Mực nước biển có thể dâng cao gần nửa mét vào năm 2100

GD&TĐ - Nếu loài người tiếp tục thải khí nhà kính với tốc độ hiện tại, mực nước biển toàn cầu có thể sẽ tăng hơn 38 cm vào năm 2100.

Mực nước biển có thể dâng cao gần nửa mét vào năm 2100

Các nghiên cứu tiếp tục chỉ ra rằng khí nhà kính thải ra từ hoạt động của con người, chẳng hạn như carbon dioxide, góp phần đáng kể vào biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu.

Trong nghiên cứu mới có tên Dự án So sánh Mô hình Dải băng (ISMIP6), hơn 60 chuyên gia đã đưa ra ước tính về các dải băng tan trên Trái đất ảnh hưởng nhiều như thế nào đến mực nước biển toàn cầu vào năm 2100.

Sophie Nowicki, một nhà khoa học về băng tại ĐH Buffalo, người đứng dầu nghiên cứu nói: “Một trong những điều không chắc chắn lớn nhất khi nói đến mực nước biển tăng bao nhiêu trong tương lai là các dải băng sẽ đóng góp bao nhiêu. Và các dải băng đóng góp bao nhiêu phụ thuộc vào khí hậu”.

Đội ngũ ISMIP6 đã điều tra xem mực nước biển sẽ tăng lên như thế nào trong khoảng thời gian từ năm 2015 - 2100, khám phá mức độ thay đổi của mực nước biển trong nhiều tình huống phát thải carbon.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng, nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của con người tiếp tục được xả ra ở tốc độ hiện tại, các tảng băng tan ở Greenland và Nam Cực sẽ khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao 38 cm. 

Họ phát hiện ra rằng, với lượng khí thải cao (như chúng ta thấy bây giờ) kéo dài trong suốt khoảng thời gian này, tảng băng tan chảy của Greenland sẽ đóng góp khoảng 9 cm vào sự gia tăng mực nước biển toàn cầu. Với lượng khí thải thấp hơn, họ ước tính con số đó sẽ là khoảng 3 cm.

Sự tan chảy của tảng băng ở Nam Cực khó dự đoán hơn, bởi vì, trong khi các thềm băng sẽ tiếp tục xói mòn ở phía Tây của lục địa, thì Đông Nam Cực thực sự có thể tăng khối lượng khi nhiệt độ tăng lên do tuyết rơi ngày càng nhiều. Do đó, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra một phạm vi các khả thi lớn hơn về mức độ tan chảy của các tảng băng ở đây.

Nhóm nghiên cứu xác định rằng việc mất đi các tảng băng ở Nam Cực có thể làm tăng mực nước biển lên tới 30 cm, trong đó Tây Nam Cực sẽ khiến mực nước biển dâng lên tới 18 cm vào năm 2100 với lượng khí thải dự đoán ở mức cao nhất.

“Vùng biển Amundsen ở Tây Nam Cực và Vùng đất Wilkes ở Đông Nam Cực là hai khu vực nhạy cảm nhất với nhiệt độ đại dương ấm lên và dòng chảy thay đổi, và sẽ tiếp tục mất một lượng lớn băng”, Helene Seroussi, một nhà khoa học về băng tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Nam California, người dẫn đầu mô hình tảng băng ở Nam Cực trong dự án ISMIP6, cho biết trong cùng một tuyên bố.

Những kết quả này phù hợp với ước tính của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nơi có Báo cáo đặc biệt năm 2019 về Đại dương và Khí quyển cho thấy các tảng băng tan chảy sẽ đóng góp vào khoảng một phần ba tổng lượng nước biển dâng lên trên toàn cầu.

Theo báo cáo năm 2019 của IPCC, các tảng băng tan chảy ở Greenland sẽ đóng góp từ 8 đến 27 cm vào mực nước biển toàn cầu dâng lên trong khoảng từ năm 2000 đến 2100. Đối với Nam Cực, báo cáo ước tính rằng các tảng băng tan chảy sẽ khiến mực nước biển dâng lên từ 3 - 28 cm. 

“Điểm mạnh của ISMIP6 là tập hợp được hầu hết các nhóm lập mô hình tảng băng trên khắp thế giới, sau đó kết nối với các cộng đồng lập mô hình đại dương và khí quyển khác để hiểu rõ hơn điều gì có thể xảy ra với các tảng băng”, Heiko Goelzer, một nhà khoa học từ Đại học Utrecht ở Hà Lan hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Na Uy NORCE, cũng cho biết trong cùng một tuyên bố.

Kết quả từ nghiên cứu mới này sẽ cung cấp thông tin cho báo cáo tiếp theo của IPCC, báo cáo tổng thể thứ sáu, dự kiến ​​được đưa ra vào năm 2022.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?