm tiền gửi là đồng Việt Nam vì cho rằng quy định như vậy phù hợp với chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam, hướng tới mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam và chống tình trạng đô la hoá.

Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai, đề nghị nên nghiên cứu áp dụng bảo hiểm tiền gửi đối với loại tiền gửi bằng ngoại tệ và các tài sản khác (như kim loại quý…) phù hợp với tình hình thực tế, vì cho đến nay tại hệ thống tổ chức tín dụng vẫn huy động một lượng lớn tiền gửi bằng ngoại tệ nhưng không được bảo hiểm tiền gửi.

Ủy ban Kinh tế nhất trí với loại ý kiến thứ nhất với lý do cần thực hiện thống nhất chủ trương, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam. Chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam ngoài việc cấm sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam, còn không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ mà nên bán lại cho ngân hàng. Do vậy, không nên quy định bảo hiểm cho các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ. Mặt khác, quy định như vậy cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, không bảo hiểm tiền gửi ngoại tệ và kim loại quý khác.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật bảo hiểm tiền gửi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng: Việt Nam cần thiết ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật chung cũng như tiệm cận với thông lệ quốc tế về bảo hiểm tiền gửi. Đồng thời, việc ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi sẽ góp phần duy trì và nâng cao niềm tin của người gửi tiền, góp phần giám sát hiệu quả hoạt động của các tổ chức tham gia nhận tiền gửi, tạo cơ chế xử lý minh bạch và theo nguyên tắc thị trường; đồng thời tạo môi trường hoạt động bình đẳng, khách quan, lành mạnh cho hệ thống ngân hàng, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tiền tệ phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một nội dung quan trọng khác của dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu, đó là quy định loại tiền gửi được bảo hiểm. Theo đó, dự thảo luật quy định tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân, không bảo hiểm đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý.

Quy định này cũng nhận được sự thống nhất cao của cơ quan thẩm tra dự thảo là Ủy ban Kinh tế, với lý do cần thực hiện thống nhất chủ trương, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam, cấm sử dụng ngoại tệ trong các giao dịc trên lãnh thổ cả nước, đồng thời không khuyến khích tích trữ ngoại tệ, hướng tới mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam và chống tình trạng Đô la hoá. 

Tuy nhiên, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, trong quá trình thảo luận trước đó, cũng có nhóm ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu áp dụng bảo hiểm tiền gửi đối với loại tiền gửi bằng ngoại tệ và các tài sản khác (vàng, kim loại quý…) phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Vì trên thực tế, cho đến nay một lượng lớn tiền gửi bằng ngoại tệ tại hệ thống ngân hàng thương mại không được bảo hiểm tiền gửi.

Nguyễn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ