Chuyện ly kỳ xung quanh ngôi mộ cổ ở Thạch Thất

Trên gò Đồi Cao nằm ở xóm Núi Lãn (xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội) từ lâu đã có một ngôi mộ cổ kè đá ong. Xung quanh ngôi mộ ấy đã xảy ra rất nhiều điều huyền bí...

Chuyện ly kỳ xung quanh ngôi mộ cổ ở Thạch Thất

Ngôi mộ không người thăm viếng

Gò Đồi Cao trước đây có khoảng gần chục gia đình thuộc 4 dòng họ sinh sống, sau này hầu hết những gia đình ấy chuyển đi và bán lại cho gia đình bà Kiều Thị Huê (84 tuổi, tên thường gọi là Hoa theo tên con gái cả). 

Ngôi mộ cổ trước đây chỉ là một gò đất chừng gần 2 m2, quây xung quanh bằng một hàng đá ong, không có người thăm viếng, chỉ những ngày lễ, Tết, thi thoảng gia đình bà Hoa mới lên hương khói cho đỡ cô quạnh. 

Năm 2008, khi Hà Tây hợp nhất với Hà Nội, đất sốt, gò Đồi Cao bị xẻ hạ bán đất nổi, đổ nền cho các khu công nghiệp hai bên đại lộ Thăng Long. Ba bề quả đồi cũng bị đào hạ xuống sát chân ngôi mộ chỉ cách vài mét, trải qua những mùa mưa, đất bốn bên ngày càng sụt lở, ngôi mộ có nguy cơ tụt xuống.

Gia đình bà Hoa sống trên mảnh đất này đã lâu nên quá quen thuộc với sự có mặt của ngôi mộ, mặc dù bản thân bà cũng không biết ngôi mộ ấy là của ai, có tự bao giờ. Chỉ biết là các cụ đời xưa đã dặn lại là không được làm gì mạo phạm đến ngôi mộ. 

Từ ngày sống ở đây, bà Hoa liên tục chứng kiến những câu chuyện kỳ lạ nhưng không thể giải thích nổi. Bà Hoa kể, có lần đang buổi trưa bỗng bà nghe thấy tiếng gọi thất thanh: Chị Hoa ơi, chị đưa em về với. 

Bà Hoa chạy lên đồi thì nhìn thấy bà Hòa, người mà ngày nào cũng đi qua quả đồi này, bà Hoa hỏi to: Có chuyện gì thế? Bà Hòa như bừng tỉnh: Ồ đường đây mà sao từ nãy giờ em không thấy đường về, cứ nhìn thấy lối mòn, em đi tới thì cây lại chắn trước mặt, lại nhìn thấy đường ở bên kia đi tới thì lại bị cây chặn. Cứ như vậy không đi được, sợ quá em mới kêu chị… 

Một lần khác, cụ Quang người sống ở sườn quả đồi lúc ấy đã 70 tuổi mà cứ đi lên, đi xuống quãng đường từ đỉnh đồi xuống gần nhà bà Hoa, thấy vậy bà Hoa hét lên: Ông đi đâu mà cứ đi lên đi xuống mãi thế. Lúc ấy ông mới bừng tỉnh: Tôi đi sang nhà con gái mà sao mãi không thấy đường (nhà con gái ông Quang ở phía dưới nhà bà Hoa). 

Rất nhiều những người hàng xóm sống lân cận cũng gặp chuyện tương tự. Như cụ Chắt có lần lên xin lộc (lúc ngôi mộ đã được xây mới) nhưng xin lộc xong thì cứ đi loanh quanh, không tìm thấy lối về, cho đến tận lúc va vào gốc cây bồ kết, bị gai đâm đau quá mới bừng tỉnh.

Lại có lần cụ ông Tạ Văn Kheo khăng khăng rằng dưới ngôi mộ có vàng nên cùng đứa cháu đào lên, ông đào được một cái bình màu trắng nhưng đào đến đâu thì bình vỡ vụn đến đó, vàng chẳng thấy đâu. Hoảng sợ, cụ Kheo vội lấp bỏ. Gia đình cụ Hoa và người dân xung quanh thấy vậy thì mua hoa quả lên thắp hương và lấp mộ, sau khiêng đá kè lại như cũ.

Người đàn bà điên và những giấc mơ kỳ lạ


Bà Hoa là người chứng kiến và trải qua nhiều chuyện lạ kỳ nhất xung quanh ngôi mộ. Bản thân bà Hoa đã từng bị điên suốt hơn 1 năm trời, và sau này nghĩ lại, bà mới thấy có mối liên hệ nhất định giữa những ảo giác trong cơn điên của mình với những vấn đề liên quan đến ngôi mộ cổ.

Năm 1957 bà Hoa mang bầu con gái đầu lòng và sinh non khi mới được 7 tháng chỉ nặng 1,7 kg. Sinh xong bỗng dưng bà bị hóa điên, hồi ấy xóm làng toàn gọi bà là bà điên, bỏ con chạy nhảy khắp nơi. 

Người nhà lo sợ nhốt bà canh giữ cẩn thận, nhưng không hiểu sao lần nào bà cũng tự thoát ra ngoài đứng giữa sân cười ngây dại, chửi bới. Mẹ bà Hoa cho người đi khắp nơi tìm thầy cúng lễ, nhưng điều kỳ lạ là khi người nhà trở về chưa kịp nói gì thì bà đã đọc vanh vách thầy nói gì, cần sắm đồ cúng lễ gì.

Sau này bà Hoa mới kể với con cháu rằng hồi ấy mỗi buổi chiều bà vẫn nhìn thấy một đoàn người rước kiệu, trống giong cờ mở, rước một người đàn ông mặt vuông vức, dáng cao, vạm vỡ oai phong, nước da nâu đen cùng đoàn tùy tùng tiến về nhà mình. 

Đêm đến vị quan ấy cứ nằm trên đình màn nói chyện, nhận bà là vợ và rủ đi cùng. Mãi không thuyết phục được, vị quan nói tha cho bà. Sau khi được mẹ làm lễ cúng thì bà trở lại bình thường.

Tìm lại ngôi mộ bị thất lạc nhiều năm

Những người trong gia đình cụ Hoa kể lại rằng cách đây 6 năm, có tốp 3 người đàn ông vừa lên chùa Cực Lạc thắp hương xuống hỏi thăm tìm ngôi mộ trên đỉnh một quả đồi, nhân duyên thế nào lại hỏi thăm đúng chị Mai - con gái bà Hoa. 

Chị Đoàn Thị Mai kể: “Hôm ấy đoàn khách viếng chùa xong thì vào quán nhà tôi uống nước. Một người trong nhóm là cụ Nguyễn Vân Tằng (ở Hà Đông, nay đã mất) có nói rằng ngày trước thường được theo cha lên đây thắp hương cho 3 ngôi mộ cổ, một ngôi trên chùa Tây Phương, một ngôi ở chùa Cực Lạc, còn một ngôi nữa ở trên một cái gò gần chùa Kim Long, nhưng bây giờ người ta san bạt đồi thế này thì không thể nhớ được mộ ở đâu. 

Tôi liền bảo ở trên đồi nhà mình cũng có một ngôi mộ, lâu lắm không có người hương khói, không biết có phải ngôi mộ mà họ cần tìm không”.

Lên mộ, tốp người quan sát, mở sách ra xem và khẳng định đây chính là ngôi mộ họ cần tìm. Cụ Nguyễn Vân Tằng cho biết mình là người giữ gia phả họ Nguyễn và hiện đang trông giữ hơn 100 ngôi mộ cổ của Việt Nam ở khắp các vùng. 

Lần đó, cụ Tằng thắp hương xong thì chị Mai sắc mặt tái nhợt, cử chỉ thất thường, miệng ú ớ, mắt nhắm, người lắc lư, mọi người cho rằng chị bị vong Ngài nhập nhưng khi hỏi Ngài có muốn chuyển đi nơi khác không thì chị Mai chỉ lắc đầu quầy quậy tức giận.

Theo những người được chứng kiến câu chuyện thì cụ Tằng kể lại rằng ngôi một cổ này là một trong 3 điểm trấn giữ phía Tây Thủ đô cùng với 2 ngôi mộ trên chùa Tây Phương và chùa Cực Lạc. Câu chuyện cụ Tằng kể về việc tìm được ngôi mộ với những giấc mơ báo trước cũng vô cùng ly kỳ. 

Cụ kể, lần thứ nhất cụ nằm mơ thấy một con chim Hạc lấy mỏ vẽ 3 điểm thành một hình tam giác sau đó lại biến thành Bồ Tát và nói rằng: 

“Con hãy đi tìm và giữ lấy cái lọ vẫn còn đấy, giữ lấy mà đời đời hưởng phúc”. “Tôi dậy mở gia phả và tài liệu tìm thì xác định hình tam giác chắn hẳn là ba ngôi chùa Tây Phương - Cực Lạc - Kim Long, ở đó có 3 ngôi mộ cổ hiện đang mất một ngôi chưa tìm ra”. 

Nhưng lần đi tìm ấy không có kết quả. Đến lần thứ hai thì cụ Tằng lại mơ thấy Bồ Tát báo rằng lần này sẽ dẫn đi. Cụ lại đi tìm và lần này đã may mắn tìm được ngôi mộ một cách dễ dàng. 


Ngôi mộ của thánh tổ?

Mùa mưa năm 2011, ngôi mộ bị sạt lở đến tận chân, nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, những người trong gia đình bà Hoa lo lắng bèn lên mộ thắp hương xin Ngài chỉ cho phải làm gì. 

Thời gian sau đó, gia đình liên tục mời nhiều nhà ngoại cảm, nhà phong thủy đến nhưng kỳ lạ thay tất cả họ khi làm lễ đều trục trặc và nhanh chóng ra về mà không đưa ra được phương án gì. 

Chị Mai kể, có một nhà sư khi được mời lên, thấy ngôi mộ chỉ phán một câu rằng ngôi mộ này thiêng lắm rồi bỏ về. Lại có lần ông thầy tên Mộc ở Hà Nội lên, sau khi làm lễ và cho biết Ngài cho phép chuyển mộ đi nhưng phải “trống giong cờ mở”, vừa phán xong thì la bàn bị hất văng khiến ông hoảng hốt cũng ra về.

Phải đến khi nhà ngoại cảm, nhà phong thủy Nguyễn Cung Hà - Phó chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, Phó Giám đốc trung tâm Unesco Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa Á Đông - được mời về để xem xét về ngôi mộ thì mọi việc mới thuận lợi. 

Ông Hà đã nhận định đây không phải là mộ bình thường mà là một của vị thánh tổ vùng đất này, là điểm trấn giữ linh thiêng ở phía Tây, vì vậy con cháu cần giữ gìn, thờ phụng. 

Trong buổi lễ động thổ tu sửa ngôi mộ có rất nhiều chuyện lạ kỳ xảy ra, nhất là chuyện chị Mai dù đã nhiều lần tránh mặt không tham gia buổi lễ nhưng vẫn bị “Ngài nhập”, có lời nói và cử chỉ cứ như một vị tướng trước sự chứng kiến của rất đông người.

Nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà cho biết, khi thắp hương xong, đang khấn thì nhìn thấy 3 vệt sáng chạy thành hình tam giác qua ba điểm là chùa Tây Phương, chùa Cực Lạc và chùa Kim Long, đó là dấu hiệu của Tam hội cục khí. 

Đây là một loại khí rất linh thiêng mà các bậc tiền bối thời xưa thường trấn giữ để bảo vệ những vùng đất quan trọng, không phải ai cũng ở được đây, phải những người căn cao phúc dày mới ở được. 

Lúc này, gia đình Cụ Hoa mới nhớ lại giấc mơ của cụ Tằng 4 năm trước, sao hai con người xa lạ lại có sự trùng hợp đến vậy về hình ảnh những vệt sáng hình tam giác. 

Và bà Hoa ngẫm lại cũng thấy lời nói của ông Hà thật đúng, những người sống ở đây cứ lần lượt tự mà đi, không đi thì cũng gặp chuyện nọ chuyện kia. 

Nhà bà cụ Điền, nhà ông cả Trường cùng chuyển đi đâu hết không rõ. Ông Hợp, em rể bà mua đất ở được một thời gian, không ở được phải bán đi. 

Gần đó có nhà có hai cô con gái thì đều bị lẩn thẩn, không có chồng. Có nhà thì đêm đến bà vợ tự dưng khóc thảm thiết. Nhà khác khi sinh con thì không bị câm cũng bị tật. Lại có một gia đình mua đất xây nhà trước ngôi mộ, nhưng lần thì cháy, lần thì đổ không xây được phải bỏ đi.

Đến nay, ngôi mộ trên đồi Gò Cao đã được những người trong gia đình cụ Hoa góp tiền xây dựng lại khang trang. Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Cần Kiệm, việc ngôi mộ này có phải mộ cổ hay không, của ai và niên đại chính xác ra sao thì vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể, cần đến các nhà chuyên môn. Còn việc bảo tồn, tôn tạo ngôi mộ là nguyện vọng của gia đình và phù hợp với chủ trương nên không có vấn đề gì.

Theo ANTĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ