Bộ trưởng Thương mại Nirmala Sitharaman (trái) và Bộ trưởng Tài chính Arun Jaitley trong sự kiện "Khởi nghiệp Ấn Độ" ở New Delhi ngày 16/1. Ảnh: EPA/TTXVN
Trong những năm qua, phong trào khởi nghiệp tại Ấn Độ đã phát triển mạnh mẽ với một số lĩnh vực đã bắt đầu bão hòa. Do đó các công ty của nước này muốn mở rộng phong trào khởi nghiệp ra nước ngoài và Indonesia là một trong những quốc gia được các công ty của Ấn Độ lựa chọn là điểm đến hàng đầu.
Báo Bưu điện Jakarta số ra mới đây có đăng bài phân tích của chuyên gia kinh tế Aastha Saboo, lý giải nguyên nhân có xu hướng trên là do hai nước có nhiều điểm tương đồng về nhân chủng học, văn hóa cũng như Indonesia ghi nhận số lượng người có mức thu nhập trung bình ngày càng gia tăng.
Sự gần gũi về địa lý với Singapore cũng như việc ngôn ngữ tiếng Anh được sử dụng phổ biến tại “đất nước vạn đảo” đã giúp cho doanh nghiệp của Ấn Độ dễ dàng hoạt động tại đây.
Trong vòng ba năm qua, đã có hơn 20 công ty khởi nghiệp của Ấn Độ bắt đầu hoạt động tại Indonesia. Tất cả các doanh nghiệp này đều hoạt động dựa trên một đặc điểm là số người sử dụng Internet tại Indonesia.
Indonesia có dân số trên 250 triệu người năm 2015, trong đó 93 triệu người sử dụng Internet và dự báo con số này sẽ tăng lên 123 triệu người vào năm 2018. Điều này sẽ biến Indonesia trở thành một trong những thị trường trực tuyến lớn nhất thế giới.
Doanh nghiệp Zomato, một trong những trang web về dịch vụ thực phẩm lâu đời nhất của Ấn Độ, đã có hoạt động kinh doanh tại Indonesia được hơn 2 năm.
Các doanh nghiệp Ấn Độ cũng đang tích cực vươn ra các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở thị trường này với sự xuất hiện của công ty Practo chuyên cung cấp cơ sở dữ liệu, thông tin về đội ngũ bác sỹ cho người dân.
Sự gia tăng nhanh chóng của các công ty khởi nghiệp Ấn Độ tại Indonesia cho thấy tiềm năng kinh doanh ở đất nước này. Chính phủ Indonesia cũng đang tích cực khuyến khích người dân nước này đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối với các công ty khởi nghiệp ở đây là vấn đề thiếu vốn đầu tư cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm để phục vụ cho hoạt động của họ. Phần lớn các công ty khởi nghiệp của Indonesia phải huy động vốn từ các quỹ tư nhân, người thân trong gia đình…
Về mặt pháp lý, trong khi chính phủ đang có nhiều hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài thì đồng thời cũng cần chú trọng đến việc tạo ra các quỹ đầu tư mạo hiểm để thu hút các công ty khởi nghiệp ở trong và ngoài nước. Các công ty khởi nghiệp của Indonesia đang đứng trước những cơ hội lớn, nhưng liệu xu hướng này có phát triển theo con đường của Ấn Độ?
Các công ty khởi nghiệp của Indonesia nhận ra rằng việc chỉ chú trọng vào giá cả mà không có sự quan tâm đối với dịch vụ khách hàng sẽ làm cho chi phí của họ gia tăng trong thời gian dài. Với việc các tập đoàn như Amazon dự kiến sẽ xâm nhập vào thị trường thương mại điện tử Indonesia thì cuộc cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt hơn.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Indonesia đã tạo dựng được chỗ đứng và thành công tại thị trường Indonesia, đồng thời cũng phát triển tốt ở cả nước ngoài.
Năm 2016, một trong số những công ty khởi nghiệp phát triển rất nhanh của Indonesia là doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển hành khách Go-Jek. Doanh nghiệp này đã mua lại hai công ty của Ấn Độ và đã thiết lập được dịch vụ vận chuyển hành khách tại Ấn Độ.
Điều này đã khích lệ các doanh nghiệp khác của Indonesia mở rộng đầu tư kinh doanh ở nước ngoài, khiến các chính phủ đặt nhiều niềm tin hơn vào doanh nghiệp khởi nghiệp và có biện pháp điều chỉnh việc phát triển, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trẻ.
Indonesia và Ấn Độ là những thị trường lớn và có rất nhiều cơ hội cho những ý tưởng mới cũng như môi trường để tạo lập hoạt động kinh doanh.
Nếu các doanh nghiệp khởi nghiệp biết nắm bắt thời cơ, những thị trường này sẽ là cơ hội tuyệt vời để họ có thể thay đổi cách tiếp cận truyền thống của người dân về kinh tế, thương mại, đầu tư và kinh doanh./.