Những hiện tượng lạ về ghép tạng được giải thích ra sao?

GD&TĐ - Y học tiến bộ đã giúp kéo dài sự sống cho những bệnh nhân có bộ phận hư hỏng bằng cách cấy ghép cái mới. Thế nhưng trong nhiều trường hợp, người được hiến tặng bỗng nhiên thay đổi, có những sở thích, tính tình giống như người hiến tặng khi còn sống. Khoa học đã giải thích những hiện tượng trên như thế nào?

Tế bào lưu giữ ký ức nên có thể truyền qua bộ phận cấy ghép?
Tế bào lưu giữ ký ức nên có thể truyền qua bộ phận cấy ghép?

Thay đổi sở thích và tính cách

Năm 2008, Claire Sylvia, 47 tuổi là phụ nữ đầu tiên ở New England, Mỹ cấy ghép tim và phổi. Sau ca phẫu thuật phức tạp này, bà bỗng phát hiện sở thích của mình thay đổi một cách kỳ lạ.

Bà bắt đầu thèm bia, loại thức uống chưa từng dùng, cũng như những loại thực phẩm không thích ăn trước khi phẫu thuật, như gà rán của McDonald chẳng hạn. Kỳ lạ hơn, bà trải qua một loạt giấc mơ, trong đó thường thấy một thanh niên trẻ, gầy mà bà gọi là “Tim L”.

Sau đó, bà phát hiện người hiến tặng tim cho mình là một thanh niên 18 tuổi tên là Timothy Lamirande, qua đời trong một tai nạn xe máy trên đường về nhà từ một cửa hàng của MacDonalds.

Ngoài thực phẩm, những người cấy ghép bộ phận cũng phát triển sở thích và kỹ năng mới. Điển hình là Sharron

Coghlan, 45 tuổi, ở Anh, sau phẫu thuật không chỉ phát triển sở thích khác về thực phẩm mà còn về âm nhạc, sách vở và phim ảnh, những thứ mà trước đây bà không màng tới.

Trường hợp khác là doanh nhân Bill Wohl, 64 tuổi, ở Mỹ luôn dư thừa thể trọng và có hình dạng béo tròn. Ông không thích thể thao hay các hoạt động ngoài trời, cho đến khi trải qua một cuộc phẫu thuật ghép tim mà người hiến tặng vốn là một vận động viên.

Từ đó, ông bỗng bị ám ảnh về sự cân đối thể hình, bắt đầu siêng luyện tập, kiêng ăn và tham gia các cuộc tranh tài thể thao, trở thành vận động viên bơi lội, đua xe đạp, chạy bộ và giành được nhiều huy chương.

Lạ hơn nữa, một thanh niên 29 tuổi tên là Simon Cooper ở Enfield, Middlesex, Anh, trải qua phẫu thuật ghép gan do một cô gái 18 tuổi hiến tặng.

Những ngày sau đó, Simon bỗng cảm thấy lời ăn tiếng nói của mình thay đổi một cách kỳ lạ. Anh hay chửi thề, nói năng bạt mạng, điều mà trước đây không hề có và hoàn toàn ngược với tính cách trầm tĩnh của anh.

Những thay đổi kỳ lạ này khiến người ta tò mò tìm hiểu sâu hơn và khám phá hầu hết đều bắt nguồn từ sở thích, tính cách của người hiến tặng.

Những ký ức xa lạ

Không chỉ thay đổi tính cách hoặc sở thích cá nhân khi được chuyển giao một bộ phận cơ thể, mà người nhận nội tạng còn có những ký ức xa lạ. Daryl, một cậu bé 5 tuổi, nhận quả tim của một cậu bé 3 tuổi khác, chết do ngã từ cửa sổ.

Daryl không biết điều này, nhưng cậu thường hay nói về một cậu bé trong giấc mơ của mình tên là “Timmy”… Cậu nhỏ này cho biết bị tổn thương nặng nề trong một cú ngã. Vào thời điểm đó, ngay cả cha mẹ của Daryl cũng không biết gì về người hiến tặng.

Do đó, khi biết được thông tin về cậu bé, họ vô cùng ngạc nhiên. Cậu bé hiến tim có tên là Thomas, nhưng gia đình hay gọi cậu là “Tim”, gần giống như cách mà Daryl gọi.

Daryl từng thích đồ chơi siêu anh hùng Power Ranger, nhưng sau cuộc phẫu thuật lại rất sợ chúng. Tìm hiểu thêm, gia đình biết Tim rơi ra từ cửa sổ, sau khi với tay lấy một Power Ranger trên kệ cao.

Một trường hợp đáng chú ý khác là nữ diễn viên người Pháp Charlotte Valandrey, được ghép tim vào năm 2003. Sau ca phẫu thuật, cô bắt đầu trải nghiệm nhiều hiện tượng lạ, như cảm giác mãnh liệt của Déjà vu (một cảm tưởng đã trải qua hay đã thấy dù chưa từng đến lần nào) khi đến thăm một số nơi, đặc biệt là ở Ấn Độ, thậm chí biết rõ chi tiết về những nơi chưa từng đến, cũng như những cơn ác mộng không ngừng về tai nạn xe hơi. Điều này phù hợp với trải nghiệm sống và cái chết của người hiến tặng.

Kỳ lạ hơn, một cô bé 8 tuổi với trái tim khiếm khuyết nhận được một cái mới từ một người hiến tặng là một bé gái 10 tuổi bị sát hại dã man. Cảnh sát tích cực điều tra nhưng không tìm ra hung thủ.

Người nhận không hề biết điều này, nhưng cô bắt đầu có những giấc mơ và cảnh mộng về những nơi chưa từng đến và những người chưa từng gặp, kể cả khuôn mặt của một người đàn ông luôn tấn công cô. Cô bé được đưa đến gặp một bác sĩ tâm thần, ông này rất thích thú với những chi tiết mà cô bé kể trong các buổi điều trị.

Ông ghi chép tỉ mỉ và thậm chí phác thảo về người đàn ông mà cô vẫn nhìn thấy trong mơ. Tất cả càng trở nên kỳ bí hơn, khi cô gái nhỏ biết cả thời điểm xảy ra vụ án mạng, địa điểm, vũ khí được sử dụng, ngay cả những kẻ giết người mặc quần áo gì. Mặc dù mọi chuyện từ giấc mơ của cô bé được ghép tim nhưng thông tin này cũng đủ giúp cảnh sát tìm ra hung thủ đang lẩn trốn.

Ký ức tế bào hay giả khoa học?

Những hiện tượng trên được giải thích như thế nào? Có nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng đáng chú ý là “ký ức tế bào”. Theo đó, mỗi tế bào trong cơ thể, đặc biệt là những tế bào có liên hệ mật thiết với hệ thần kinh, hay có tính chất “thần kinh” sẽ có khả năng lưu giữ thông tin rất lớn.

Ví dụ như tế bào cơ tim là một loại tế bào đặc biệt, có tính tự động rất cao nên việc có “ký ức” là hoàn toàn có thể. Hầu hết những người hiến tim đều là những người khỏe mạnh bị đột tử trong các vụ tai nạn, bị sát hại nên quả tim ngừng hoạt động một cách đột ngột. Khi được “sống lại” sau ghép, quả tim vẫn tiếp tục chu trình làm việc trước đó như khi còn ở người cho và ảnh hưởng đến tâm sinh lý của người nhận.

Tuy nhiên, hiện tượng “ký ức tế bào” bị những người hoài nghi cho là “giả khoa học”. Theo họ, không phải tất cả những người ghép tạng đều trải qua những bất thường như vậy. Một số nghiên cứu phát hiện chỉ có khoảng 6% người ghép tạng có những trải nghiệm này. Đó có thể do tác dụng phụ của thuốc hoặc tình trạng nhạy cảm về mặt cảm xúc.

Tuy nhiên, phản biện này vẫn chưa mang tính thuyết phục và hiện tượng kỳ lạ trên vẫn còn là điều bí ẩn chưa có lời giải.

Theo Mysteriousuniverse

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ